Xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015:

Loay hoay chọn ngành theo đám đông

Thứ Hai, 17/08/2015, 09:10
Chỉ còn 5 ngày nữa, thí sinh (TS) tham dự kỳ thi THPT Quốc gia hết hạn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Để không bỏ lỡ cơ hội vào ĐH, hàng nghìn thí sinh (TS) đang phải chạy đua nước rút để rút hồ sơ. Tuy nhiên, bên cạnh những TS xác định rõ mục tiêu và có định hướng trong việc chọn trường thì vẫn còn rất nhiều TS đang có tâm lý chạy theo đám đông và điểm số.

Trong số hàng trăm TS từ các tỉnh xa lên Hà Nội rút hồ sơ xét tuyển mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ những ngày qua, ngoài một số ít TS đã định hình được ngành học yêu thích, quyết tâm theo đuổi thì đại đa số còn lại đều khá mơ hồ, thậm chí xu hướng chạy theo đám đông và theo điểm số vì cảm thấy với mức điểm của mình có thể nhiều cơ hội đỗ và trường này, trường kia đang trở nên phổ biến.

Tại trường ĐH Thương mại (Hà Nội), trong 3 ngày vừa qua, đã có hàng nghìn lượt TS từ các tỉnh về rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng khi biết điểm số của mình đã trượt vào ngành đăng ký. Đồng hành cùng TS còn có rất nhiều phụ huynh đã bỏ công bỏ việc, vượt hàng trăm cây số về Hà Nội chỉ mong có thể được rút hồ sơ nhanh gọn ngay trong ngày. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi sau khi rút hồ sơ rồi thì đăng ký vào đâu đã nhận được không ít câu trả lời na ná nhau rằng, “cứ rút cái đã, còn nộp vào trường nào thì ngày mai tính tiếp”. Điều này chứng tỏ, không chỉ các TS, mà bản thân các phụ huynh cũng chưa định hướng được nghề nghiệp cho con của mình.

Tại ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Bách Khoa Hà Nội, những trường có đông TS rút hồ sơ trong những ngày qua, xu hướng TS rút hồ sơ xong chưa biết nộp vào đâu cũng đang trở nên phổ biến. 

TS Bùi Thị Vân ở Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Do nhà trường liên tục cập nhật danh sách TS trúng tuyển tạm thời thường xuyên nên khi thấy mình bị rớt khỏi danh sách, em quyết định lên rút hồ sơ. Đầu tuần tới khi có thông tin cập nhật tiếp theo của các trường, em mới quyết định xem có thể nộp vào đâu. Kỳ thi năm nay nhiều bạn điểm cao nên để đạt được đúng nguyện vọng là rất khó. Nếu thấy trường nào có khả năng cao trúng tuyển, em sẽ nộp hồ sơ. Kiếm một chỗ để học trước đã rồi sau này muốn thay đổi thì tính tiếp”.

Thí sinh đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015.

Thực tế cho thấy, kinh nghiệm và kỹ năng hướng nghiệp -một yêu cầu rất quan trọng nhưng lại đang bị xem nhẹ ở ta từ nhiều năm nay và không còn là chuyện mới mẻ. Tuy nhiên, với cách xét tuyển ĐH như năm nay: Học sinh biết điểm rồi mới đăng ký ngành học dường như đã vô tình khiến cho nhiều TS càng trở nên “thực dụng” hơn, chỉ cần làm sao đỗ ĐH là được. Còn chuyện sở thích, sở trường, năng lực, cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường... đang được các em xếp xuống hàng thứ yếu.

Bàn về xu hướng chọn ngành, chọn trường của TS trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng: Hiện nay, tâm lý chạy đua và các ngành, trường căn cứ điểm số đã hoàn toàn lấn át tâm lý chọn trường, ngành theo sở trường của TS. Điều này được đánh giá là đi chệch khỏi mục đích thực sự của tuyển sinh ĐH. 

Cũng theo phân tích của ông Nhĩ, “do năm nay, TS biết trước điểm thi của mình và biết điểm xét tuyển của các trường ĐH nên sẽ có tình trạng TS chỉ quan tâm làm sao trúng tuyển vào một trường nào đó mà đôi khi không cần biết đến mình có năng lực, đam mê với ngành học đó hay không. Đây là một thực tế đáng lo, vì đôi khi việc chọn ngành, chọn trường không phải cốt chỉ có tấm bằng ra trường, mà quan trọng hơn cả là chọn được một ngành học đúng với năng lực, là thực hiện được ước mơ, hoài bão về một nghề nghiệp trong tương lai. Bởi ai cũng biết một khi không yêu, không đam mê, không phù hợp thì không thể đi đến cùng được”. 

Cũng theo đề xuất PGS Trần Xuân Nhĩ, việc xét tuyển ĐH, CĐ nên giao về cho các trường, để các trường tự chủ cả về thời gian, cách thức tuyển sinh, cũng như tư vấn hướng nghiệp. "Như thế, các trường sẽ chọn được đúng học sinh có năng lực, sở trường với ngành nghề đào tạo của mình, còn TS cũng tránh được tình trạng lúc vào học một thời gian mới thấy mình không phù hợp rồi chán nản, thậm chí là bỏ học giữa chừng; gây lãng phí lớn về cơ hội, thời gian, lẫn tiền của cho cả bản thân TS, gia đình và xã hội” - PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Huy động tối đa nhân lực phục vụ công tác xét tuyển 
trong giai đoạn “nước rút”

Chiều 16/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có công điện gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc tập trung nhân lực phục vụ việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) trong những ngày “nước rút”.

Theo Bộ GD&ĐT, dự kiến trong những ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (từ ngày 17 đến 20/8), số lượng thí sinh đến các trường để nộp, rút ĐKXT có thể rất đông. Để chủ động phục vụ thí sinh và thực hiện thành công kỳ tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT và Hiệu trưởng các trường chủ động triển khai ngay một số công việc như: huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc hằng ngày… để tiếp nhận ĐKXT, rút ĐKXT của thí sinh trong các ngày từ 17 đến 20/8; chỉ đạo cán bộ tham gia công tác tuyển sinh chủ động phân loại, sắp xếp, quản lý hồ sơ ĐKXT của các thí sinh có điểm thấp hơn mức điểm trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh để việc rút hồ sơ ĐKXT của các thí sinh được thuận lợi, nhanh chóng. Kịp thời phản ánh về Bộ GD&ĐT các vấn đề phát sinh để có giải pháp kịp thời.

 H.Thanh

Huyền Thanh
.
.
.