“Loạn” các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ

Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:53
Vài ngày trở lại đây, trên các diễn đàn dành cho các phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ xuất hiện thông tin phản ánh về việc chăm sóc, dạy học có phần phản giáo dục của Trung tâm Tâm Việt với 2 cơ sở đào tạo tại Bắc Ninh và Hà Nội.

Hiện tại, một số đơn vị chức năng như Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương đang vào cuộc xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, từ câu chuyện này cho thấy, còn rất nhiều bất cập trong việc chăm sóc, can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam khi công việc này đang được “khoán trắng” cho các đơn vị tư nhân, các cơ sở ngoài công lập.

Thực tế cho thấy, cả nước hiện nay chưa có trường công lập nào dành riêng cho đối tượng học sinh tự kỷ với chương trình can thiệp chuẩn. Đây không chỉ là thiệt thòi đối với học sinh mà còn gây khó khăn cho phụ huynh trong hành trình nuôi dưỡng, can thiệp và giáo dục trẻ tự kỷ.

Giáo dục hành vi hiện đang được xem là phương pháp can thiệp mang lại hiệu quả đối với trẻ tự kỷ. Ảnh minh họa.

Từ nhiều tháng nay, chị Phạm Thị Chinh, ở Hải Hậu, Nam Định đã phải xin nghỉ việc không lương lên Hà Nội thuê nhà trọ để hàng ngày có thể đưa cô con gái 26 tháng tuổi theo học tại một trung tâm giáo dục tư thục chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Lý do là tại các tỉnh lẻ như Nam Định hiện chưa có các trung tâm uy tín trong lĩnh vực này.

Để theo đuổi việc chữa trị cho con hiệu quả, trung bình mỗi tháng, những gia đình như chị Chinh phải chi tiêu từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng gồm chi phí ăn, ở, tiền học. Mất công, tốn của nhưng hiệu quả chữa trị, sự tiến bộ của các con diễn ra tương đối chậm, thường phải tính bằng năm khiến kinh tế của nhiều gia đình sa sút.

Đáng nói hơn, các trung tâm giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ hiện nay được mở ra tương đối nhiều, chủ yếu là các cơ sở do tư nhân thành lập, mỗi nơi dạy một kiểu khiến phụ huynh dễ bị lạc vào “ma trận”, không biết đâu là trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ được cấp phép, đâu là những trung tâm được sự quản lý của nhà nước để yên tâm gửi gắm con.

Thậm chí, các phương pháp can thiệp, điều trị hiện nay cũng tương đối nhiều, được một số đơn vị quảng cáo khá rầm rộ nhưng căn cứ khoa học, tính chính thống và hiệu quả của các phương pháp này đến đâu thì rất khó để kiểm chứng.

Chị Thanh Hương, phụ huynh có con tự kỷ tại quận Hoàng Mai - Hà Nội chia sẻ: Gần 10 năm đồng hành cùng con tự kỷ, chị đã thử qua rất nhiều phương pháp điều trị, từ chính thống đến không chính thống. Trong quá trình đưa con đi chữa bệnh, chị đã gặp rất nhiều “nạn nhân” của không ít người lợi dụng các gia đình có con tự kỷ để trục lợi.

Qua nhiều trải nghiệm thực tế, thậm chí là đã phải trả giá, chị Hương đã rút ra một kinh nghiệm xương máu rằng: Cần phải tỉnh táo để lựa chọn những phương pháp đã được khoa học chứng minh, đã được cộng đồng quốc tế công nhận; không nên chạy theo những phương pháp mới chưa được kiểm chứng và được quảng cáo quá rầm rộ trong nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Việt Nam hiện nay, ngoài phương pháp chính thống là giáo dục hành vi, y sinh học thì cũng đang “nở rộ” một số phương pháp điều trị mới như châm cứu, ghép tế bào gốc, ô xi cao áp, âm nhạc trị liệu, ngữ âm trị liệu, cấy chỉ…

Thậm chí, một số trung tâm như Tâm Việt còn quảng cáo rầm rộ về những khóa học “Huấn luyện, đào tạo trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia”; “nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì” với học phí từ 7 đến 20 triệu đồng tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh đã từng có thời gian gửi con theo học tại đây, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của học sinh tại trung tâm này rất nghèo nàn và không đảm bảo an toàn; phương pháp đào tạo cũng có nhiều dấu hiệu phản khoa học, thiếu nhân văn và không phù hợp với đối tượng học sinh vốn chịu rất nhiều thiệt thòi như trẻ em tự kỷ…

Một số chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp tự kỷ cũng thừa nhận, mặc dù có rất nhiều phương pháp giáo dục dành cho trẻ tự kỷ nhưng hiện nay ở nước ta, việc giáo dục này đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn do chúng ta chưa có chương trình chuẩn dành cho trẻ tự kỷ Việt Nam, các chương trình can thiệp hiện nay chủ yếu được cập nhật từ nước ngoài, chưa có sự thích nghi về mặt văn hóa.

Bên cạnh đó, các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ khá nhiều (gồm những chương trình can thiệp có bằng chứng khoa học và những chương trình chưa có bằng chứng khoa học), do vậy, việc áp dụng tràn lan những chương trình này có thể gây hại thêm cho trẻ.

Khoảng thời gian để có thể can thiệp tích cực cho trẻ không nhiều, khi áp dụng những phương pháp không hiệu quả, sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, kinh tế, nguồn lực và cả niềm tin của gia đình. Ngoài ra, nhiều cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ chưa có tiêu chí rõ ràng về hoạt động như cách tiếp cận, kế hoạch, chương trình, vấn đề chuyên môn, bằng cấp, điều kiện cơ sở vật chất…

TS Trần Văn Công, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên của Hiệp hội nghiên cứu tự kỷ thế giới (INSAR), Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, cho biết: Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ bao gồm các phương pháp giáo dục hành vi và y sinh học.

Tuy nhiên, các phương pháp về y sinh lại chưa thực sự giải quyết được những vấn đề của trẻ tự kỷ, vì vậy, giáo dục hành vi đang được thế giới xem là con đường duy nhất giúp trẻ tự kỷ hòa nhập và phát triển tốt trong cộng đồng. Những trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, được giáo dục đúng hướng thì đều mang lại những hiệu quả tích cực rõ rệt và điều này đã được khoa học chứng minh.

Một số phương pháp giáo dục hữu ích dành cho trẻ tự kỷ có thể kể đến như phương pháp dựa trên phân tích hành vi ứng dụng, phương pháp dựa trên sự phát triển và tính cá nhân, phương pháp kết hợp, phương pháp hỗ trợ về giao tiếp. Ngoài ra không thể không kể đến âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu và điều hòa cảm giác.

“Mỗi loại phương pháp sẽ có những hiệu quả nhất định riêng. Tuy nhiên, phụ huynh đừng trông chờ vào “phép màu” sẽ xuất hiện nếu không thật sự nỗ lực và cố gắng trong hành trình đồng hành cùng con”- TS Trần Văn Công lưu ý.

Huyền Thanh
.
.
.