"Nốt trầm"... nghề giáo (!)

Kỳ 1: Long đong vị thế làm… “thầy"

Thứ Tư, 15/11/2017, 08:03
Ngày Nhà giáo 20-11 cũng là ngày để cả dân tộc thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thế nhưng trên bước đường nhiều vinh quang ấy, ở nơi này, nơi nọ, người làm nghề gắn với sự nghiệp “trồng người” cảm thấy lòng nặng trĩu và đầy suy tư. Năm 2017 cũng được đánh giá là một năm chứng kiến nhiều "hỉ, nộ, ái, ố" của ngành Giáo dục.


Rầu lòng nhất là khi gần đây có giáo viên còn bị truy tố vì tội lạm thu. Nghề thầy đã khác xưa với vị đắng chát trên môi!… Người thầy cảm thấy “long đong”, từ khâu thi thi tuyển, đến “luân chuyển”, rồi đồng lương thấp bèo bọt, cạnh đó là rủi ro vì bạo lực...

“Đầu vào” bét bảng

Thông tin 3 điểm/môn đỗ Cao đẳng Sư phạm, hơn 5 điểm một "xíu" cũng đỗ Đại học Sư phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa rồi làm dấy lên nỗi lo về chất lượng của ngành Sư phạm. Nhưng tình huống gây chấn động này thực ra không mới.

Đầu vào ngành Sư phạm của nhiều trường đã giảm dần theo thời gian. Người làm thầy luôn được coi là thần tượng, là trí tuệ, là "mẫu mực, khuôn phép, là tấm gương sáng cho học trò noi theo” sao bỗng dưng trong cuộc "tranh đấu" thi cử lại rơi vào cảnh về “bét bảng”?

Dĩ nhiên, ngay lập tức, khi diễn ra đợt xét tuyển ngành Sư phạm 2017, nghề “danh giá” và cao quý ngay lập tức đã bị xã hội comment với những cú “ném đá” thê thảm về chuyện chất lượng "đầu vào".

Dù còn nhiều khó khăn trăn trở nhưng các thầy cô giáo vẫn phải nỗ lực để sống với nghề và để gắn bó máu thịt với nghề.

Ngoại trừ Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, vẫn giữ được điểm đầu ngang như các trường khác, hầu hết các trường có đào tạo sư phạm còn lại đều bằng sàn; còn tệ nhất là các trường sư phạm tại các địa phương.

Điểm chuẩn 15,5 có mặt trên các trang thông báo trúng tuyển của rất nhiều trường trên cả nước. Tại trường khu vực chuyên ngành như Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên có các ngành Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn có điểm chuẩn ở mức 16-17 điểm. Các ngành chủ lực còn lại như Toán, Lý, Hoá, Sinh đều bằng sàn (15,5 điểm) trong khi đó nhiều năm trước đây, các ngành này còn ở mức điểm khá cao.

Nhưng đến hệ Cao đẳng thì mới thực sự là u ám cho bức tranh đầu vào của ngành Sư phạm. Điểm đậu ở mức 9 điểm, tương đương 3 điểm/môn. Trong hệ phổ thông, nếu một HS thi đạt 3 điểm/ môn, mức điểm này chí ít là phải thi lại, hoặc ở lại lớp. Thế mà xét tuyển 2017, nhiều ngành trong hệ cao đẳng mức điểm cực thấp này lại đủ điểm đi học nghề "làm thầy".

Chua xót hơn khi đặt trong bối cảnh chung của 2017, phổ điểm quốc gia cao hơn mọi năm, mức điểm thi đậu của trường nào giữ nguyên như năm ngoái đã là thụt lùi. Nhưng xét vào nhiều trường sư phạm, điểm đã thụt lùi mà còn trên diện rộng thì rõ ràng một nghề "danh giá" như sư phạm đã không còn sức hút với thí sinh.

“Nút cổ chai”

Giới giáo chức trong năm 2017 đều bùi ngùi như thấy mình ở trong câu chuyện của một giáo viên hợp đồng tại tỉnh Quảng Nam trước kỳ thi tuyển công chức. Trong những trăn trở của người thầy này gửi cho ngành Giáo dục của tỉnh cho biết, thầy đang giảng dạy tại 1 trường tiểu học ở địa phương, có bằng tốt nghiệp đại học kỹ sư Công nghệ thông tin nhưng thầy không thể tự tin trước áp lực của kì thi tuyển công chức với tỉ lệ "1 chọi 10".

Tỉ lệ này khốc liệt chẳng kém một kì thi đại học vào các trường danh tiếng khiến người thầy này đã "khóc" rằng: “Tôi đã 33 tuổi rồi, cơ quan nào có thể nhận tôi đây! Qua bao năm gắn bó với ngành và giờ đây ngành chuẩn bị đẩy tôi vào thế bế tắc...”.

Một giáo viên hợp đồng có kinh nghiệm đã khó khăn như thế, thì với giáo sinh vừa tốt nghiệp lại càng gian nan. Việc tuyển công chức với nhiều tiêu chí ưu tiên được đặt ra như: ưu tiên xét tuyển giáo viên hợp đồng; ưu tiên người địa phương; bằng cấp đúng chuyên ngành; ưu tiên trình độ đào tạo, xếp loại tốt nghiệp… phải thi các môn gồm kiến thức chung; chuyên môn, nghiệp vụ.

Thí sinh mới ra trường hầu hết bỡ ngỡ với môn thi kiến thức chung bởi nội dung bao gồm các văn bản quản lý của Nhà nước, nghị định, thông tư. Để đạt yêu cầu xét tiếp người dự tuyển phải đạt trên 50% điểm số các môn. Môn kiến thức chung trở thành ám ảnh với các thí sinh khi tỉ lệ trượt luôn cao nhất.

Chuyện cô giáo Trương Thị Lan có 37 năm làm giáo viên tại trường mầm non tại tỉnh Hà Tĩnh khóc ròng khi nhìn thấy quyết định nghỉ hưu làm “lay động” con tim hàng triệu người. Chuyện của cô Lan đâu chỉ dừng lại đó, vì thực tế còn có nhiều “cô giáo Lan” khác sẽ được hưởng mức lương tương tự 1,3 triệu. Có khác chăng là do cô Lan khóc còn những người khác âm thầm tủi phận giấu quyết định nghỉ hưu và bắt tay ngay vào cuộc mưu sinh mới.

Cô Huỳnh Thị Hồng Gấm, giáo viên Trường THPT Hoàng Diệu, tại tỉnh Sóc Trăng cũng chia sẻ, nhà giáo mới ra trường chỉ có mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng, có thâm niên 30 năm cũng chỉ ở mức 8-10 triệu đồng/tháng. Mức lương đó chưa đảm bảo cho nhà giáo sống và gắn bó được với nghề. “Vì thế, nhiều nhà giáo phải có nghề tay trái để nuôi nghề tay phải.

Còn khoản tiền lương tháng thứ 13 như các ngành khác thì không có. Chế độ đãi ngộ chưa xứng tầm nên nhiều học sinh giỏi không chọn nghề giáo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Ngoài ra, vì sự điều động công tác, nhiều giáo viên được tuyển dụng đúng quy trình nhưng đột ngột bị phân công phụ trách các công tác văn thư, thiết bị, thư viện…

Như vậy, không được thụ hưởng đầy đủ chế độ, nhất là thụ hưởng phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp ưu đãi nghề. Điều này là thiệt thòi đối với GV hiện nay”, cô Gấm chia sẻ.

Cô Nguyễn Hoài Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn 2, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cũng cho biết, nguồn thu nhập chính của đa số nhà giáo là tiền lương. Dù, hiện tại lương cơ bản là 1,3 triệu đồng và có thêm các khoản phụ cấp theo lương cũng chưa thể đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu.

Một giáo viên với thâm niên trong ngành 27 năm, hưởng lương Đại học sư phạm, bậc 8 lương cơ bản là 6,045 triệu đồng nhưng tổng trừ các khoản BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn, rồi chưa tính các khoản trừ mang tính chất tự nguyện khác thì thu nhập còn lại chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng.

Chỉ cần có nhu cầu mua xe máy, laptop phục vụ cho công việc thôi, nhà giáo đã phải vay tín chấp ngân hàng. Nên nếu tình yêu nghề không thực sự "đủ lớn" thì khó có thể vượt qua những khó khăn của cuộc sống để tận tâm cho công tác.

Mới đây trong một chia sẻ tại hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông, PGS.TS. Hoàng Thị Tuyết, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh kể: "Nhiều học trò của tôi ra trường quay trở lại kể rằng: Tụi em làm nhiều nhưng hưởng ít vì lương giáo viên trả theo thâm niên. Đặc biệt khi năm ngoái có chủ trương giáo viên tiểu học, dù là cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương trung cấp (hệ số 1,86). Rất nhiều giáo viên tiểu học đã phải nuốt nước mắt làm nghề, hoặc không dám đi học cao hơn".

Cũng trong năm 2017, nghề giáo lại chộn rộn với thông tin bỏ công chức, viên chức, thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên, đến mức trong cuộc tiếp xúc với cử tri TP Hải Phòng vào tháng 6-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chưa có chủ trương bỏ biên chế đối với giáo viên. Tất cả thầy giáo, cô giáo hãy yên tâm”.

Trong đội ngũ “đưa đò” không ít người thầy phải gồng mình hằng ngày mỗi khi lên lớp, phải chịu đựng trước cơn “bão giá” để lo cho gia đình. “Trên lớp mặt tươi như hoa/cất bước về nhà tâm lý bất an”. Vậy đó, vị thế của người thầy đâu đó đang vẫn long đong nếu không muốn nói là bi kịch. Dù sao đi nữa họ cũng đã và đang tiếp tục phải nỗ lực rất nhiều để… sống với nghề (!).

Nhóm PV
.
.
.