Nỗ lực vận động học sinh trở lại lớp sau Tết

Thứ Tư, 13/02/2019, 08:53
Thường niên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có không ít học sinh bậc học mầm non, tiểu học và THCS ở các bản làng vùng cao tỉnh Quảng Trị có tâm lý ngại trở lại trường, thậm chí có em bỏ học. Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay các thầy cô giáo ở vùng cao chủ động đến tận từng nhà thăm hỏi, động viên học trò của mình sớm trở lại trường học.

Sáng 9-2, thầy giáo Phạm Văn Thụn, ở thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, đã cơm đùm gạo bới, vượt gần 200 km đến bản Cóc xa xôi của xã miền ngược Pa Nang, huyện Đakrông dạy học trở lại. Thầy Thụn bảo tôi rằng, phải lên sớm để vận động học sinh đi học trở lại. Vì sau nghỉ Tết, một số em không muốn đi học, các bậc cha mẹ thì ít quan tâm. Nếu không trở lại sớm thăm hỏi, động viên, thì rất ít học sinh đến lớp.

Trưa 11-2, tôi về bản Cóc, gặp thầy Thụn tại trường mầm non bản này như đã hẹn. Khi tôi đến, thầy đang chăm sóc giấc ngủ cho hơn 20 cháu lớp lớn. Thấy tôi, thầy Thụn vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ. Thầy Thụn tốt nghiệp đại học năm 2008. Cùng năm đó, anh thi đỗ biên chế, được phân công dạy học tại bản Ngược, xã Pa Nang. Sau 3 năm bám lớp, thầy Thụn lại rời bản Ngược tiếp tục có mặt ở các bản làng hẻo lánh khác của xã Pa Nang.

Trường lớp ở các địa phương này thiếu thốn đủ bề nên việc vận động các bậc phụ huynh đưa con trở lại trường lớp, nhất là sau các kỳ nghỉ Tết, hè rất khó khăn. Nếu mình không kiên trì, chịu khó thì rất dễ bỏ cuộc. Sau các kỳ nghỉ lễ, giáo viên nào công tác ở đây cũng vậy, phải luân phiên nhau đi đến tận từng nhà để vừa vận động học sinh, vừa vận động phụ huynh cho con đến trường.

Riêng dịp sau Tết, mặc dù đồng tiền lương khiêm tốn, ai cũng dành dụm lại để dịp này lì xì cho các cháu, cho dễ bề vận động, “kéo” trẻ trở lại trường đầy đủ”, thầy Thụn bộc bạch.

Thầy Thụn chăm sóc các cháu học sinh tại trường.

Rời bản Cóc, tôi ngược lên huyện Hướng Hóa, đến Trường Tiểu học Hướng Phùng. Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm nay, các giáo viên của trường vẫn phải luân phiên nhau đến từng bản, từng nhà thăm hỏi phụ huynh, động viên học sinh cố gắng học tập, trở lại trường lớp đúng theo lịch học đã quy định. Các thầy cô cũng không quên mang theo chút tiền nhỏ lì xì cho các em, mong muốn các em có thêm niềm vui đầu năm mới, mua thêm được sách vở, bút mực để việc học tập được tốt hơn.

Qua tìm hiểu, hầu hết các trường học, nhất là các cấp mầm non đến THCS trên địa bàn các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị đều xảy ra tình trạng học sinh lười đến lớp sau kỳ nghỉ Tết. Cộng với điều kiện cuộc sống còn không ít khó khăn, sự nhận thức, động viên con cái học tập của các bậc cha mẹ nơi đây còn nhiều hạn chế, làm cho tình trạng này có xu hướng phổ biến.

Theo bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, việc các em học sinh miền núi bỏ học có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân phụ huynh buông lỏng quản lý, giáo dục, động viên con em mình. Một số em có hoàn cảnh khó khăn, muốn nghỉ học đi lao động phụ giúp gia đình. Ngoài ra, do ảnh hưởng một số hủ tục, tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến nạn tảo hôn, học sinh bỏ học để lập gia đình, hoặc có bạn bè, người thân đi làm ăn xa rủ rê, lôi kéo bỏ học để đi làm kiếm tiền.

Năm nay, ngành GD&ĐT Quảng Trị đã lưu ý Phòng GD&ĐT các huyện, các trường học nhắc nhở các em trở lại trường ngay sau kết thúc kỳ nghỉ này. Các trường chủ động nắm tình hình các em có hoàn cảnh khó khăn, báo cáo địa phương để hỗ trợ. Lãnh đạo các trường cũng chủ động công tác động viên, phân công thầy cô giáo luân phiên nhau đi đến tận từng bản, từng nhà để động viên, nhắc nhở học sinh mình đi học trở lại đúng thời gian quy định.

Phan Thanh Bình
.
.
.