Nhiều thách thức khi kiểm định chất lượng giáo dục đại học
- Điểm sàn không quyết định hoàn toàn chất lượng giáo dục đại học
- Tiêu chí nào để xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học?
Trong bối cảnh đó, kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH một cách công khai, nghiêm túc rất quan trọng, giống như cơ sở kinh doanh được kiểm toán. Tuy vậy, trong bối cảnh văn hóa chất lượng đang trong giai đoạn hình thành, công tác kiểm định vẫn còn nhiều thách thức phía trước.
Tại buổi Tọa đàm “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục ĐH” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&DT) phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 10-2, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Cả nước hiện có 271 trường ĐH nhưng đến nay mới có 12 trường kiểm định xong, 32 trường hoàn thành đánh giá ngoài. Với chu kỳ kiểm định 5 năm thì mỗi năm có khoảng 50 - 60 trường cần được kiểm định.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. (Ảnh minh họa) |
Hiện Bộ GD&ĐT đang thực hiện Luật Giáo dục ĐH đã yêu cầu là công khai kết quả kiểm định, đồng thời có những chế tài góp phần thúc đẩy tiến độ kiểm định. Đơn cử như trong quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành, đã yêu cầu các trường phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng trên trang web của mình.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. “Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế, Bộ sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan, đồng thời trường và cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.
Việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ thực hiện theo lộ trình. Năm 2018, những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh”, ông Trinh nhấn mạnh.
Thừa nhận việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH là một việc làm cần thiết, PGS.TS Nguyễn Văn Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Năm 2007, ĐH GTVT là một trong 20 trường thực hiện đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn vào thời điểm đó.
Đến đầu năm 2016, Trường ĐH GTVT lại là một trong hai trường được công nhận kiểm định chất lượng đại học. “Trường chúng tôi quan điểm luôn luôn cầu thị, luôn luôn muốn biết mình ở đâu trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam và khối các nước khu vực châu Á để hướng đến cải tiến và nâng cao chất lượng.
Vì vậy, kiểm định chất lượng giáo dục là một công cụ hữu hiệu để giúp nhà trường làm được việc đó. Trong quá trình kiểm định liên quan đến tự đánh giá, chúng tôi thấy bộ tiêu chuẩn hiện hành có một số tiêu chí, nội dung tương đối lạc hậu.
Trong khi đó, có một số tiêu chí hiện nay rất nóng đối với nhà trường nhưng lại chưa có. Trường chúng tôi có những phần rất mạnh nhưng trong kiểm định lại không đề cập đến việc này, không phản ánh được hết chất lượng” - ông Long chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã chỉ ra những khó khăn và thách thức của công tác kiểm định hiện nay.
Đó là việc các trường chưa định hình được văn hóa chất lượng nên ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ cũng như chất lượng kiểm định; chưa có thói quen lưu trữ có hệ thống những minh chứng cho các hoạt động của mình.
Do vậy, khi cần minh chứng, cả trường nháo nhào đi tìm thì lại không có, đoàn kiểm định thì không có căn cứ để đánh giá dù trên thực tế là có hoạt động.
“Nhiều người ví các trung tâm kiểm định như bệnh viện, nhưng tôi nghĩ bệnh viện mang tính chất y tế dự phòng hơn mang tính chất lâm sàng, khi phát bệnh mới đến. Cơ quan kiểm định phải giống như y tế dự phòng, làm sao phòng ngừa để không xảy ra bệnh tật” - ông Thanh nêu quan điểm.
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH một cách công khai, nghiêm túc là quan trọng cũng giống như cơ sở kinh doanh được kiểm toán.
Do vậy, việc Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo kiểm định chất lượng giáo dục ĐH theo bộ tiêu chí mới và sẽ công khai kết quả kiểm định là một bước đi hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, ông Thiệp cũng chỉ ra một số điểm mà ông còn băn khoăn.
“Dự thảo bộ tiêu chuẩn mới nêu ra quá nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí, trong đó có những cái quá trùng lặp nên sẽ khó khả thi. Bên cạnh đó, bộ tiêu chuẩn mới cũng nói rất nhiều chế tài đối với các trường nhưng không nói gì về chế tài đối với các cơ quan kiểm định.
Theo tôi, điều này là không hợp lý vì cơ quan kiểm định cũng giống như cơ quan kiểm toán, có thể kết luận trường này đạt chất lượng, trường kia không đạt chất lượng...
Do đó, cũng cần có quy định về chế tài đối với các cơ quan kiểm định để tăng trách nhiệm của các cơ quan này”, ông Thiệp đặt vấn đề.