Thông tin mới nhất về vụ chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên ở Hà Tĩnh
>> Thiếu người đứng lớp, hơn 200 giáo viên vẫn bị cắt hợp đồng
Trước đó, Báo CAND số 3741 ra ngày 24/10 đăng tải bài viết “Hơn 200 giáo viên bị cắt hợp đồng trong lúc địa phương thiếu người đứng lớp”, phản ánh việc 214 giáo viên trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh bỗng dưng bị chấm dứt hợp đồng ngay trước thềm năm học mới 2015-2016.
Qua tìm hiểu vấn đề chúng tôi được biết, sở dĩ số giáo viên trên bị cắt hợp đồng là do trước đây họ được tuyển vào ngành giáo dục không thông qua các hình thức xét tuyển và thi tuyển công chức, viên chức theo quy định của tỉnh. Tuy nhiên, do nhu cầu thiếu giáo viên và nhân viên ngành giáo dục nên trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2014, lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh (nay tách ra huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh) đã ký quyết định cho hơn 50 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non trên địa bàn được phép tuyển dụng, ký kết hợp đồng với số 214 giáo viên và nhân viên hợp đồng nói trên để phục vụ nhu cầu dạy và học của ngành giáo dục. Và chính số giáo viên, nhân viên nói trên đã góp công, góp sức cho ngành giáo dục Kỳ Anh ngày một phát triển. Song hiện nay, thực hiện chủ trương kiện toàn, củng cố bộ máy hành chính nhà nước, sử dụng đúng luật, đúng mục đích người lao động nên tỉnh Hà Tĩnh đề nghị huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh rà soát lại lao động, công chức trên địa bàn và chấm dứt hợp đồng lao động với số giáo viên nói trên.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo việc tổ chức họp bàn, thống nhất các phương án xử lý đối với số giáo viên nói trên. Song do chưa giải thích cụ thể, không nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động nên vụ việc không được giải quyết thấu tình, đạt lý. Làm nhiều giáo viên hoang mang, làm đảo lộn đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh và ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã yêu cầu lãnh đạo huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và các sở, ngành liên quan của địa phương thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề, đồng thời thống nhất hướng giải quyết cho người lao động theo quy định của pháp luật, có những giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Xử lý vụ việc có lý, có tình, đúng luật nhưng nhân văn.
Để xảy ra vụ việc trên là do trong khoảng thời gian dài, lãnh đạo huyện Kỳ Anh (cũ) đã không nắm rõ chủ trương của Chính phủ, bám sát kế hoạch tuyển dụng hằng năm của tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy, các địa phương sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy trình việc tuyển dụng, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Sắp tới, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tiếp tục gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của các giáo viên để rà soát lại, phân loại và có chính sách ưu tiên thu hút những giáo viên tâm huyết, có năng lực vào đứng lớp. Đối với những trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng sẽ bảo đảm quyền lợi theo quy định của pháp luật hiện hành.