Sau một học kỳ thực hiện thay đổi cách đánh giá học sinh Tiểu học:

Phụ huynh còn nhiều lo lắng

Thứ Năm, 15/01/2015, 09:54
Đến thời điểm này, học sinh các trường Tiểu học trên toàn quốc vừa trải qua kỳ kiểm tra học kỳ I. Chưa khi nào phụ huynh học sinh lại hồi hộp chờ đợi cuộc họp phụ huynh học sinh như đợt này, khi đây là kỳ học đầu tiên trên toàn quốc, thực hiện bỏ chấm điểm, thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học.

Ghi nhận ngẫu nhiên của phóng viên ở một số trường Tiểu học, cho thấy bước đầu đã tạo ra một không khí mới, giảm áp lực cho học sinh, nhưng điều khiến nhiều người còn băn khoăn là cách thực hiện đổi mới theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT ở các trường chưa thống nhất, có trường giáo viên nhận xét đầy đặn, thường xuyên, có trường lại làm chiếu lệ, gây tâm lý lo lắng về chất lượng đào tạo. 

Ngày 14/1, trao đổi với PV Báo CAND, bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho biết, việc đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học đối với khối lớp 1 không còn là mới lạ, vì từ năm học trước, nhiều trường đã thực hiện không chấm điểm thường xuyên.

Một chuyển biến lớn thấy rõ rệt nhất sau một học kỳ áp dụng bỏ chấm điểm, thay vào đó là lời nhận xét của giáo viên, đã tạo cho học sinh sự thoải mái, không bị áp lực khi đến lớp, không còn sợ cô cho điểm kém, không còn lo cô phê bình. Đấy là tính nhân văn rất cao và đúng theo xu thế của giáo dục nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên theo bà Phạm Thị Yến, với đổi mới này, nếu cha mẹ học sinh không song hành cùng con, để biết hàng ngày cô nhận xét con học như thế nào trên lớp; không chấm điểm, không giao bài tập về nhà, cha mẹ học sinh cũng dễ dẫn đến chủ quan, không đôn đốc việc học của con, khi mà ở độ tuổi này nhiều trẻ chưa hình thành ý thức tự giác… Đối với học sinh lớp 1-2-3 thì không đáng lo ngại, nhưng học sinh lớp 4, 5 lượng kiến thức lớn, cha mẹ cần nhắc nhở con học ôn 1 tiếng ở nhà. 

Một thực tế đang diễn ra, đó là việc đổi mới cách đánh giá này đang khiến giáo viên của các trường tiểu học căng như dây đàn, vì phải ghi chép quá nhiều. Nhiều cô giáo cho biết, nếu để đầu tư lời nhận xét chỉn chu, sâu sát đến từng em, thì giáo viên phải tận dụng mọi thời gian nghỉ giữa tiết, giờ họp bộ môn, hoặc phải ôm vở học sinh về nhà để xử lý.

Nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn sau một học kỳ thực hiện thay đổi cách đánh giá học sinh Tiểu học. Ảnh minh họa.

Trong quá trình tìm hiểu ở các trường tiểu học khác nhau, qua xem vở của học sinh ở các lớp, điều chúng tôi cảm nhận là có lớp cô giáo nhận xét rất nhiều, đầy đặn, trong đó hàm chứa sự khích lệ, cỗ vũ các con cố gắng; có lớp thì giở đến 10 trang vở mới thấy lời nhận xét rất ngắn gọn, chung chung của cô giáo như “Đạt yêu cầu”, “Chưa đạt yêu cầu”.

Chị Mai Thu Hương, có con học tại một trường Tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, thì tỏ ra bức xúc khi buổi tối nào con chị cũng yêu cầu mẹ phải ký vào vở thông báo sau một số yêu cầu của cô giáo ở phía trên, đồng thời mỗi cuối tuần cô giáo lại có yêu cầu phụ huynh nhận xét về tinh thần học của con ở nhà, trong khi chị rất hiếm hoi đọc được nhận xét của cô giáo về việc học của con ở trên lớp.

Chị Hương cho biết “thường thì tôi chỉ nhận được đánh giá tổng kết tình hình học tập của con qua tin nhắn từ sổ tay liên lạc điện tử của nhà trường, đại loại như “Nhận xét tháng 12 con ngoan, tiếp thu bài tốt, chấp hành nội quy trường lớp, cần phát huy….”. Như vậy thì không khác là mấy so với trước đây, trong khi bây giờ không chấm điểm, tôi không có cơ sở nào để biết lực học của con đến đâu”.

Trăn trở của chị Hương cũng là nỗi niềm chung của nhiều phụ huynh và cũng là nỗi lo lắng của những người làm công tác quản lý giáo dục. Bà Phạm Thị Yến cũng bày tỏ nếu giáo viên không sát sao, tận tâm với học sinh và không có sự tăng cường trao đổi giữa giáo viên với phụ huynh về tình hình học tập và phát triển tính cách, thì cũng rất đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Đức Vượng, chuyên viên Phòng Giáo dục, Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho hay, ở góc độ quản lý giáo dục, có nơi chỉ đạo ghi nhận xét thường xuyên, có nơi không ghi nhận xét thường xuyên, Thông tư 30 có tính mở, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm…

Từ thực tế triển khai sau một học kỳ, các trường tiểu học đang hoàn thiện đánh giá học sinh theo cách mới: chấm điểm bài cuối kỳ theo tiêu chí chung, với tất cả các môn trên 5 điểm là Đạt. Tuy nhiên việc giáo viên phải hoàn thiện sổ sách, ghi chép quá nhiều cũng là một trong những bất cập mà nhiều trường Tiểu học kiến nghị Bộ GD&ĐT cần cải tiến cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Chúng tôi cũng có tham khảo các cuốn học bạ ở nước ngoài, giáo viên nhận xét chi tiết, tỉ mỉ nhưng sĩ số các lớp của họ chỉ tầm 15 em, còn các trường của chúng ta, sĩ số thường trên 50 em/lớp, rất khó để chi tiết được, hơn nữa lại thực hiện ghi chép sổ sách của giáo viên theo hướng dẫn quá nhiều, rất vất vả cho giáo viên”, bà Phạm Thị Yến bày tỏ.

Cải tiến cách ghi sổ sách giáo viên là kiến nghị từ phía các trường Tiểu học. Qua một học kỳ, từ phía Bộ GD&ĐT, theo TS Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ cũng đã nhìn ra để tháo gỡ. Do cán bộ quản lý quen cách quản lý cũ, gây áp lực cho giáo viên, là băn khoăn chúng tôi phải giải quyết. Cần đổi mới quản lý theo cách khác, quản lý xem cụ thể giáo viên triển khai trên thực tế thế nào.

Giải tỏa áp lực, căng thẳng, tạo sự khích lệ, niềm vui đến trường cho trẻ ở bậc học Tiểu học là một chủ trương đúng, chỉ cần thống nhất cách làm của các trường và giáo viên đứng lớp.

Thu Uyên
.
.
.