Mặt trái…du học!

Thứ Sáu, 29/04/2016, 09:12
Những nhân tài thật sự du học theo diện học bổng, tài trợ hoặc tự túc nhưng bằng một quyết tâm cao. Nhưng cũng có dạng du học mang hình thức phong trào; ép buộc nhằm thỏa mãn sự đua đòi, che đậy sự hư đốn của con cái đều để lại những hậu quả khó lường…


Có khá nhiều nhân tài đất Việt, sau khi đi du học ở các nước tiên tiến về đã mang kiến thức mà mình học hỏi được không chỉ góp phần xây dựng đất nước mà còn đóng góp thành quả cho nhân loại. Trí tuệ, tài năng mà họ có được phải đánh đổi bằng những năm tháng miệt mài học tập, nghiên cứu, ứng dụng, phát minh…và không ít người đã nổi tiếng trên toàn thế giới làm rạng danh gia đình và đất nước.

Họ là những nhân tài thật sự, du học theo diện học bổng, tài trợ hoặc tự túc nhưng bằng một quyết tâm cao. Nhưng cũng có dạng du học mang hình thức phong trào; ép buộc nhằm thỏa mãn sự đua đòi, che đậy sự hư đốn của con cái đều để lại những hậu quả khó lường…

Bài 1: Bi hài chuyện “cậu ấm, cô chiêu”

Ông H, một “đại gia” ở quận Bình Thạnh khoe với tôi là ông dự định cho đứa con trai đi du học tự túc. Nghe vậy, tôi ra chiều hân hoan: “Thằng nhỏ chắc học giỏi lắm!”. Ông trợn mắt: “Đâu có, nó thi đại học rớt 2 năm rồi. Bây giờ cho nó đi nước ngoài học cái gì cũng được, vừa nở mặt nở mày với người ta vừa cho nó xa lánh mấy thằng bạn xấu rủ rê chơi bời lêu lổng”. Nói là làm, không bao lâu sau, ông mở tiệc lớn để đưa tiễn con đi du học...

Ông V ở quận 3 có cô con gái tốt nghiệp đại học trong nước. Tuy học lực thuộc loại thường thường bậc trung và chưa qua kinh nghiệm thương trường nhưng được ông V. cho làm giám đốc một công ty TNHH do ông bỏ tiền thành lập.

Du hojc sinh Việt Nam tại Mỹ. (Ảnh minh họa; nguồn: duhocminhnguyet.com)

Công ty hoạt động chẳng được bao lâu thì ông V. phát  hiện con mình đã thầm thương trộm nhớ một nhân viên công ty. Không chấp nhận chàng rể tương lai có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, vợ chồng ông ra sức can ngăn nhưng vô vọng. Sau nhiều ngày bàn bạc, vợ chồng ông quyết định đưa con gái đi du học vì theo họ đó là cách tốt nhất để đoạn tình đôi trẻ. Con ông gạt nước mắt ra đi…

T là con trai của tổng giám đốc một công ty có tiếng ở TP Hồ Chí Minh du học ở Anh quốc. Lúc đầu, T. cũng chịu khó học hành nhưng kể từ khi cha sắm cho chiếc xe hơi thể thao để làm phương tiện đi học thì T. thay đổi hẳn. Thế là những giờ lên giảng đường T. lại tụ tập đám bạn để đua xe, sau đó thì ăn chơi trác táng. Hay tin cha T. la mắng dữ dội rồi siết chặt chi tiêu mong T. thay đổi nhưng đã muộn, vì quý tử bị trục xuất về nước.

Theo lời của A. (nhà ở Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh), sinh viên năm 3 Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ thông tin ở Singapore kể lại, chuyện sinh viên Việt Nam bỏ học, ăn chơi ngày một nhiều hơn.

Như trường hợp của T. (quê Bình Dương) mới sang học được một tuần  đã cạo đầu trọc lóc rồi cùng các “chiến hữu” Việt Nam lập thành một băng nhóm chuyên nhậu nhẹt, quậy phá những người đồng hương.

Khi bị đuổi học, biết chuyện, ông H. - cha T., nghiêm cấm con không được trở về nhà vì như thế sẽ làm mất thể diện của ông. Để “giải quyết hậu quả”, ông mua cho T. một căn biệt thự ở quận 2, TP Hồ Chí Minh để “lánh nạn” và chu cấp tiền bạc cho T. ăn xài chờ ngày “ra trường” mới được trở về Bình Dương.

Đau khổ không kém ông H. là ông N. ở quận 5 có đứa con gái tên Kh. du học ở Mỹ, là niềm tự hào của gia đình ông và dòng họ. Tuy nhiên, sau 2 năm trời chăm lo cho con với biết bao hy vọng, ông đã phát hiện ra một chuyện động trời là Kh. hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh với… người tình!

Khi mọi chuyện đổ bể, Kh. trốn biệt tăm suốt mấy tháng liền, báo hại ông phải thông báo tìm người thân trên báo, đài truyền hình với lời cam kết “sẽ tha thứ mọi lỗi lầm”. Tưởng cha mẹ không dối mình, Kh. quay về tổ ấm thì bị ông N. “nện” cho một trận thừa sống thiếu chết. Một lần nữa Kh. lại bỏ ra đi…

Cũng bị “mất con” là trường hợp của ông Ch. ở quận 9. Đứa con gái của ông tên K. thuộc dạng hiền lành, học giỏi vậy mà chỉ mới 2 năm du học tại Australia, ông nhận được hung tin con mình đã bị đuổi học. Bàng hoàng hơn là K. đã mang thai với một người đàn ông đáng tuổi cha mình nên không chịu về nước mà sống “chui” luôn bên đó. Báo hại lúc K. sinh con, vợ chồng ông Ch muốn sang thăm nhưng không thể xin visa được.

Còn ông D., lãnh đạo một sở ở TP Hồ Chí Minh có 2 đứa con du học bên Mỹ thì cả hai đều bỏ học lấy chồng ngoại quốc rồi ở luôn bên đó. Nhiều lần vợ chồng ông van xin con về quê thăm gia đình, dòng họ nhưng chúng thẳng thừng, muốn thăm thì sang Mỹ chứ chúng nhất quyết không về Việt Nam.

Ông L. là giám đốc một doanh nghiệp. Khi cậu con trai học hết lớp 12, ông kiên quyết cho con đi du học ngành cơ khí ở bên Nhật vì ông là kỹ sư cơ khí nên muốn con nối nghiệp cha. Dù chẳng hài lòng tí nào nhưng con ông không dám cãi lời.

Bốn năm sau, ông L. đang chuẩn bị vui mừng đón cậu con trai hoàn thành việc học về nước thì nhận được tin nhắn của con: “Nghề cơ khí chẳng hợp với con, ba cho con sang Úc học nấu ăn. Mọi thủ tục đăng ký học con đã gửi qua mạng rồi, tổng chi phí 3 năm khoảng 3 tỷ đồng”. Ông L. nóng giận: “Chẳng học hành gì cả, về nước đi rồi tính!”. Đứa con trả lời chẳng chút đắn đo: “Vậy, chắc con không về…”.

“Mất con” buồn đã đành nhưng khi con về nước chưa chắc đã vui. Nhiều đại gia cho con đi du học Mỹ từ đầu năm cấp 2. Khi trở về Việt Nam, có cô dắt theo một anh chàng người châu Phi vạm vỡ; có chàng mang về cô nhân tình “mắt xanh mũi lõ” trông họ như đôi đũa lệch. Cha mẹ thấy thế buông lời cản ngăn, cấm đoán thì chúng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, ba mẹ làm gì có cái quyền đó khi chúng đã ở tuổi trưởng thành? Sợ con sẽ bỏ nhà đi tận châu Mỹ, châu Phi nên phải đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”!

Khổ nhất là đối với các cô cậu nghỉ học giữa chừng do bị đuổi học, do kinh tế gia đình suy sụp… trở về quê hương đã trở thành Tây lai, quên gần hết chữ và tiếng Việt. Mỗi khi bị cha mẹ rầy la, dọa đánh chúng xổ một tràng tiếng Anh rồi bảo sẽ gọi ngay cho “police”. Báo hại các bậc phụ huynh phải thuê giáo viên về dạy cho con… tiếng Việt, luôn thể giáo dục chúng về truyền thống đạo đức của người Á Đông.

Nhóm PV
.
.
.