Nhọc nhằn “cõng chữ” lên biên giới

Thứ Hai, 02/10/2017, 07:25
Những năm qua, nhiều giáo viên ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã không ngại vất vả, tình nguyện dấn thân đến những vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, giáp Vương quốc Campuchia, để đem con chữ đến các em học sinh có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nơi đây, với mong muốn giản dị - giúp các em có một tương lai tốt hơn.

Điểm Trường ấp Mang Cải của Trường tiểu học Lộc Thiện B, xã Lộc Thiện – một địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Ninh, nằm cách biên giới không xa. Để có thể trụ lại nơi đây dạy học, những thầy cô giáo đã phải vượt qua nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị, xa trung tâm. Bên cạnh đó, với địa bàn đặc thù có trên 40% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em chưa được học qua lớp mẫu giáo nên các em học sinh nơi đây ít biết tiếng Việt, nhiều em nghe được nhưng không nói rõ. Do đó, nhiệm vụ của các thầy cô phải vừa là giáo viên đứng lớp vừa là người trung gian ngôn ngữ cho các em. Chính vì vậy, việc truyền dạy kiến thức cho các em học sinh nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy Hoàng Trọng Văn, giáo viên Trường Tiểu học Lộc Thiện B tâm sự: “Tôi về trường đã 26 năm. Nơi đây là địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, đường đi rất khó khăn nhất là khi mưa gió, vả lại hầu hết các em học sinh còn thiếu kỹ năng học tiếng Việt. Nhưng vì thấy thương các em nên tôi đã không quản ngại khó khăn để cố gắng làm tốt nhiệm vụ đưa con chữ đến với các em”.

Trường Tiểu học Lộc Thiện B có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ với tổng số 213 học sinh, trong đó 3 điểm lẻ của trường có 2 lớp ghép nên chất lượng dạy và học của thầy trò các điểm này cũng còn hạn chế. Khó khăn gian khổ, cơ sở vật chất thiếu thốn là vậy nhưng vì lòng yêu nghề mến trẻ, các thầy cô giáo đã không ngại để đưa bằng được kiến thức của mình đến với các em.

Thầy giáo Hoàng Trọng Văn - giáo viên Trường Tiểu học Lộc Thiện B, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước với các em học sinh.

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thiện cho biết: “Khi các thầy cô về công tác tại trường đã gặp nhiều khó khăn không chỉ về cơ sở vật chất, đường sá đi lại mà việc dạy chữ cho các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số cũng là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, các thầy cô giáo đã rất nhiệt tình, tận tụy đem hết tâm huyết của mình ra để làm sao giúp cho giáo dục nơi vùng đất hoang vu, heo hút này có kết quả tốt”.

Tương tự, Trường Tiểu học Lộc Thành B, xã Lộc Thành,huyện Lộc Ninh, nằm tiếp giáp biên giới tỉnh Karatie, Vương quốc Campuchia, với tỷ lệ hơn 60% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình những học sinh này hầu hết rất khó khăn, đặc biệt ý thức tự giác của các bậc phụ huynh chưa cao. Chính vì vậy, để giúp các em đến trường, các thầy cô đã phải đến từng gia đình nằm sâu tận các ngóc ngách của thôn ấp trong xã để vận động bà con cho con em họ đến lớp. Sự nhiệt tình của các giáo viên “cái chữ lại đi tìm người học” nên đã giúp các em có thể tiếp bước tới trường. 

Thầy Lê Văn Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Thành B, xã Lộc Thành cho biết: “Việc vận động học sinh ra lớp được thầy cô giáo trong trường rà soát, sau đó lên danh sách các em đúng độ tuổi lớp 1 để tổ chức bám sát từng hộ gia đình. Quyết tâm bằng mọi cách vận động các hộ dân cho các em đến lớp học, đảm bảo 100% trẻ em đúng độ tuổi trên địa bàn xã được ra lớp”.

Thầy Phạm Như Công, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Ninh cho biết: “Huyện có 7 xã nằm tiếp giáp biên giới Vương quốc Campuchia. Thực tế cho thấy, những khó khăn của các giáo viên, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới nơi đây đang gặp phải là rất nhiều. Thế nhưng, không vì thế mà các nhà giáo giảm đi sự nhiệt tình, dấn thân. Ngược lại, họ đã nỗ lực để đem hết nhiệt huyết, tri thức của bản thân nhằm giúp các em tiếp xúc với con chữ, với mong muốn giản dị sau này các em có thể thay đổi cuộc sống, có một tương lai tốt hơn”.

Đức Trí
.
.
.