Nâng cao chất lượng giáo dục vùng bãi ngang ven biển

Thứ Sáu, 11/12/2015, 09:32
Những chính sách được ưu tiên hỗ trợ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ về học sinh nghèo được hỗ trợ học phí, bảo hiểm, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường… được thực hiện thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An.


Nằm trên địa bàn rộng, vừa là vùng biển, vừa là vùng công giáo, Trường tiểu học Nghi Yên vẫn đang tồn tại điểm trường lẻ. Để duy trì việc học 2 buổi/ngày, nhà trường phải đến vận động từng nhà, nguồn kinh phí đóng góp thêm từ phụ huynh rất ít. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tình trạng học sinh bỏ học khá nhiều. 

Từ năm 2013 đến nay, sau khi nhà trường được thụ hưởng chính sách hỗ trợ các xã bãi ngang ven biển, chính quyền xã đã dành toàn bộ tiền hỗ trợ hàng trăm triệu đồng/năm của xã để nhà trường xây dựng nhà đa chức năng và các phòng học khang trang hơn, đáp ứng đủ tiêu chí của một trường chuẩn quốc gia.

Thực hiện Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, học sinh bãi ngang được hỗ trợ 100% chi phí tiền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời được hỗ trợ học phí, được ưu tiên hàng tháng dành cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo… 

Là một trong 4 xã của huyện Nghi Lộc được thụ hưởng chính sách này, Trường tiểu học Nghi Yên có trên 100 học sinh là con em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền học 2 buổi/ngày. Cũng bởi là xã khó khăn nên các chương trình trao tặng học bổng, hỗ trợ chính sách cho con em nghèo, chính quyền huyện, xã đều ưu tiên cho học sinh của trường.

Trường Tiểu học Diễn Tân (Diễn Châu, Nghệ An) trong giờ chào cờ đầu tuần.

Ông Bùi Đức Chính ở xóm Trung Sơn, xã Nghi Yên chia sẻ: Hiện gia đình ông có 3 người con đều đang độ tuổi đi học. Những năm trước vì tiền đóng bảo hiểm y tế và tiền học 2 buổi/ngày cao, nên có những năm gia đình không đủ tiền đóng đầy đủ cho các cháu. Thế nhưng mấy năm nay, gia đình không còn phải lo nữa vì Nhà nước đã lo đầy đủ, các cháu yên tâm đi học". Chế độ bãi ngang đã đem lại nguồn động lực cho giáo viên cũng như học sinh Nghi Yên, động viên tinh thần và một phần vật chất cho giáo viên ở xa có khó khăn trong đi lại giảng dạy. Học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn cũng được bù đắp một phần thiệt thòi. Chúng tôi mong muốn chế độ bãi ngang đến kịp thời hơn nữa"- cô giáo Đinh Thị Năm, Trường tiểu học Nghi Yên bày tỏ.

Nghệ An có 12 xã đặc biệt khó khăn của 4 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò thuộc vùng bãi ngang ven biển. Đặc thù vùng bãi ngang là vùng đông dân cư, đất sản xuất ít, đời sống người dân bấp bênh vì phụ thuộc phần lớn vào nghề đi biển. Bãi ngang cũng là vùng khó phát triển về giáo dục vì đa phần các hộ dân đều sinh đông con. Tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm chỉ xếp sau các vùng núi cao, chất lượng dạy học cũng thường yếu hơn mặt bằng chung của tỉnh. 

Từ khi Nghị định 116 có hiệu lực đến nay, đời sống của cán bộ, giáo viên tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ở Nghệ An được nâng lên rõ rệt, kể cả vật chất lẫn tinh thần, vì vậy họ yên tâm công tác, có thời gian đầu tư cho chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy và học. Vấn đề điều động cán bộ, giáo viên về các đơn vị thuộc vùng đặc biệt khó khăn thuận lợi hơn, giáo viên phấn khởi nhận nhiệm vụ được giao. 

Cô giáo Đặng Thị Thùy Phương – Hiệu phó Trường tiểu học Nghi Yên cho biết: Từ khi được hưởng chính sách này, các em học sinh đến trường đều đặn. Giáo viên cũng phấn khởi hơn khi được hỗ trợ thêm về tiền phụ cấp và tiền thu hút. Đó là động lực để mỗi giáo viên có trách nhiệm hơn về công việc, nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường.

Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện chính sách cho các xã bãi ngang vẫn đang còn một số vướng mắc. 11 tháng của năm 2015, giáo viên ở vùng bãi ngang chưa được nhận tiền phụ cấp với số tiền trên 16 tỷ đồng. 

Nguyên nhân do đặc thù của ngành giáo dục hàng năm có biến động lớn về biên chế và việc bố trí giáo viên được ổn định tính theo năm học (đầu tháng 9 hàng năm) nên việc xét duyệt đối tượng được hưởng và xác định nhu cầu kinh phí phải thực hiện vào đầu năm học, cuối năm ngân sách. 

Mặt khác, tại các trường có điểm chính đóng tại vùng thuận lợi, điểm lẻ đóng tại vùng đặc biệt khó khăn có sự luân chuyển, điều động giáo viên dạy ở 2 điểm trường nên gặp khó khăn trong việc xác định nhu cầu kinh phí. Từ những khó khăn trên, việc chậm chi trả của các tháng cuối năm ngân sách là không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Tài chính nêu rõ: Để thực hiện Nghị định 116 trên địa bàn tốt hơn, trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tuyên truyền phổ biến Nghị định 116 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Các cấp, các ngành tổ chức xét duyệt, thẩm định đối tượng chính sách đảm bảo thời gian kịp thời, theo đúng quy định; tổ chức quản lý chi trả kịp thời, đảm bảo đầy đủ chính sách chế độ cho cán bộ công chức viên chức được hưởng chính sách này sau khi đã có nguồn về.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng bãi ngang ven biển, Nghệ An cần ưu tiên nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia, tạo điều kiện để giáo viên các vùng khó học tập, nâng cao trình độ, ưu tiên các chương trình, dự án dành cho học sinh vùng khó. Về phía các địa phương cần quan tâm, huy động các nguồn lực, nguồn xã hội hóa để tập trung cho những xã ven biển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm khuyến khích học sinh đến trường; có cơ chế tạo công ăn việc làm, chính sách học nghề để từng bước hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần.

Bích Huệ
.
.
.