Quy trình độ tương đương sẽ dễ dẫn đến bằng cấp bị lợi dụng

Thứ Hai, 19/11/2018, 09:14
Lãnh đạo một số trường đại học (ĐH) lại khẳng định, việc quy trình độ tương đương sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy như phá vỡ tính hệ thống và dễ bị lạm dụng bằng cấp, gây rối loạn.

Theo dự thảo Luật Giáo dục Đại học đang trình Quốc hội, hệ thống giáo dục đại học được chia thành 3 trình độ đào tạo gồm: Đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.Đã có những ý kiến cho rằng, với những ngành đặc thù như ngành Y thì phải công nhận trình độ sau đại học tương đương với bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II. Tuy vậy, lãnh đạo một số trường đại học (ĐH) lại khẳng định, việc quy trình độ tương đương sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy như phá vỡ tính hệ thống và dễ bị lạm dụng bằng cấp, gây rối loạn.

Theo khảo sát của Ban soạn thảo, Luật Giáo dục đại học (GDDH) của các nước Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đức, Trung Quốc chưa thấy có quy định bác sĩ chuyên khoa 1, 2 trong Luật. 

Việc trao tặng các danh hiệu nghề nghiệp gắn với văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới và chỉ có áp dụng theo mô hình đào tạo của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu trước đây. 

Tuy nhiên, để tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi cho các bác sĩ nội trú là trợ giảng, giảng viên cơ hữu trong các Bệnh viện và trường ĐH có cơ hội giảng dạy cả lý thuyết và thực hành trong ĐH và học viện, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã có thông tư liên tịch cho phép những người đã hoàn thành chương trình Bác sĩ nội trú, muốn có bằng thạc sĩ chỉ cần học thêm các môn học còn thiếu trong chương trình đào tạo thạc sĩ và làm Luận văn hoặc được miễn giảm các môn học/học phần đã hoàn thành trong các chương trình đào tạo trước đó.

Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, yêu cầu bằng đào tạo phải được kể tên sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Ảnh: minh họa

PGS.TS Nguyễn Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Quy định trình độ tương đương giữa BS chuyên khoa I, chuyên khoa II vào Luật Giáo dục đại học có thể mang lại nhiều hệ lụy. 

Thứ nhất, nó có thể phá vỡ tính hệ thống pháp luật như đã nêu bởi thực tế cho thấy, nếu cho phép Bộ Y tế cầm trịch triển khai luật GDĐH trong đào tạo y tế, rồi sẽ đến bộ VHTTDL cầm trịch về đào tạo văn hóa nghệ thuật, Bộ Tư pháp cầm trịch về đào tạo luật, Bộ KHCN có thể đào tạo sau đại học hoặc tiến sĩ, Bộ Nông nghiệp quản lý đào tạo Nông nghiệp, thủy lợi... như vậy sẽ gây rối loạn hệ thống GDĐH, phá vỡ tính thống nhất trong quản lý nhà nước về GDĐH. 

Đào tạo đặc thù có những đặc điểm riêng cần được tôn trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo, nằm trong những quy định chung của hệ thống để đảm bảo tính ổn định và thống nhất. Bên cạnh đó, việc quy trình độ tương đương cũng dễ dẫn đến tình trạng bị lạm dụng bằng cấp của GDDH trong điều kiện của một xã hội quá chuộng bằng cấp. 

Điều đó cũng không thực hiện đúng đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của Luật này đã xác định tại Điều 1 và Điều 2; có thể lạm dụng để mở rộng áp dụng đối với các con đường học tập khác như đào tạo, bồi dưỡng theo các vị trí nghề nghiệp, đào tạo trong tôn giáo, đào tạo theo kênh của tổ chức Đảng… đang được nhiều cơ quan quản lý, theo những chuẩn nghề nghiệp hoặc mục tiêu riêng. 

Thậm chí, quy định này còn có nguy cơ làm sai lệch tính chất, mục đích của các kênh đào tạo khác để được quy định tương đương. Đây cũng chính là những lý do năm 2009, Quốc hội đã sửa Luật Giáo dục, bỏ các từ “trình độ tương đương”, “văn bằng tốt nghiệp tương đương” trong Điều 38 và Điều 43 của Luật Giáo dục 2005. Luật GDĐH 2012 cũng tiếp tục quan điểm này.

Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, yêu cầu bằng đào tạo phải được kể tên sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Ảnh: minh họa

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng: Hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều chương trình đặc thù của ngành, không chỉ y tế mà cả văn hóa - nghệ thuật cũng có bằng đặc thù, quân đội cũng có bằng đặc thù... 

Nếu cứ ngành nào đặc thù chúng ta lại liệt kê ra thì trong Luật này chúng ta phải liệt kê hàng trăm văn bằng. Khi có hàng trăm văn bằng như thế, xã hội không hiểu được bằng này tương đương với cái gì, chính điều đó có thể tạo ra một sự gây rối, hỗn loạn hơn cho xã hội. 

Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự xuất hiện các ngành nghề mới thường xuyên và rất nhanh, khó dự báo. Có thể lúc này chúng ta liệt kê hàng trăm văn bằng nhưng ngay lập tức có ngành nghề mới, lại đào tạo mới và cấp cho họ bằng mới, khi đó lại đòi hỏi sửa Luật. Như vậy, phương án để đáp ứng yêu cầu bằng đào tạo phải được kể tên thì sẽ rất bất cập.

Cũng theo PGS Hoàng Văn Cường, cá nhân ông tán thành với phương án Dự thảo Luật Giáo dục đại học đề ra là 3 cấp độ bằng. Trên cơ sở đó những chương trình đào tạo đặc thù vẫn cấp bằng đặc thù, gọi nó theo các Luật chuyên ngành quy định nhưng Chính phủ sẽ có một quy định về công nhận giá trị tương đương theo khung trình độ đào tạo quốc gia. 

Khi đó, cần xác định văn bằng này tương đương với trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ chẳng hạn thì dựa vào khung đó để xác định. Có nghĩa là trong tương lai cấp bao nhiêu bằng cũng được, tùy trong ngành đặc thù sử dụng tên theo ngành đó. Khi cần đặt ra một phạm vi xã hội, người ta sẽ công nhận giá trị tương đương. Phương án này sẽ giải quyết được cả vấn đề tạo ra được đánh giá chung về cấp độ đào tạo xã hội, đồng thời đáp ứng được yêu cầu đào tạo đặc thù của từng ngành.

Vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng -Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Quan điểm của Bộ GD&ĐT là vẫn tuân thủ ý kiến của Thủ tướng, đó là bằng tương đương nhưng trình độ nào phải định danh trình độ đó.

Thu Phương- Huyền Thanh
.
.
.