Không tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh vì thiếu sách giáo khoa

Chủ Nhật, 02/09/2018, 05:40
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng học sinh các cấp học phổ thông lớn nhất cả nước, cũng có tình trạng bị thiếu sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2018-2019 như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, gây nhiều bất cập, ảnh hưởng đến học sinh. Thực tế của tình trạng này ra sao? Và thành phố đã có những động thái gì để khắc phục, chuẩn bị cho năm học mới được thuận lợi?

Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, xung quanh vấn đề này.

PV: Với vai trò giám sát về tình hình văn hóa - xã hội trên địa bàn thành phố, xin bà cho biết thực tế về việc thiếu SGK hiện nay ra sao?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Những năm trước đây SGK đều đủ, thậm chí thừa nữa, nhưng năm học này do số học sinh (HS) các cấp tăng đột biến; trong đó, thành phố tăng tới 67 ngàn HS trên tất cả các cấp học - từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Và tăng mạnh nhất là số HS vào lớp 1 do lứa “Heo vàng” năm nay vào lớp 1…

Những yếu tố đó cùng với công tác dự báo số lượng HS chưa sát thực tế nên đã xảy ra tình trạng thiếu SGK một cách cục bộ ở một số cấp học và một số sách trong tất cả các bộ môn.

PV: Có thông tin trên địa bàn thành phố, một số trường có yêu cầu phụ huynh mua hai bộ SGK (một bộ để ở trường, một bộ để ở nhà) để tiện việc học tập của HS và các em không phải mang vác nặng. Bà có nắm thông tin này không?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Tôi có nghe nhưng số này không nhiều, không phổ biến. Hiện nay, ở một số trường áp dụng mô hình dạy và học tiên tiến có sự tương tác nhiều giữa giáo viên và HS. Do đó, cũng hạn chế nhiều việc sử dụng SGK.

Tuy nhiên, với những trường dạy theo phương pháp bình thường như lâu nay, học hai buổi thì đúng là có chuyện phụ huynh mong muốn con mình không phải mang vác quá nhiều sách và tài liệu học tập trong cặp, ba lô đi về trong ngày, có thể ảnh hưởng đến thể chất, sức khỏe của trẻ. Vì thế, phụ huynh muốn mua hai bộ SGK cho con em họ tiện việc học tập. Nhưng tôi nhắc lại là số này không nhiều, không phổ biến.

Và trong giai đoạn này, tôi nghĩ phụ huynh nên mua một bộ SGK đã, còn lại nhường cho các phụ huynh khác mua. Khi có đủ số lượng SGK, họ có thể mua thêm sẽ hợp lý hơn. Điều này cũng sẽ góp phần giảm áp lực từ việc thiếu SGK hiện nay.

PV: Với thực tế TP Hồ Chí Minh đang thiếu SGK cho năm học mới, bà cho biết lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan hữu quan đã có những giải pháp gì để khắc phục, chuẩn bị cho năm học mới được thuận lợi?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Theo tôi được biết, Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Thành phố cũng như UBND Thành phố và cả các quận huyện đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ tình trạng này, tránh tạo áp lực cho phụ huynh, HS, làm sao để các em HS sẽ phải có một bộ SGK hoàn chỉnh, để tạo sự yên tâm cho các em đi học, nhất là với HS vào lớp 1.

Trong đó, Sở GDĐT Thành phố đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) cùng với các công ty thiết bị trường học để làm sao cung cấp SGK cho HS.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung.

Đặc biệt, vừa qua Sở GD&ĐT Thành phố cũng đã mở cuộc vận động HS lớp 2 có sách lớp 1 cũ không có nhu cầu sử dụng thì đem tặng lại cho thư viện các trường đang có HS lớp 1 thiếu sách để thư viện tặng lại cho HS cần sách. Tôi cho rằng đây là chương trình vận động rất ý nghĩa. Các bậc phụ huynh và các em HS có thể dễ dàng giúp ngành Giáo dục cũng như các phụ huynh, HS khác.

Sở GD&ĐT Thành phố cũng chỉ đạo các Phòng GDĐT 24 quận huyện trên địa bàn làm mọi cách để đến ngày khai giảng (5-9) phải có đủ sách cho HS. Tuy nhiên, đến thời điểm này thông qua nhiều phụ huynh HS, tôi được biết SGK vẫn còn thiếu, chưa đủ. Tôi nghĩ phải đến giữa tháng 9 mới đầy đủ SGK được.

Tuy nhiên, trước mắt không nên tạo áp lực cho phụ huynh, HS mà nên từng bước, cung cấp SGK ở các thư viện nhà trường để tránh việc phụ huynh ra ngoài lùng tìm mua sách, và có khả năng mua phải những sách không đúng theo chương trình, không loại trừ trong số sách đó có sách lậu…

PV: Nhiều phụ huynh cho rằng, việc cung ứng SGK hiện nay chỉ do một đơn vị NXBGD độc quyền thực hiện gây nhiều bất cập, ảnh hưởng đến HS; chưa kể cũng có thông tin cho rằng có thể do năm học sau sẽ phát hành SGK chương trình phổ thông mới, một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXBGD và từ đó NXB này chỉ in trong chừng mực dẫn đến việc thiếu SGK như hiện tại?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Việc biên soạn SGK theo chương trình mới sẽ tác động đến xã hội rất lớn. Chuyện cho rằng NXBGD độc quyền cung ứng SGK cũng không sai. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi thì SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn, chịu trách nhiệm nội dung thì họ phải kiểm soát về nội dung đã được các cấp thẩm quyền duyệt. Bởi hiện nay vẫn có tình trạng in lậu sách, không đúng chất lượng, thậm chí làm sai lệch nội dung… Nếu để cho nhiều nơi in sách, cung ứng sẽ rất khó kiểm soát nội dung sách.

Ý kiến cá nhân tôi nghĩ vẫn nên để NXBGD in sách và phát hành, nhưng công ty thiết bị trường học cùng với Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phải dự báo tương đối chính xác số lượng HS các cấp để đăng ký với NXBGD có kế hoạch in ấn ngay từ ban đầu với số lượng SGK tương đối chính xác cùng với một số lượng dự phòng để khi có phát sinh sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu. Vì mỗi người khi sinh ra đã có sự thống kê quản lý rồi - bên Y tế có thẻ BHYT, bên hộ tịch thì có giấy khai sinh… Từ đó sẽ không khó để có thống kê số lượng trẻ sẽ vào lớp 1; riêng việc các trẻ theo cha mẹ di cư thì các địa phương cũng có thống kê…

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

* Trong chương trình Đối thoại cùng Chính quyền thành phố với chủ đề “Năm học 2018-2019: GDĐT thành phố tiếp tục đổi mới - hội nhập” diễn ra vào sáng 25-8, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phụ huynh không nên quá lo lắng về việc thiếu SGK. Sở cũng đã thông tin đến các Phòng GD&ĐT, đến các trường không yêu cầu HS phải có đầy đủ cả bộ SGK tất cả các môn học trong thời điểm những ngày đầu đi học.

Chắc chắn Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và NXBGD sẽ không để một HS nào đến dịp khai giảng có nhu cầu mà lại không có sách.

* Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK thì hiện nay, ngoài NXBGD, Bộ TTTT đã cấp giấy phép xuất bản SGK cho ba NXB khác. Đây là bước đi đúng đắn, nếu thực hiện nghiêm túc thì sẽ phá dần thế độc quyền hiện nay, tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn, tiếp cận những cuốn SGK có chất lượng, phù hợp với đặc thù vùng miền...

Nhưng bà Hoa cũng lưu ý, kèm theo đó sẽ là nguy cơ có thể xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ SGK hàng năm. Đây là vấn đề các nhà đầu tư làm SGK cần tính đến trong cuộc cạnh tranh trên lĩnh vực này.

Trong khi đó, theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TTTT, thiếu hay thừa SGK đến mức độ nào đó buộc cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp, tuy nhiên thị trường cũng sẽ tự điều tiết theo cơ chế lành mạnh. Các đơn vị sản xuất buộc phải cân đối theo nhu cầu của xã hội, theo năng lực sản xuất của các NXB.

Phú Lữ (thực hiện)
.
.
.