Lắp camera trong trường học có giảm thiểu được bạo lực học đường?

Thứ Hai, 08/04/2019, 19:14
Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp, tuy nhiên trong thời gian quan, khắp các tỉnh, thành trên cả nước vẫn liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường với tính chất và hậu qủa ngày càng nghiêm trọng.

Tìm kiếm trên Google, cụm từ “bạo lực học đường” trả về tới 27,9 triệu kết quả chỉ trong vòng 0.33 giây. Vì sao bạo lực học đường ngày càng có xu hướng lan rộng? Chúng ta làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này hiện đang là mối quan tâm của toàn xã hội.

Tại buổi toạ đàm với chủ đề "Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc" do báo Tiền phong phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tại Hà Nội chiều 8-4, Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Riêng thống kê của ngành Công an, trong quý I-2019 đã có 310 vụ bạo lực học đường và chủ yếu diễn ra ở lứa tuổi THCS và THPT.

Về việc xử lý, hiện chúng ta cũng đã có luật hoàn chỉnh đề xử lý. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra là cần phải mổ xẻ nguyên nhân để xử lý như thế nào? Nhiều em học sinh có lỗi là do các em hay do nguyên nhân gì?

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.

“Thực tế cho thấy, kĩ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính các em là một khâu quan trọng. Ví dụ, kĩ năng của học sinh thông tin với cô giáo, với bạn bè cũng cần cung cấp cho các em học sinh. Nếu giải quyết vấn đề bạo lực học đường chỉ bằng tuyên truyền không là không đủ. Theo tôi, cần có lắp camera các lớp học. Nhiều trường nếu không có kinh phí thì có thể xã hội hóa để lắp camera, vì nếu các trường đều lắp camera sẽ giám sát được nhiều thứ, kể cả bạo lực học đường”- Đại tá Phạm Mạnh Thường đề nghị.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng: Về xu hướng xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng, thông qua các kênh thông tin, clip, sự việc chúng ta được biết, được nghe đang có xu hướng tăng lên.

Tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sơ giáo dục để ngăn ngừa bạo lực học đường.

Vấn nạn này vốn là thực trạng tồn tại trong nhiều nhà trường thậm chí ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên nếu như trước đây bạo lực học đường thường ẩn dấu phía sau nhà trường, phía sau lớp học thì nay do nhận thức của người dân tăng lên, đặc biệt là sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ  nên  các vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng ngày một nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khi pháp luật quy định chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm minh hơn thì niềm tin của người dân cũng tăng lên.Từ đó, số cuộc gọi tố cáo xâm hại, bạo lực trẻ em tăng lên rất nhanh.

“Về góc độ quản lý và bảo vệ trẻ em, mỗi lần chứng kiến clip xâm hại, bạo lực trẻ em chúng tôi đều không chịu nổi. Ở đây, chúng tôi cũng muốn đề cập, ai là nạn nhân thực sự trong các vụ bạo lực học đường? Các em bị đánh đập - các em là nạn nhân thì rõ rồi nhưng những học sinh khác có phải nạn nhân không? Bởi lỗi không hoàn toàn thuộc về các em, lỗi ở những người giáo dục, quản lý, chăm sóc các em để các em trở thành công dân tốt”- Ông Nam đặt vấn đề.

Cũng theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, vấn đề tâm lý học đường cần phải làm cấp bách và dạy kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực. Do đó, phải tăng cường hơn nữa và cập nhật những kiến thức, những vấn đề ngoài xã hội vào để hướng dẫn cho các em.

Trong trường học, ngoài việc dạy những kiến thức cơ bản thì cần phải dạy các em những kỹ năng nào đối phó những vấn đề mà xã hội đang nổi lên. Đó cũng là những vấn đề mà ngành giáo dục cần phải ưu tiên triển khai và phải có chiến lược, kế hoạch lâu dài để phòng ngừa tích cực cho những hành vi bắt nạt và bạo lực học đường.

Với kinh nghiệm của một người có nhiều năm giảng dạy về kỹ năng cho trẻ, ông Travis Sherwoo, Giám đốc trung tâm Anh ngữ Apax chia sẻ: “Tôi là người Canada và thời tôi đi học chưa có điện thoại thông minh nên các clip bạo lực không được chia sẻ rộng rãi. Ở Canada, không bao giờ nhượng bộ với hành vi bạo lực. Chính phủ Canada có một chính sách cứng nhắc nên luôn tìm ra giải pháp rất nhanh nhưng nếu cứng nhắc quá thì trong một số trường hợp cũng khó để giải quyết vấn đề  vì mỗi trường hợp khác nhau mà giải quyết giống nhau thì không hợp lý nên chính phủ đang tìm cách thay đổi và chú trọng vào ngăn ngừa. Đó là ngăn ngừa bằng cách không chỉ giáo dục học sinh mà còn hướng dẫn giáo viên để ngăn chặn và phát hiện từ đầu”.

Ông Bùi Văn Linh - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ GD&ĐT thừa nhận: Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường rất đầy đủ nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên cho biết: Về mặt quản lý nhà nước, hiện Bộ GD&ĐT đang chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt trong lĩnh vực trẻ em. Khi đó cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.

Tuy vậy, ông Linh cũng nhấn mạnh, để các chính sách đi vào thực tế, các bộ, ngành và các địa phương sẽ phải cùng nhau vào cuộc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường.

Huyền Thanh
.
.
.