TP HCM tuyển dụng 5.126 giáo viên cho năm học 2018-2019

Thứ Tư, 15/08/2018, 20:46
Được biết, dự kiến năm học 2018 - 2019, TP HCM sẽ tuyển dụng 1.522 giáo viên đối với các hệ mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó, khối mầm non 1.522 giáo viên, tiểu học 1.752 giáo viên, THCS 1.425 giáo viên để bổ sung cho các đơn vị. 

Nhiều ý kiến nóng hổi của các đại biểu là cử tri, đại diện lãnh đạo UBMT Tổ quốc tại các địa phương thuộc 24 quận huyện TP HCM, đặc biệt là có ý kiến từ chính những bậc cha mẹ học sinh (CMHS) được mời tới dự "Hội nghị chuyên đề công tác Chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019" của TP vào sáng 15-8.

Được biết, dự kiến năm học 2018 - 2019, TP HCM sẽ tuyển dụng 1.522 giáo viên đối với các hệ mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó, khối mầm non 1.522 giáo viên, tiểu học 1.752 giáo viên, THCS 1.425 giáo viên để bổ sung cho các đơn vị. 

Trả lời chất vấn trong cuộc họp, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của PHHS và đại biểu, đặc biệt, vấn đề hoàn thiện CSVC lớp học ngành giáo dục vẫn luôn ưu tiên hàng đầu. 

Trong năm học 2018-2019, số phòng học đưa vào sử dụng là 1.621 phòng học mới ở tất cả các bậc học. TP tiếp tục đảm bảo 100% HS trên địa bàn có chỗ học, giảm sĩ số HS/lớp, tăng số HS được học 2 buổi/ngày. Tính tới nay TP đã đạt 268 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Tại khu chế xuất, khu công nghiệp năm học mới có 16 trường và cơ sở Mầm non đi  vào hoạt động tại 12/17 khu công nghiệp. Đáp ứng 5.800 trẻ có chỗ học. TP đã cấp 438.422 triệu đồng để các Q/H sử dụng sửa chữa mua sắm thiết bị học tập cho khối Mầm non, Tiểu học, THCS, cấp 80 tỉ đồng cho khối THPT trực thuộc, TTGDTX nâng cấp CSVC, thiết bị đồ dùng học tập. Ngoài ra, đã có 85 dự án xây dựng trường lớp được hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư là 4.783 tỷ đồng.

Tại hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP HCM cũng chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc các địa phương phối hợp chặt chẽ với đoàn thể, ngành giáo dục và nhân dân cần tăng cường tuyên truyền, vận động để tất cả trẻ trong độ tuổi được đến trường học hành. 

Đồng thời, đề nghị Sở GD-ĐT tham mưu lãnh đạo thành phố thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Sở vào ngày 13-8-2018 về quyết tâm mới nhất của TP đó là việc cân đối ngân sách để tiến tới miễn học phí cho học sinh bậc THCS.

Những vấn đề nóng của ngành còn tồn tại trong năm học qua tiếp tục được đưa ra mổ xẻ như: Bạo hành Mầm non, lạm thu, thiếu giáo viên môn Tâm lý cho trường phổ thông, hồ bơi cho học sinh phòng chống đuối nước và vấn đề muôn thuở là CSVC, chỗ học cho (HS).

Học hè tại trường, chấm dứt bạo lực mầm non, trường tiểu học phải có hồ bơi

Tại hội nghị, tựu trung xoay quanh nhiều ý kiến của các đại biểu là vấn đề an toàn cho trẻ khi tới trường. Một PHHS, đại diện cho bà con tại phường Tân Kiểng, Q.7 TP HCM gửi kiến nghị như sau: Từ năm 2015-2016 với chủ trương của nhà nước là không cho mở lớp dạy trong trường. Tuy nhiên, tôi và nhiều PHHS không đồng tình với việc này. 

Quan điểm của chúng tôi là tổ chức dạy thêm dịp hè sao cho quản lý được, có trật tự và mức học phí đúng là được. Vì có nhiều điểm lợi cho PHHS. Không nên cấm vì đó là nhu cầu thực sự. HS có khảong 1 tháng rưỡi học hè sẽ tiếp tục được gặp gỡ bạn bè, thầy cô và nhà trường cũng dễ quản lý hơn là để ở nhà cha mẹ mải làm ăn khó có thể để mắt hết. 

Cũng theo vị này, học phí học hè do các trường tổ chức cũng thấp hơn bên ngoài ngoài ra, PHHS không phải vất vả đưa con đi học bên trung tâm ngoài trong tình hình giao thông phức tạp. Kết thúc hè, HS cũng được thầy cô nhắc nhở chuẩn bị vào năm học mới, các công tác chuẩn bị cho năm học mới mua đồ dùng học tập. 

Bên cạnh đó, việc đánh giá học lực hạnh kiểm HS bậc Tiểu học hiện nay cần xem xét. Theo đó, giáo viên chỉ cần nhận xét HS là "Hoàn thành" hay "không hoàn thành" mà không chấm điểm. Như vậy, trừ một số các bé bị dị tật, khiếm khuyết...không theo kịp các bạn, còn đa số HS Tiểu học đều đáp ứng tốt việc giảng dạy trên lớp. Nhưng vấn đề là không chấm điểm thì HS giảm sút tinh thần cạnh tranh trong học tập, thiếu tính ganh đua. Vậy không chấm điểm bậc Tiểu học đang thực hiện có nên hay không? Vị này đặt câu hỏi.

Các Đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Một đại biểu đại diện phường Bến Nghé- Q.1 phát biểu: Việc giám sát an toàn trong trường học, nhiệm vụ  phòng chống bạo lực trong học đường vô cùng quan trọng và luôn được quan tâm, nhưng ngay tại Q.1 năm học qua vẫn xảy ra vụ việc 1 cô giáo (trường Mầm non 30-4) bạo hành trẻ. 

UBND và ban ngành liên quan đã tới trường xác minh vụ việc và đề xuất xử lý, kỷ luật cảnh cáo với giáo viên-GV vi phạm, cô giáo này tự nhận thấy không phù hợp với ngành sư phạm nên cũng đã xin nghỉ việc. Đề nghị lãnh đạo ngành GD cần hết sức quan tâm tới vấn đề này.

Bà Tô Thị Bích Châu phát biểu chỉ đạo.

Ông Phùng Văn Được, đại diện cho PHHS xã Đa Phước-Bình Chánh và PHHS trường Tiểu học Nguyễn Văn Trân-Bình Chánh lại đề cập 2 vấn đề: 6 năm nay, tại Đa Phước đều duy trì "chính sách" phân tuyến con em vào Tiểu học của địa bàn đi học trái tuyến tại xã Huy Đức, và xã Phong Phú -Bình Chánh. Dù vào năm 2016, Đa Phước đã có đất qui hoạch cho giáo dục rồi nhưng không rõ vì lý do gì mà mãi chưa xây trường Tiểu học? 

Đã 6 năm rồi PHHS ở đây cứ "dài cổ" ngóng chờ một ngôi trường tiểu học, PHHS phải chở con đi học trái tuyến, vừa xa nhà vừa ảnh hưởng việc đi làm, nguy cơ TNGT rình rập. Ông cũng đề nghị: " UBND Bình Chánh cũng đã trả lời cho PHHS Đa Phước từ năm 2017 sẽ có trường Tiểu học và Mầm non nhưng rốt cục vẫn chỉ "dừng ở lời hứa". Đề nghị ngành GD TP cần quan tâm".

Cũng theo ông Được, vấn nạn bạo hành học đường, nạn xâm hại tình dục vẫn xảy ra với nhiều vụ việc nghiêm trọng. Làm thế nào để ngăn chặn được, không để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" như hiện nay. Khi cấp phép cho cơ sở tư thục mầm non, cơ sở nuôi dạy trẻ phải rà soát cả con người và chuyên môn kỹ lưỡng. Không thể để xảy ra tình trạng con trẻ bị hành hạ bầm dập trong những giờ lên lớp học, còn cha mẹ mải đi làm không thể giám sát hoạt động tại đây. Tuyển dụng GV, Bảo mẫu nhất thiết phải được học qua trường lớp "không chỉ tuyển bừa, tuyển ẩu".

Ông Được cũng kiến nghị, một trường Tiểu học ra đời, được xây mới nhất thiết trong dự án phải có thêm nguồn kinh phí xây hồ bơi để trẻ được phổ cập bơi ngay từ khi còn nhỏ, phòng chống nạn HS đuối nước vì những năm gần đây HS bị tai nạn đuối nước xảy ra gây quá nhiều bức xúc lo lắng trong XH.

Đại diện phường 8, quận 8- bà Yến Nga cũng đề cập tới vấn đề bạo lực học đường. Bà Nga cho rằng, vấn đề bức xúc này đã tồn tại từ lâu mà ngành GD vẫn chưa giải quyết triệt để. Bà đề nghị, trong dịp hè, HS nên được tổ chức đi tham quan, tiếp xúc với một số trung tâm mái ấm, trại trẻ mồ côi, cơ sở trẻ bị dị tật để các em có đồng cảm, biết thương người khó khăn, tàn tật, xây dựng nhân cách sống tốt. 

Đặc biệt, các trường phổ thông hiện nay dù cử tri đã có ý kiến nhiều mà vẫn chưa có giáo viên tâm lý trong khi HS thời điểm hội nhập có những sự phát triển tâm sinh lý và hành vi rất cần được chia sẻ, cung cấp kiến thức cần thiết để đối mặt với với tình huống không thuận lợi trong cuộc sống, tránh suy nghĩ tiêu cực...

Xảy ra lạm thu sẽ làm mất niềm tin của dân vào ngành giáo dục

Ông Trần Văn Mậu, đại diện cho đại biểu UBND quận 9 cho biết, trực tiếp đi khảo sát công tác chuẩn bị năm học mới cho thấy năm 2018-2019 ngành GD đã rất cố gắng trong công tác chuẩn bị trường lớp. Tuy nhiên, ngành GDTP hiện vẫn chưa có văn bản cụ thể về việc thu các khoản đầu năm và ông đề nghị nhất thiết không được để xảy ra tình trạng lạm thu trong năm học 2018-2019 vì: "lạm thu sẽ làm mất lòng dân, mất cán bộ, mất niềm tin của dân vào ngành giáo dục".


Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.