Những điểm cần lưu ý về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015

Thứ Bảy, 28/02/2015, 08:09
Ngay sau khi ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã sẵn sàng giải đáp tất cả các thắc mắc của thí sinh xung quanh kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức này. Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, mọi phương án và cách thức tổ chức kỳ thi, đề thi sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh hơn hẳn cách thi cũ.

Chung một đề thi cho mỗi môn thi

Thí sinh lưu ý, thi THPT quốc gia có 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.

Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ, hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được giám đốc sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh dự thi 4 môn quy định tại khoản 1 Điều này và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi, để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Về đề thi, theo Bộ GD&ĐT, tất cả thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ sử dụng chung một đề thi cho mỗi môn.

Tùy theo năng lực, nguyện vọng mà các em đăng ký dự thi các môn phù hợp với mục đích dự thi của mình.

Cần lưu ý là các em có thể lựa chọn thi các môn lấy kết quả, vừa để xét tốt nghiệp THPT đồng thời để sử dụng vào các tổ hợp môn thi xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đề thi các môn nói chung, môn tiếng Anh nói riêng sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thí sinh dự thi ĐH, CĐ trong kỳ thi trước.

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, ngày bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPTquốc gia dự kiến là ngày 15/3.

Lịch nộp hồ sơ đăng ký dự thi (và kể cả chọn môn thi) sẽ được thông báo chính thức trong thời gian tới.

Điểm mới cơ bản của kỳ thi THPT QG năm 2015 là tách phần thi ra khỏi phần xét tuyển.

Sau khi có kết quả thi (dự kiến vào cuối tháng 7 đầu tháng 8), thí sinh sẽ dùng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào các ngành học của các trường ĐH, CĐ.

Nếu thí sinh có dự tính đăng ký xét tuyển các ngành theo khối thi A và A1 thì cần phải đăng ký 5 môn thi: 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Anh văn), 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp và 1 môn chọn thêm cho đủ 3 môn của khối thi A (nếu môn tự chọn để xét tốt nghiệp là Lý thì môn chọn thêm là Hóa và ngược lại), khi đó cũng đương nhiên đủ điều kiện để xét tuyển theo khối thi A1.

Các trường ĐH, CĐ xét tuyển như thế nào?

PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh, các đối tượng ưu tiên... để xây dựng và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ.

Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng nói trên.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, khác với những năm trước đây, năm nay, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi.

Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, thí sính được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/ nhóm ngành khác nhau của một trường. Trong đó: 1 giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1.

Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, thí sinh được phép rút hồ sơ đã đăng ký, để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác.

Đồng thời, cứ 3 ngày 1 lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp, để thí sinh theo dõi và lựa chọn.

Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. 3 giấy chứng nhận kết quả còn lại, các em sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Trong mỗi đợt (từ đợt 2 trở đi), các em có thể sử dụng cả ba giấy chứng nhận kết quả này. Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước...

Cần lưu ý là chỉ khi nào không trúng tuyển nguyện vọng, thí sinh mới được quyền sử dụng các giấy chứng nhận kết quả còn lại để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thí sinh cần phải cân nhắc thận trọng khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.

Sẽ sớm công bố cụ thể các cụm thi

Về cụm thi, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ sớm công bố các cụm thi do trường ĐH chủ trì, để tổ chức thi cho thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ.

Các em sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, đồng thời được hướng dẫn chi tiết để làm thủ tục đăng ký dự thi.

Việc tổ chức cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tạo thuận lợi hơn cho các em dự thi so với những năm trước đây, nhất là với các thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ.

Năm nay, sau khi có kết quả thi, các em mới đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Do đó, các em có cơ sở để lựa chọn ngành/ trường phù hợp với kết quả thi của mình. Phần mềm tuyển sinh sẽ hỗ trợ các em trong việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển như đã nói ở trên.

Đối với thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, sẽ thi tại trường hoặc liên trường THPT của tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì, có sự phối hợp của các trường ĐH.

Đối với thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thi tại cụm thi do ĐH chủ trì.

So với những năm trước đây, các thí sinh dự thi để tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều thuận lợi hơn, thể hiện ở một số điểm cụ thể như sau:

Chỉ dự thi một lần, nhưng kết quả được sử dụng tổ hợp thành các tổ hợp môn thi khác nhau để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, chứ không phải thi thành các đợt khác nhau như các năm trước đây; thí sinh chỉ phải di chuyển trong khoảng cách ngắn hơn so với những năm trước đây, khi các em dự thi tại trường ĐH, CĐ trong cả nước, hoặc chỉ tại bốn cụm thi quốc gia ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ; sau khi có kết quả thi, các em mới đăng ký xét tuyển, nên có cơ sở để lựa chọn ngành/ trường phù hợp.

Liên quan đến việc thi vào các trường Công an, Quân đội thi ở đâu, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh dự thi vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì (dành cho thí sinh từ ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các cụm thi, tạo điều kiện cho các thí sinh đi lại thuận lợi, giảm chi phí. Như vậy, học sinh đang học lớp 12 có nguyện vọng thi vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân hay các trường Quân đội sẽ dự thi ở cụm thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với các thí sinh tự do, các em có thể đăng ký dự thi tại cụm thi do ĐH chủ trì phù hợp với điều kiện cá nhân của các em.

Thu Uyên
.
.
.