Kỳ thi THPT quốc gia 2016 có nên duy trì '2 trong 1'

Thứ Năm, 05/11/2015, 08:53
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2016 sẽ tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”. Tuy nhiên, hiện dư luận xã hội đang có những đánh giá khác nhau về sự thành công, thất bại của kỳ thi THPT 2015.


Trong bối cảnh trên, việc kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ được cải tiến như thế nào để có thể khắc phục những bất cập đang là vấn đề khiến toàn xã hội quan tâm, nhất là khi từ nay cho đến thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2016 chỉ còn gần 8 tháng.

Bất cập nảy sinh khi sáp nhập 2 kỳ thi làm một

 TS. Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cho rằng, nếu xét về mặt chính trị-xã hội thì có thể khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã thành công bởi lần đầu tiên trong 70 năm nền giáo dục cách mạng Việt Nam có một kỳ thi 2 trong 1 (vừa xét tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng). Tuy nhiên, nếu xét về mặt kỹ thuật thì kì thi chưa thành công hoặc thành công nhưng còn rất nhiều bất cập bởi việc sáp nhập 2 kì thi làm 1 là một ý tưởng sai lầm vì 2 kì thi với 2 mục đích khác nhau. 

Trong đó, nếu như thi tốt nghiệp THPT là đánh giá, ghi nhận kết quả 12 năm học, đặc biệt các năm học ở bậc THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông hay còn gọi là thi đầu ra của THPT thì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là thi đầu vào để chọn những học sinh đủ điều kiện vào học ở bậc cao hơn, đào tạo đội ngũ tri thức. Việc sáp nhập là khiên cưỡng, chẳng khác gì “ép duyên”. Bên cạnh đó, việc huy động lực lượng tham gia tổ chức thi không phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lý và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục khi mà hệ thống các Sở GD&ĐT và các trường THPT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về giáo dục phổ thông thì không được giao quyền chủ trì thi tốt nghiệp. Rồi việc các trường đại học phải lo việc tổ chức thi THPT là không đúng với chức năng, nhiệm vụ của trường đại học.

Thời gian thi và địa bàn thi quá rộng do việc thành lập các cụm thi liên tỉnh dẫn tới tình hình học sinh một số tỉnh phải tập trung về một địa phương trong thời gian 1 tuần lễ đã gây ra sự phức tạp xã hội không cần thiết, làm xáo trộn cuộc sống của triệu gia đình, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động xã hội. Một học sinh đi thi cả gia đình phải lo lắng, ít nhất có một người đi theo để giúp đỡ, quản lý đã gây ra sự lãng phí lớn về thời gian, sức lực, tiền của trên diện rộng. Cấu trúc đề thi không hợp lý (40% câu hỏi xét đại học và 60% câu hỏi xét tốt nghiệp) dẫn tới việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và chất lượng thi vào đại học, cao đẳng không chính xác. Hơn nữa, với mức 12 điểm sàn đối với cao đẳng và 15 điểm đối với đại học là quá thấp, ngang với điểm tốt nghiệp làm cho chất lượng vào đại học giảm đi 60%.

Sẽ cải tiến kỳ thi THPT quốc gia 2016 theo hướng phân cấp trách nhiệm cụ thể cho Sở GD&ĐT địa phương và các trường đại học.

Nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho các địa phương tổ chức

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng  Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, với những bất cập nảy sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, cần phải tiếp tục đổi mới, cải tiến kỳ thi THPT quốc gia 2016 theo hướng tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành 2 việc độc lập với nhau. Thay vì ôm đồm quá nhiều việc như vừa qua, Bộ GD&ĐT nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức theo nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục. Theo đó, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố sẽ chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ huy động giám thị, cơ sở vật chất, tổ chức hội đồng thi, chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT chỉ nên thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về GD&ĐT gồm ban hành quy chế thi tốt nghiệp mới; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy chế và đặc biệt là tiếp tục ra đề thi chung cho cả nước. Việc tuyển sinh đại học trả về cho các trường đại học theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đặc thù, các trường đại học tự xác định cách thức tuyển sinh như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc tự tổ chức thi. Thời gian tuyển sinh có thể tuyển 1 đợt hoặc nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh của các trường không nên trùng nhau để vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, vừa tránh gây căng thẳng cho xã hội.

Về số lượng môn thi tốt nghiệp, PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm nên thi tất cả các môn, tránh tình trạng học lệch, tăng cường học toàn diện. Theo đó, 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là bắt buộc và  1 môn do Bộ GD&ĐT chọn ngẫu nhiên trong số 5 môn gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa để đưa vào môn thi bắt buộc hằng năm, công bố vào 30-3 hằng năm. Hoặc có thể tổ chức thành 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) để đảm bảo học sinh không học lệch trong quá trình học THPT. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, thí sinh được đăng ký tới 16 nguyện vọng xét tuyển là không hợp lý, mà chỉ nên đăng ký 1-2 nguyện vọng về ngành thay vì vào trường. Bởi ngành học mới là điều quan trọng sẽ theo đuổi các em cả đời.

Huyền Thanh
.
.
.