Sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019
- Cải tiến kỳ thi THPT quốc gia: Cân nhắc lại việc chấm thi3
- Những "lỗ hổng" nghiêm trọng tiếp tay cho gian lận điểm thi THPT quốc gia
- THPT quốc gia 2018: Nhiều câu hỏi nhìn từ phổ điểm
Đây là một cuộc đối thoại được nhiều người trông đợi sau bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương như Hà Giang, Sơn La.
Cần hiểu rõ mục tiêu của kỳ thi để hạn chế các “vướng mắc”
Một vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra tại cuộc gặp gỡ là cần làm rõ mục tiêu của kỳ thi THPTQG để thực hiện đúng tinh thần của kỳ thi.
Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, tinh thần kỳ thi “2 trong 1” chỉ là cách nói tắt. Thực chất là kỳ thi này là “1 vận dụng cho 2” hay nói chính xác hơn là kỳ thi “1++”.
Một ở đây phải được hiểu là gốc, là chủ yếu, chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng để đánh giá sản phẩm của một quá trình đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp, làm cơ sở để học sinh có điều kiện đi học tiếp hoặc đi làm trong bối cảnh hội nhập… Đây là kỳ thi dành cho học sinh học xong lớp 12 được qui định trong Luật Giáo dục. Việc vận dụng cho “2” hay “1++”, tức là vận dụng để ghi danh vào một số trường đại học mà không cần phải thi bổ sung.
Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung cho phép người đã tốt nghiệp cấp dưới thì được ghi danh vào học cấp học tiếp theo ở các trường không có cạnh tranh cao, nhất là trong điều kiện năng lực tự tổ chức tuyển sinh của một số trường đại học còn yếu nên việc có thể kết hợp tuyển sinh vào kỳ thi này cũng hợp lý.
Tuy vậy, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc vận dụng cho “1++” không phải là bắt buộc.
Lý do là Luật Giáo dục đại học đã giao quyền cho các trường đại học tự quyết định cách tuyển sinh của mình, nhưng trên thực tế các trường đều muốn đơn giản nên đều chọn cách áp dụng kết quả của phương án thi này. Trách nhiệm của kỳ thi THPT vì vậy càng thêm nặng nề và thách thức, nhiều lúc không gánh nổi.
Cần cải tiến mạnh mẽ khâu chấm thi nhằm tăng độ tin cậy của kỳ thi THPTQG. (Ảnh minh họa) |
Do đó, ông Đức đề nghị các trường đại học có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh đại học phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, không nên quá phụ thuộc vào kỳ thi THPTQG như hiện này.
Đồng quan điểm này, một số chuyên gia có mặt tại cuộc gặp gỡ cũng khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia có mục đích chính là xét tốt nghiệp, tuy nhiên người dân, phụ huynh, học sinh đều cho rằng đây là kỳ thi đại học.
Thực tế này cho thấy, quan điểm về mục tiêu của kỳ thi còn đang “vướng mắc”, nếu không cẩn thận năm sau chúng ta vẫn có thể lặp lại. Một kỳ thi đại học thì nguyên tắc chất lượng là các trường lo đầu vào. Nhưng khi giao cho địa phương chấm thi, nguyện vọng của họ là muốn con em đủ điểm để vào các trường tốt, vì thế sẽ có tác động để có lợi ích.
Trong khi đó, quy chế thi khi đặt ra phải hạn chế được sự can thiệp của lợi ích. Chính sự không hợp lý này tạo ra những tiêu cực trong khâu chấm thi.
Tăng cường các giải pháp kỹ thuật chống gian lận trong chấm thi
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, một trong những đại biểu tham dự cuộc gặp gỡ cho biết: Hiện tại, tất cả ý kiến góp ý trong buổi làm việc mới dừng lại ở bàn luận, chưa có quyết định chính thức qua các văn bản pháp lý, thông báo, hướng dẫn tới trường, sở.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, qua sự thống nhất của các đại biểu, xu hướng kỳ thi THPTQG năm 2019 sẽ có một số thay đổi. Thứ nhất, là thay đổi về phần mềm tuyển sinh. Phần mềm hiện tại thiếu chặt chẽ, khó kiểm soát nên có thể xảy ra tiêu cực về thi cử như ở Hà Giang và Sơn La.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nếu địa phương tổ chức thi, vẫn phải có sự phối hợp của các trường đại học như năm nay, nhưng phải kéo dài thời gian làm nhiệm vụ của giám thị coi thi. Bộ phải quản lý kho dữ liệu bài thi đã được quét và là đơn vị đứng ra tổ chức chấm thi về phương diện quản lý.
Bộ giao nhiệm vụ cho ai là một câu chuyện khác. Nguyên tắc chấm là phải làm phách, kể cả phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm.Ngoài ra, các đại biểu dự họp đều thấy việc thay đổi kỹ thuật và quy chế là cách làm nhanh nhất.
Cụ thể, sau khi thi xong, giám thị của cả hai bên (địa phương và trường đại học) sẽ phải ở lại thêm cho đến khi tất cả dữ liệu bài thi được quét xong (thành ảnh), chuyển về Bộ GD&ĐT bằng đường truyền tốc độ cao. Còn lại, tất cả bài thi được niêm phong và đặt tại Sở GD&ĐT.
Cũng theo TS Lê Trường Tùng, một số vấn đề khác được các chuyên gia đặt ra trong buổi trao đổi như đề nghị mua ngân hàng đề thi của những đơn vị khảo thí nước ngoài có uy tín. Tuy nhiên, họ đã đầu tư nhiều chục năm với những khoản tiền rất lớn, họ không bán, không cho thuê và đặc biệt không cho Việt hoá và phải kiểm soát việc sử dụng để bảo đảm uy tín.
Bởi vậy, ngoài việc Bộ GD&ĐT phải tích cực xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm thì cần phát huy từ các đơn vị doanh nghiệp, tất cả thầy cô đóng góp ngân hàng đề thi có chất lượng.
Cùng với đó, là việc xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ đủ uy tín để các trường đại học, học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong yêu cầu tuyển sinh của mình.