Nhiều câu hỏi xung quanh dự án “Sữa học đường”!

Thứ Tư, 19/09/2018, 10:07
Mấy ngày gần đây, dư luận ở Hà Nội xôn xao về việc nhiều trường mầm non, tiểu học phát phiếu đăng ký tham gia Dự án “Sữa học đường” mà TP Hà Nội triển khai, giai đoạn 2018-2020.

Đây là dự án nhằm nâng cao tầm vóc Việt, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, áp dụng với học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp 20%, còn lại 50% là phụ huynh đóng góp. Mục tiêu thì nhân văn, nhưng rất nhiều phụ huynh đang tỏ ra hoang mang bởi còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Mù mờ thông tin

Mặc dù chưa họp phụ huynh, nhưng nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã phát giấy đăng ký tham gia Dự án “Sữa học đường” về gia đình học sinh.

“Trong giấy đăng ký ngoài nêu mục đích, ý nghĩa của sữa học đường thì chỉ nói chung chung là doanh nghiệp, còn doanh nghiệp nào, sữa của thương hiệu nào đều không có. Ở mục đăng ký chỉ có hai cột đồng ý và không đồng ý. Tôi rất băn khoăn vì không biết con mình uống sữa gì, có đảm bảo đủ các thành phần vi chất hay không khi giá thành một hộp sữa tươi là 6.800đ, tương đương với giá của các hãng sữa có tên tuổi lớn trong nước, nhất là gần đây có thông tin sữa cận date lại đưa vào trường học. Lẽ ra nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh, khi nào giải thích đầy đủ những thắc mắc của phụ huynh để chúng tôi có đầy đủ thông tin thì mới đăng ký. Đằng này lại phát giấy về, yêu cầu hôm sau phải nộp như là đánh đố chúng tôi” – anh Phạm Tuấn Anh, có con học tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) băn khoăn.

Trẻ em được bổ sung vi chất dinh dưỡng từ sữa học đường.

Chị Thanh Hoa, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) có con theo học tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cho biết, lớp con chị đều ủng hộ chương trình “sữa học đường”, nhưng khi có phụ huynh đứng lên hỏi, doanh nghiệp nào cung cấp sữa, sữa được sản xuất theo quy trình nào, hạn sử dụng ra sao, thì các phụ huynh trong lớp bắt đầu “e ngại”.

Lí do phụ huynh e ngại là cô giáo chủ nhiệm cũng không biết nhà sản xuất nào sẽ cung ứng sữa. Thêm nữa, có phụ huynh lo lắng: “Con tôi đang thừa cân, cháu không cần phải bổ sung sữa, nhưng nếu không cho cháu uống, thì đến giờ phát sữa, bạn uống, bạn không, tạo tâm lý không tốt cho trẻ. Do đó, gia đình tôi sẽ cân nhắc”.

Một phụ huynh có con học lớp 4 cũng tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn chia sẻ: “Khi chương trình “sữa học đường” đã phát về các trường để lấy ý kiến, nhà trường phải có thông tin phong phú để phụ huynh “lựa chọn”. Tuy nhiên, nếu chưa biết nhà cung ứng sữa là doanh nghiệp nào thì phụ huynh rất mù mờ về thông tin, do đó, tôi đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND quận phải sát sao việc này. Thông tin phải thật minh bạch, tránh được “lợi ích nhóm” trong chủ trương nhân văn này, thì chúng tôi mới yên tâm tham gia”.

Cần minh bạch để sự nhân văn được lan tỏa

Khi HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 06 Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng áp dụng với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thì phụ huynh thấy đây là chương trình nhân văn. Các em được uống sữa tươi 5 buổi/tuần của 9 tháng đi học, mỗi lần uống 1 hộp 180ml, phụ huynh chỉ phải chi trả 50% giá thành (6.800đ/hộp, phụ huynh chỉ phải trả 3.400đ).

Nhưng sau khi bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh lại tỏ ra hoang mang. Theo chia sẻ của một phụ huynh có con học tiểu học tại quận Hoàn Kiếm thì tại buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm phát tờ đăng ký cho con tham gia chương trình Sữa học đường, phụ huynh nào cũng chung một câu hỏi “sữa gì”.

Giáo viên chủ nhiệm không biết, nhà trường cũng không trả lời được. Phụ huynh này cho rằng ngành giáo dục Hà Nội không minh bạch ở chỗ “chưa công bố tên loại sữa, hàm lượng sữa, hãng cung cấp, chỉ công bố giá tiền phụ huynh phải bỏ ra, nhưng lại yêu cầu phụ huynh phải đăng ký ngay, đăng ký sớm.

Những băn khoăn và tâm tư của phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở, bởi họ phải biết được con em mình uống sữa gì thì mới quyết định có tham gia hay không. Nhưng sự vội vàng này đã gây ra phản ứng trái chiều. Nhiều phụ huynh còn lo ngại về chất lượng sữa, hạn sử dụng bởi đã từng xảy ra việc có đơn vị quyên góp ủng hộ sữa cận date.

Mục tiêu là nhân văn, nhưng cần phải minh bạch, trước khi triển khai tới phụ huynh học sinh cần phải có thông tin đầy đủ, đa chiều để sự nhân văn đó được lan tỏa. Theo một số phụ huynh thì với mức giá như thông báo, doanh nghiệp hỗ trợ 20% thì có lẽ chỉ bằng giá bán cho các đại lý.

Hơn 3 triệu trẻ em mẫu giáo và tiểu học sẽ uống sữa mỗi ngày, đây là con số rất lớn, thế nên chọn lựa hãng sữa nào, chất lượng sữa ra sao, công tác bảo quản, kiểm tra hạn sử dụng như thế nào là cả một vấn đề phải tính toán, nhằm đảm bảo đúng như mục tiêu tốt đẹp mà dự án đặt ra.

Trần Minh
.
.
.