Kiến nghị cho học sinh nghỉ học khi ô nhiễm không khí nguy hại

Thứ Bảy, 21/12/2019, 09:47
Theo báo cáo của Sở TN-MT Hà Nội, chất lượng không khí trên địa bàn TP nhiều ngày gần đây có xu hướng xấu đi so với trước. Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu, dao động từ 112 – 121.

Lý giải về mức độ ô nhiễm như hiện nay, đại diện Sở TN-MT Hà Nội đã nêu 12 nguyên nhân, bên cạnh hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm diễn ra mạnh vào thời điểm cuối năm thì sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài 10 trạm quan trắc không khí đang hoạt động, đến năm 2020, Hà Nội đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc (trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động). Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường (tăng cường xe quét rác, gom rác...).

TP cũng đã kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao, hồ; trồng thêm cây xanh... Xác định ô nhiễm không khí còn phát sinh từ nguồn sinh hoạt hằng ngày của người dân, Hà Nội đã, đang tăng cường xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng...

Trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng như những ngày qua, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP Hà Nội, giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động công trình thi công, phá dỡ, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp… Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân không sử dụng bếp than tổ ong và các loại nhiên liệu than đốt; không đốt rơm rạ, không thu gom đốt rác tự phát; kiểm tra chặt chẽ xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đảm bảo yêu cầu về che chắn…

Dự báo từ giờ đến Tết Nguyên đán, Hà Nội sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nguy hại.

Trong trường hợp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí chạm mức “nguy hại”, tức chỉ số AQI >300, Sở TN-MT Hà Nội đề nghị UBND TP ban hành thông báo tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục và Đào tạo để thông báo các trường mầm non, trường tiểu học cho các em học sinh nghỉ học…

* Những ngày qua, nhiều người dân lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Trần Phú (quận Hà Đông) bức xúc khi công nhân thi công duy tu, cải tạo sửa chữa các tuyến đường này dùng máy nén khí thổi khiến bụi bốc lên mù mịt. Qua đó, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường trong khu vực, ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện trên tuyến đường.

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Ban Quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông giải thích, thổi bụi là một trong những quy trình bắt buộc của việc thi công cải tạo đường. Sau khi cào bóc bắt buộc phải thổi bụi để làm sạch bề mặt mới đảm bảo độ bám dính của nhựa đường. Vị này cũng cho biết thêm, đơn vị thi công cũng đã thử nghiệm mượn chổi hút quét của đơn vị vệ sinh môi trường nhưng không làm được, vì làm chổi bị gãy.

Theo lãnh đạo Ban quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông, ngay khi nhận được phản ánh từ người dân và báo chí, Ban Quản lý đã yêu cầu các nhà thầu thi công phải tìm kiếm, liên hệ có công nghệ nào mới hơn, giảm bụi. Nhưng đến nay mới chỉ có 1 chiếc máy công suất khá nhỏ đang thi công tại công trường trường đua F1 có thể vừa thổi vừa hút bụi. Ban Quản lý sẽ đề xuất với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, kiến nghị UBND TP đưa vào quy trình bắt buộc khi dự thầu thi công cải tạo, duy tu đường.

Trúc Linh - Nhật Uyên
.
.
.