Khủng hoảng thừa xe đầu kéo – doanh nghiệp khốn đốn

Chủ Nhật, 24/12/2017, 08:58
Hải Phòng được xem là địa phương phát triển loại hình phương tiện đầu kéo sơ mi – rơ mooc (xe chở container) của cả nước. Tuy nhiên, do số xe tăng nhanh, trong khi lượng hàng hóa không đáp ứng kịp khiến thị trường vận tải hàng hóa nhanh chóng rơi vào khủng hoảng thừa…

Đua nhau đầu tư

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hải Phòng, hiện trên địa bàn TP Hải Phòng có khoảng gần 15 nghìn xe container. Số lượng xe tăng nhanh đến mức chóng mặt bắt đầu từ cuối năm 2013, khi Chính phủ ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nếu như trước đây mỗi xe vi phạm chở gấp đôi, có khi còn gấp 3 (lên đến cả trăm tấn) thì nay các cơ quan chức năng siết chặt quản lý, buộc các xe phải chở đúng quy định, khiến thị trường vận tải sốt xình xịch. 

Ông Vũ Văn Ngọc, chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết, chưa khi nào làm vận tải dễ kiếm như lúc đó. Xe chạy hết công suất, giá cước tăng cao, mỗi xe sau khi trừ chi phí cũng mang về mỗi tháng 50 – 70 triệu đồng, có thể còn thu nhập cao hơn nếu quản lý tốt. 

Thấy “ngon ăn” rất nhiều doanh nghiệp lao vào mua sắm phương tiện, thậm chí nhiều doanh nghiệp chẳng liên quan gì đến vận tải, rồi cả người dân có tiền nhàn rỗi cũng đua nhau mua xe gửi vào các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Nhu cầu tăng cao khiến thị trường xe ôtô tải nặng vì thế lên cơn sốt. Các dòng xe đầu kéo Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng vùn vụt nhưng vẫn không có xe bán. Trong đó đáng chú ý dòng xe đầu kéo Trung Quốc mạnh hơn do giá rẻ. 

Nếu như 1 chiếc xe Dongfeng hay Howo của Trung Quốc ở thời điểm trước năm 2014 chỉ có giá khoảng 750 – 800 triệu, đến lúc đắt nhất là hơn 1 tỷ đồng. Giá cao ngất ngưởng nhưng nhiều khách hàng muốn có xe phải đặt cọc tiền trước cả tháng, cho đến vài tháng mới được nhận xe nhưng vẫn phải vui vẻ.

Có thể thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, số lượng xe tăng gấp đôi, khiến Hải Phòng trở thành thành phố của xe container. Tuy nhiên, do lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng mỗi năm chỉ tăng trưởng mức 12%, nên đã không đáp ứng được thị trường vận tải hàng hóa đường bộ.

Doanh nghiệp khóc dở mếu dở

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, hiện lượng xe container của Hải Phòng nhận phù hiệu hoạt động chưa tới 12 nghìn xe trên tổng số gần 15 nghìn xe đăng ký tại Phòng CSGT. 

Nguyên nhân được lý giải là do lượng xe tăng nhanh, lượng hàng tăng ít khiến thị trường vận tải hàng hóa rơi vào khủng hoảng thừa. Nếu như trước đây, các đầu xe có thể chạy liên tục trong tháng thì nay tần suất chỉ còn vài ba chuyến, có những xe phủ bạt nằm trong bãi cả tháng không có hàng. Do đó nhiều doanh nghiệp đã phải đem trả phù hiệu, tem đăng kiểm cho Sở Giao thông vận tải Hải Phòng để dừng hoạt động xe.

Thiếu nguồn hàng, các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt, thậm chí phải hạ giá cước xuống đến… đáy. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận chạy hòa vốn lấy tiền trả lương lái xe, chi phí kho bãi, trả lãi ngân hàng...

Thực tế cho thấy đã có không ít doanh nghiệp phải bán tống bán tháo phương tiện để trả nợ ngân hàng. Một chiếc xe đầu kéo Trung Quốc lúc cao điểm có giá lên đến 1,2 tỷ đồng chưa kể rơ mooc, nhưng bán đi chưa chắc được 500 triệu cả rơ mooc. Hay như một chiếc xe Mỹ lúc “sốt” có doanh nghiệp phải bỏ ra gần 2 tỷ mới mua được thì nay chỉ bán được 700 triệu. 

Mặc dù giá rẻ như vậy nhưng không phải cứ rao là bán được ngay vì trong lúc khó khăn, chẳng ai dại mà rước cục nợ về mình. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhiều ngân hàng tính chuyện xiết nợ. Thế nhưng dẫu có thu về phương tiện thì ngân hàng cũng chỉ bán làm sắt vụn, bởi giá trị xe lúc này xuống dưới 1/3 giá trị xe thế chấp.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lúc này, đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã phải gửi đơn kêu cứu đến các cấp ngành hữu quan. 

Theo đó để cứu vận tải hàng hóa đường bộ, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng trước mắt ngân hàng nên chia sẻ với các doanh nghiệp bằng việc giãn nợ. Các ngành chức năng tiếp tục thực hiện việc kiểm soát tải trọng, đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm phí đường bộ...

V.Huy
.
.
.