Miễn học phí cho SV sư phạm: Nên thu hẹp đối tượng để tránh lãng phí
- Ngay trong năm nay phải có cơ chế 'đặt hàng' sư phạm
- Năm 2018, trường sư phạm cắt giảm chỉ tiêu và có điểm sàn riêng
Tại nhiều Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với nhiều đơn vị, bộ, ngành tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất cần bỏ ngay chính sách miễn học phí đại trà cho sinh viên sư phạm vì chính sách này đã không còn phù hợp. Đề xuất này ngay sau đó đã nhanh chóng trở thành chủ đề nóng được xã hội quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thay vì miễn học phí đại trà, chỉ nên miễn “đúng địa chỉ” và đúng đối tượng để đầu tư của Nhà nước không lãng phí.
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần có sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Ảnh: minh họa. |
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc cho sinh viên các trường sư phạm được miễn học phí chỉ nên áp dụng từng thời kì. Ở thời điểm khi yêu cầu về nhân lực ngành sư phạm, nhu cầu giáo viên rất lớn, nhưng lương của giáo viên thì lại thấp, sinh viên không muốn vào ngành sư phạm thì lúc đó phải đưa chính sách này là đúng.
Nhưng hiện nay, sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm nên chính sách này nên thu hẹp lại theo dạng đào tạo có địa chỉ rõ ràng. Còn vẫn thực hiện đại trà như hiện nay là một sự cào bằng, hình thức và gây lãng phí lớn.
Tuy nhiên, ông Khuyến cho biết: Việc bỏ chính sách này nếu thực hiện cũng cần phải mở ra những “cánh cửa” khác cho sinh viên yêu thích sư phạm như chính sách cho vay đi học có kèm theo cam kết về dạy đúng “địa chỉ” sẽ được miễn tiền nợ. Đồng thời, Nhà nước, Bộ GD&ĐT phải thống nhất một đầu mối quản lý đội ngũ giáo viên và phải đào tạo theo một cơ chế phù hợp, tránh tình trạng đào tạo và tuyển dụng theo kiểu “bốc thuốc” như hiện nay.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: Trước đây, chúng ta quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, sau khi tốt nghiệp phải phục vụ cho ngành giáo dục, nếu không phải trả lại tiền cho Nhà nước. Nhưng trên thực tế, chúng ta không thu lại được khoản đó nếu sinh viên không theo sư phạm. Lý do là rất nhiều em muốn đi dạy nhưng không có chỗ để dạy.
Từ đó, GS Đào Trọng Thi đề xuất, thay vì miễn học phí đại trà như hiện nay, có thể chuyển thành việc cho các sinh viên ngành sư phạm được vay tín dụng ưu đãi và ra trường nếu em nào làm trong ngành giáo dục một số năm thì được miễn, còn em nào không làm thì phải trả lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính sách ưu đãi sẽ phục vụ đúng đối tượng và không gây ra lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp, thành viên nhóm tư vấn chính sách cho Bộ GD&ĐT cũng nêu quan điểm: Trong bối cảnh cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng nhiều, điểm đầu vào sư phạm đang “rớt giá” thì chính sách này cũng bộc lộ nhiều bất cập, thể hiện sự đầu tư không hiệu quả.
“Thật vô lý nếu phải dùng tiền Nhà nước để đầu tư cho một sinh viên sư phạm với điểm đầu vào chỉ 15,5 trong khi một sinh viên học một ngành rất quan trọng là nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội với điểm đầu vào 25 thì lại không được hỗ trợ một đồng nào vì Học viện Nông nghiệp đã tự chủ tài chính từ năm 2015”-Nhà nghiên cứu Phạm Hiệp nhấn mạnh.
Để giải quyết căn cơ cho vấn đề này, ông Hiệp đề xuất: Cần mạnh dạn xóa bỏ hoàn toàn việc đào tạo các mã ngành đại học (ÐH) và cao đẳng (CÐ) sư phạm, đồng thời biến các trường ÐH, CÐ sư phạm hiện nay, trước tiên thành các trường ÐH, CÐ đào tạo bình thường, hoạt động như một đại học công bình thường theo hướng tự chủ tài chính hoặc không tùy theo định hướng từng trường.
Bên cạnh đó, các thành phần bao gồm giảng viên, chương trình... trước đây vốn phục vụ cho các chương trình cử nhân sư phạm như tâm lý, phương pháp giảng dạy... sẽ được tái sắp xếp thành các khoa/trung tâm chuyên đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.
Theo nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp, giải pháp trên, ban đầu có thể “gây sốc”, nhưng thực tế lại khá nhẹ nhàng, bởi ngay lập tức, không dẫn đến việc buộc phải tinh giản biên chế hay sáp nhập đơn vị, tổ chức. Nhưng về lâu dài, giải pháp này sẽ vừa hiệu quả về tài chính bởi chỉ đầu tư cho những người xứng đáng, vừa kích thích được sự năng động của các trường ÐH, CÐ sư phạm, vốn đã rất thiếu động lực và sức ép đổi mới như hiện nay.