Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống giáo dục
- Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp
- Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp
- Chính phủ đã xử lý những vụ việc cụ thể, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau 2 năm triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong mỗi nhà trường và có sự lan toả sâu rộng trong HSSV.
Ngành Giáo dục đã xây dựng tiêu chí nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, xây dựng được một số tài liệu hướng dẫn kỹ năng về khởi nghiệp, đặc biệt giữa các nhà trường và doanh nghiệp đã có sự kết nối để tạo ra được không gian khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ thầy cô giáo và HSSV cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp.
Số lượng dự án khởi nghiệp của HSSV ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao. Nếu như năm 2018, mới chỉ khoảng gần 200 dự án khởi nghiệp thì năm nay con số đó đã là 300 dự án. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, kết nối tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp quốc gia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu ấn nút khởi động ngày hội quốc gia khởi nghiệp của HSSV năm 2019. |
Đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong mỗi nhà trưởng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mong muốn, tới đây, các doanh nghiệp không chỉ tham gia hỗ trợ nhà trường thông qua hoạt động tài trợ mà còn hợp tác sâu hơn trong thiết kế chương trình giảng dạy, tham gia tổ chức giảng dạy.
Lưu ý việc một số nhà trường vẫn còn coi khởi nghiệp chỉ là phong trào, chưa thực sự tạo được không gian để thầy cô và học trò được làm việc với doanh nghiệp ở góc độ sáng tạo, Bộ trưởng đề nghị, mỗi nhà trường phải coi đây là giải pháp để phát triển, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa thúc đẩy hoạt động nghiên cứu gắn với kết nối doanh nghiệp. Các thầy cô cần mạnh dạn giao cho HSSV các đề tài tốt và tạo điều kiện để các em phát triển ý tưởng của mình.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhắc lại mục đích của Đề án 1665 “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan gian trưng bày khởi nghiệp của HSSV. |
“Một trong những đổi mới rất căn bản là phương pháp dạy và học. Trường đại học bây giờ là nơi sáng tạo tri thức mới. Giáo dục phổ thông không phải truyền thụ một chiều mà khơi dậy sự sáng tạo, đầu tiên từ giáo viên rồi tới học sinh, để hình thành một lớp người không thụ động mà sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác trong khoa học. Và vì thế, chúng ta quyết tâm làm Đề án này” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng mong mỏi, trong thời gian tới, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục trong tất cả các trường đại học và toàn hệ thống giáo dục.
Để tiếp tục triển khai Đề án 1665 cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các trường đại học phải có ít nhất một không gian làm việc chung. Hiện nay đã có 70 điểm làm việc sáng tạo trong trường đại học nhưng con số này vẫn còn nhỏ so với số lượng các trường đại học.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các trường đại học, các thầy cô giáo cùng nhau làm và cùng nhau chia sẻ học liệu trên môi trường mạng, để từ đó lan tỏa tri thức, đóng góp hữu ích nhất cho các bạn sinh viên khởi nghiệp. “Nếu chúng ta học ở các trường khác nhau mà được tiếp cận học liệu của các thầy giỏi nhất thuộc các lĩnh vực thì không chỉ sinh viên một trường mà tất cả sinh viên trong cả nước sẽ được thụ hưởng chung”.