Đề thi Văn mang ý nghĩa nhân văn, có tính giáo dục sâu sắc

Thứ Bảy, 02/07/2016, 12:14
Đề Ngữ văn năm nay thật sự rất thú vị. Vừa sức với trình độ học sinh, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa rõ ràng. Đề thi mang ý nghĩa nhân văn, có tính giáo dục sâu sắc...


Cô Dương Thị Mai Hương – Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa – Hà Nội và cô giáo Đoàn Thị Thu Hà – Trường THPT Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội nhận xét: Vừa sức với trình độ học sinh, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa rõ ràng. Những vấn đề đặt ra khá thiết thực, gần gũi và có ý nghĩa đối với cuộc sống. Đề không thay đổi cấu trúc so với  năm 2015: Phần đọc-hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm); trong phần làm văn có 2 câu: câu Nghị luận xã hội (3 điểm) và câu Nghị luận văn học (4 điểm).

1. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3 điểm)

Vẫn tiếp tục sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa nhưng lại đề cấp đến vấn đề vô cùng gần gũi và mang tính thời sự cao - vấn đề về vẻ đẹp của Tiếng Việt và lối sống của con người trong xã hội hiện đại.

Năm nay, đề ra 2 văn bản với 8 câu hỏi nhỏ.

Thí sinh thi môn Văn ngày 2-7.

Văn bản thứ nhất là một đoạn trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ. Văn bản này không quá xa  lạ đối với học sinh. Vì vậy, học sinh chỉ cần đọc kĩ đề và làm bài cẩn thận sẽ dễ dàng đạt điểm tối đa.

Văn bản thứ hai đề cập đến một vấn đề khá nhức nhối của xã hội hiện đại là lối sống “tuyệt đối cá nhân”. Đây cũng là đoạn văn quen thuộc nhưng cách hỏi khá mới mẻ, gây hứng thú. Nếu học sinh không đọc kĩ sẽ dễ bị nhầm lẫn và mất điểm.

Sự phân hóa của đề thi trong phần đọc hiểu được thể hiện khá rõ. Câu 1,2,3,5,6 dừng lại ở mức độ nhận biết, học sinh trung bình có thể làm được; câu 4,7,8 nâng lên ở mức độ cao hơn là thông hiểu, yêu cầu trình bày suy nghĩ, tình cảm, quan điểm là ở mức độ vận dụng.

2. Câu NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (NLXH) (3 điểm)

Hay nhất là câu NLXH khi  đặt ra một vấn đề khá thú vị: yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến cho rằng “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Đây là dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí, có 2 vế đều đúng, khá quen thuộc trong các kì thi đại học và THPTQG 2015. Học sinh chỉ cần nắm chắc kĩ năng là có thể làm tốt.

Theo chúng tôi, học trò sẽ rất hào hứng với câu này.

3. Câu NGHỊ LUẬN VĂN HỌC (NLVH) (4 điểm)

Đây là dạng đề nghị luận về một ý kiến bàn về văn học thường thấy trong các kì thi đại học khối C, D những năm trước. Câu này có tính phân loại vì đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản về tác phẩm mà còn phải có kĩ năng làm bài tương đối tốt để phân tích đề, lựa chọn luận điểm, chọn lọc kiến thức phù hợp với yêu cầu của đề bài. Trên thực tế, tình huống truyện “Vợ nhặt” có rất nhiều vấn đề nhưng đề chỉ hỏi một khía cạnh.

Tóm lại, đề thi năm nay có tính phân loại cao hơn so với đề thi THPTQG năm 2015. Những học sinh chỉ cần xét tốt nghiệp sẽ dễ dàng đạt điểm 5-6. Đồng thời, các trường đại học cũng có cơ hội để tuyển chọn những học sinh khá giỏi. Chúng tôi ủng hộ cách ra đề theo hướng đổi mới năm nay của Bộ.  

Trao đổi với PV báo điện tử CAND, cô Hoài Thu- Giáo viên Ngữ văn trường THPT Phú Nhuận, HCM cho biết : "Tại điểm thi nơi tôi được giao làm nhiệm vụ, qua nhận xét của nhiều thầy, cô dạy văn cũng cho biết, khi mới nhìn qua đề thi, bản thân giáo viên rất mừng vì thấy đề vừa sức, hoàn toàn nằm trong nội dung học tập, nhưng có điều lạ là nhiều em vẫn không làm được".

Nhiều thí sinh ở TP HCM đã kết thúc sớm bài thi môn Văn.

Theo cô Hoài Thu, đề vừa sức vì ngay phần đọc hiểu đều là kiến thức cơ bản, đơn giản. Nếu học đều, không học tủ, học vẹt là sẽ làm được. Phần này hoàn toàn trong SGK với những yêu cầu TS nắm được kiến thức cơ bản, nói về cái hay, cái đẹp của chính tiếng Việt, tiếng  mẹ đẻ. 

Đề văn như này đảm bảo được dung lượng kiến thức vừa có ý nghĩa, đó là giúp học sinh nhận thức được rằng, cần phải rèn luyện và yêu quí, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Tránh việc học sinh của ta đang bị ảnh hưởng rất lớn của ngôn ngữ trên mạng, làm mất đi sự trong sáng, tinh tế của tiếng Việt.

Phần nghị luận theo cô Thu là khá hay. Có sự kết hợp được giữa kiến thức trong câu chuyện của tác giả Kim Lân đề cập với thực tiễn. Yêu cầu TS đề cập tình huống bất thường trong tác phẩm là gì...điều này buộc HS phải tự nhớ tới tình huống "đắt" nhất trong câu chuyện, đó cũng là cái cách để đặt ra vấn đề hiện nay làm sao trong phương pháp học Văn, học snh ta tiếp thụ thoải mái, tự nhiên, còn trong học văn, học snh phải chịu đọc, nhớ, và tư duy. Tránh học vẹt. 

Nhiều bạn trẻ hào hứng với đề thi môn Văn.

Tình huống truyện hướng con người vào tính nhân văn, con người cần có dũng khí sống với chính mình. Tình huống "nhặt vợ" của nhân vật Tràng trong tác phẩm của nhà văn Kim Lân đề cao tình cảm cao đẹp của con người. Dù trong bối cảnh những năm tháng câu chuyện đề cập, mọi người trong XH đang phải sống quay quắt trong sự đói khổ, hạnh phúc là cái gì đó thật xa xỉ, hay phải có một đám cưới đầy đủ theo phong tục thật xa vời. 

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng anh Tràng dám bỏ 2 hào mua dầu để thắp cho tối Tân hôn, mang lại vẻ lãng mạn hiếm hoi trong câu chuyện, vừa thể hiện sự tôn trọng với người "vợ nhặt" của nhân vật, nhưng đó là cả một bài ca về tình người, về những khát vọng chân chính của con người. 

Thể hiện một điều mà tác giả muốn nói, đó là không có gì hạnh phúc bằng khi con người ta được sống với chính mình, được mưu cầu hạnh phúc. Đề thi mang ý nghĩa Nhân văn, mang được ý nghĩa giáo dục sâu sắc... Trong bối cảnh XH hiện nay còn mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức làm người, về tình nghĩa, giáo dục cho con người sống tốt...là những điều mà xã hội ta đang hướng cho giới trẻ.

Tuy nhiên cũng theo thừa nhận của cô Hoài Thu, để đạt điểm 7 với đề văn này là không dễ.

Thí sinh nói gì?

TS Tố Quyên -THPT Hàn Thuyên, Q.Tân Bình, TP HCM nói : "Đề dễ nhưng dài. Cũng như môn Toán hôm 1-7, em cho rằng, nội dung ra hay nhưng khó đạt được điểm cao, đề có tính phân hoá mạnh, rất rõ giữa người học lực trung bình và học khá giỏi. Em chỉ đoán mình đạt 6 điểm với đề này là cũng tự khen mình rồi".

Em Phi Tân- TS THPT Trần Hưng Đạo-Gò Vấp nhận xét : Phần Làm văn ở câu 2 được 4 điểm với yêu cầu phải tự nhớ tới chi tiết trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân để phân tích, ý nghĩa và mang tính liên hệ thực tế trong cuộc sống. Đó là đồng ý hay không với ý kiến cho rằng "nhà văn trong tác phẩm đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người". Em cho rằng, đề văn hay, mang tính thực tiễn nhưng cũng thật khó phân tích cho tròn câu chữ với tuổi học sinh chúng em. Theo em cái khó của đề này là vậy. Còn các phần khác đều nằm trong kiến thức ôn tập".

Một số TS khác tại điểm thi THPT Phan Sào Nam, Q.5 cũng cho rằng đề không khó, không dài nhưng cái khó nhất là sẽ ít điểm cao với đề văn năm nay. Các TS tại điểm thi này cho hay, ở các phòng thi hầu như TS ở lại tới hết giờ mới nộp bài để suy xét cho kĩ các phần trả lời.




Huyền Nga - Thu Phương
.
.
.