Phòng, chống lạm thu đầu năm học mới:

Phụ huynh cần đồng lòng lên tiếng trước các khoản thu biến tướng

Thứ Hai, 16/09/2019, 09:01
“Ban chấp hành Hội cha mẹ học sinh cần phải thoát ra khỏi cái cảnh làm “con rối” cho một số nhà trường, đứng ra vận động phụ huynh học sinh (PHHS) đóng góp các khoản tiền không đúng. Chống lạm thu rất khó nhưng nếu Hội cha mẹ học sinh đồng lòng, phát huy được tinh thần tập thể, vì quyền lợi của học sinh là làm được”, bà Nguyễn Thị Yến Thu, Trưởng Hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm xoay quanh việc phòng, chống lạm thu đầu năm học.


“Trăm hoa đua nở” các khoản không bắt buộc

Thời điểm này, hầu hết các trường học ở TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp phụ huynh học sinh. Và năm nào cũng vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố luôn lưu ý các trường, cần thông báo đầy đủ các khoản thu, công khai bằng văn bản đến từng PHHS. Nhưng, năm nay dù Sở đã chỉ đạo kỹ như vậy nhưng nhiều người vẫn không khỏi giật mình khi nhận được các khoản tiền nhà trường thông báo.

Ngay sau mấy ngày con vào năm học mới, một số PHHS tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đã lo lắng với rất nhiều các khoản phí được đưa ra. 

Ngoài tiền học phí hơn 1,6 triệu đồng, phụ huynh còn phải đóng thêm các khoản như tiền nước uống 200.000 đồng/năm; sổ liên lạc điện tử 120.000 đồng/năm; ấn phẩm 50.000 đồng/năm; tập san 130.000 đồng/năm; sách tiếng Anh 142.000 đồng/năm; quỹ trường 400.000 đồng/năm; tiền phôtô tài liệu, ủng hộ các câu lạc bộ của trường; tiền BHYT… 

Chưa hết, PHHS còn phải đóng thêm 2 triệu đồng tiền quỹ lớp. Tổng các khoản đầu năm mỗi PHHS đã phải đóng khoảng 6 triệu đồng.

Các trường phải thực hiện đúng quy định về khung mức các khoản thu là chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh từ đầu năm học mới 2019-2020.

Một PHHS tại Trường Tiểu học N.H quận 2, cũng than thở: “Từ đầu năm đến giờ, tôi đã phải đóng khoảng 4 triệu đồng. Có nhiều khoản thu không hợp lý và cũng không cần hỏi phụ huynh xem có cần thiết không, như tiền mua Báo Nhi đồng hơn 200.000 đồng/năm. Rồi còn có thứ tiền Cổng thông tin điện tử. Tôi không hiểu thứ tiền này là gì!”.

Tìm hiểu thêm tại một trường thuộc vùng ven là quận Gò Vấp, chúng tôi còn kinh ngạc về các khoản tiền đầu năm cho học trò.

Chị Thanh Thuý, có hai con đang theo học một trường tiểu học (trường công theo mô hình tiên tiến) thuộc quận Gò Vấp cho biết: “Nhà trường chưa thông báo đóng hết các khoản nhưng tôi đã nộp khá nhiều khoản tiền như: tiền thay rèm cửa sổ lớp học, tiền thay sàn gỗ cho lớp; tiền trang bị 2 máy lạnh (1 máy cho phòngngủ, 1 máy cho phòng học).

Nhà trường giải thích, các bé sẽ học từ lớp 1 tới lớp 5 tại lớp này nên máy lạnh là con mình dùng chứ không ai dùng. Tiền để thay bảng thông tin mới, tiền mua thêm vài bình hoa cho phòng học của con, mua bảng tương tác… Mỗi PHHS (lớp 1) đóng 8 triệu đồng/người, trong đó còn dư một chút đỉnh để làm quỹ lớp”.

Ngoài ra, tại lớp con chị Thuý, mỗi HS đóng 20.000 đồng/tháng tiền tin nhắn của nhà trườngcho con. Rồi tiền mua bộ sách vở hơn 200.000 đồng/bộ. Tiền bán trú là 10,8 triệu đồng cho 3 tháng. Tiền học tiếng Anh là 12 triệu đồng (cho mô hình tiên tiến); tiền đồng phục cho cả 2 con chị là 3 triệu đồng; tiền cơ sở vật chất 8 triệu đồng/HS. Riêng khoản này chị Thuý đóng cho 2 con là 16 triệu đồng.

Tiền ăn bán trú 1 tháng rưỡi nhà trường thu 4,5 triệu đồng/HS, tức 2 con chị phải đóng 9 triệu đồng. Chị Thuý nhẩm tính, tổng cộng chị đã đóng khoảng 53 triệu đồng cho 2 con học trường này từ đầu năm tới giờ và thừa nhận, gia đình chị cùng nhiều PHHS ở đây thuộc diện gia đình có điều kiện kinh tế, vì nếu không khó theo được mô hình học này.

“Tôi thắc mắc đã đóng tiền từ hè ở trường để mua cho con cả bộ sách giáo khoa nhưng hôm tới khai giảng, cô giáo yêu cầu bộ sách giáo khoa đó thiếu, mà phải đăng ký mua thêm 1 cuốn tiếng Anh riêng cho lớp tăng cường là 80.000 đồng, sách Mỹ thuật, Tin học và một số sách nữa. Ngoài ra, đóng hơn 2 triệu đồng là tiền ăn bán trú, tiền làm thẻ học sinh; tiền mua bộ dụng cụ học tập; năm nay nhà trường cũng thông báo là đóng thêm khoản tiền học môn Kỹ năng là 60.000 đồng.

Năm ngoái các lớp học không có khoản này. Sở GD&ĐT nói là tiền cơ sở vật chất là không bắt buộc, nếu có sửa sang gì đó thì thoả thuận với PHHS, là khoản tự nguyện đóng sao cũng được. Hay như quỹ trường cũng là khoản tự  nguyện. Hội cha mẹ PHHS đại diện trường đứng ra thu chứ nhà trường không thu. Nhưng thử hỏi ai dám không đóng?”, chị P có con vào học lớp 1 – lớp tăng cường tiếng Anh tại Trường Trương Công Định (quận 6) bức xúc.

Phụ huynh học sinh cần phát huy quyền làm chủ tập thể

Ngay sau khi khai giảng năm học mới 2019-2020, Sở GD&ĐT thành phố đã ban hành khung thu quy định (không được thu quá khung), bao gồm 6 khoản khác nhau như tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức phục vụ và quản lý bán trú… để tránh tình trạng lạm thu. Thế nhưng vì sao vẫn tái diễn tình trạng trên?

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Yến Thu, Trưởng hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh nói: “Chuyện lạm thu trong trường học là không thể chấp nhận và không cho phép. Tuy nhiên, thực trạng vẫn đang xảy ra, đó là thông qua Hội cha mẹ PHHS, các trường vẫn có nơi thu “lắt nhắt” các khoản.

Cộng vào sẽ thấy khá nhiều tiền. Gia đình nào mà có 2 đứa con đi học là đã thấy đuối! Với gia đình công nhân, lương cha mẹ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng thì tiền trường luôn là khoản đau đầu. Ngày con nhập vui nhưng thành nỗi lo lắng cho cha mẹ. Không lẽ đi mượn nợ đóng tiền cho con?!”.

Bà Thu cũng lập luận, nếu khoản thu được phép của HĐND và Sở GD&ĐT cho phép thì không sao. Nhưng nhiều nơi nhà trường lấy mô hình các khoản thu lên tới hàng mấy trăm triệu của những trường quốc tế ra để so bì, nói là thu trong trường công không bằng số lẻ của trường quốc tế thì càng thật không công bằng cho những gia đình công nhân.

Nhất là các khoản thu biến tướng thì PHHS cần phải nhận biết, có ý kiến đóng góp với Hội cha mẹ PHHS để thống nhất và cùng theo dõi việc thu-chi cho đúng. Đơn cử, trường lớp đã có năm, có tuổi, thì chắc chắn đã có trang bị máy lạnh, quạt… nên không thể là năm học mới là lại kêu gọi PHHS đóng góp mua máy lạnh.

Các khoản thu không có lý do chính đáng thì đều được coi đó là lạm thu. Hay có trường vẫn kêu gọi PH đóng tiền mua tivi trong lớp. Ngành Giáo dục thành phố có qui định, ti vi trước đây chỉ phục vụ cho phòng nghe nhìn của trường cho khối tiểu học. Có thể 1 khối cần một phòng là cùng. Vậy nếu mỗi lớp mà đóng tiền mua ti vi thì phải xem lại. Phòng nghe nhìn đều từ nguồn kinh phí, ngân sách của nhà nước, do vậy khoản này PHHS không phải đóng.

Cũng theo bà Thu, để giám sát hoạt động trong Ban chấp hành Hội Cha mẹ HS, Bộ GD&ĐT có qui định lập ra Ban thanh tra tài chính nằm trong Ban cha mẹ PHHS, nhằm theo dõi giám sát và góp ý kịp thời nếu thấy đưa ra các khoản thu quá qui định. Nhưng dường như, ban này lâu nay “án binh bất động”.

“Làm điều gì mà ảnh hưởng tới quyền lợi của trẻ em, quyền được đi học, được vui chơi của trẻ là không được. Theo tôi, mọi việc làm sai đều sẽ không qua được mắt người dân. PHHS cần phát huy quyền làm chủ tập thể đóng góp ý kiến, thậm chí đấu tranh. Ban chấp hành Hội cha mẹ HS cũng cần lên tiếng với mọi khoản thu vô lý. Có những Ban chấp hành Hội PHHS tôi biết đã lên tiếng, thoát khỏi cảnh làm bù nhìn, con rối trong tay Ban Giám hiệu nhà trường”, bà Thu nhấn mạnh.

Huyền Nga
.
.
.