Cẩn trọng chọn người tổ chức, phục vụ kì thi THPT quốc gia
- 134 học sinh được miễn thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng vào đại học
- Không thu phí đối với thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019
Thông tin từ các địa phương cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn cho Kỳ thi THPT quốc gia đang được tích cực triển khai, nhiều công việc đã hoàn thành. Không ít địa phương, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh còn thành lập Ban chỉ đạo ở cả cấp quận/huyện để cộng đồng trách nhiệm, tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng tại Hội nghị. |
Tại điểm cầu Hà Nội, ông Ngô Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Năm nay, Hà Nội có gần 75 ngàn thí sinh dự thi. Với số lượng thí sinh lớn như vậy, công tác chuẩn bị tổ chức thi được thành phố chuẩn bị chu đáo từ việc ban hành các văn bản hướng dẫn, in sao đề thi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi; làm tốt công tác phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong chỉ đạo, tổ chức thi.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở GD&ĐT đã tổ chức 20 đoàn kiểm tra 111 điểm thi. Ngoài chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi, đảm bảo an toàn điểm thi, Sở GD&ĐT cũng quan tâm đến công tác truyền thông; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lên phương án hỗ trợ thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi.
Tại một số địa phương đã xảy ra bê bối gian lận thi trong năm 2018, năm nay công tác tổ chức thi cũng được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng để tránh “vết xe đỗ”.
Ông Trần Đức Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo không chỉ cấp tỉnh mà cả cấp huyện. Với 11 huyện, địa bàn phức tạp, đã chuẩn bị phương án, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, không đưa vào Ban Chỉ đạo những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018; lựa chọn kĩ nhân sự tham gia công tác thi; có phương án hỗ trợ thí sinh...
“Với bài học của năm 2018, Hà Giang cố gắng làm thế nào để năm nay tổ chức thi thực sự hiệu quả, để tồn tại của năm trước chắc chắn không xảy ra”- ông Trần Đức Quý nêu quyết tâm.
Còn tại Hòa Bình, với hơn 8.000 thí sinh dự thi năm nay tại 33 điểm thi, ngoài sự nỗ lực của địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bùi Trọng Đắc cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất về chuyên môn, kỹ thuật của Cục quản lý chất lượng, Bộ FGD&ĐT để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Tại Sơn La, ngay sau cuộc họp với Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La cũng sẽ có cuộc họp riêng để quán triệt lại toàn bộ các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đến thời điểm này, Sơn La đã hoàn hiện việc lắp camera tại 33 điểm thi, chú trọng tới tập huấn phổ biến quy chế thi cho học sinh và cán bộ tham gia kỳ thi...
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-6. |
Lưu ý với các trường ĐH, CĐ trong công tác phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An nhấn mạnh: Các trường ĐH cử người đủ số lượng, đúng thành phần; thực hiện đúng theo đề án tuyển sinh đã công bố, cũng như bám sát hướng dẫn công tác tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT và Quy chế tuyển sinh đã ban hành.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo thi địa phương tạo điều kiện tốt nhất, lưu ý đến an ninh, an toàn cho các cán bộ, giảng viên trường ĐH về địa phương phối hợp tổ chức thi.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Chuẩn bị dù có chu đáo đến mấy nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Cùng với đó, khâu kiểm tra, thanh tra phải được coi trọng vì đây là khâu không thể thiếu được trong tất cả các quy trình”.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý các địa phương cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kì thi, không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức. Các địa phương phải lưu ý đến việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí, tránh tình trạng đông người mà sót việc; không để tình trạng không nắm được phần việc của mình hoặc người này làm nhầm việc của người kia.
Bộ trưởng cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh và sự đồng hành, hỗ trợ, giám sát của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đáp ứng mục tiêu đề ra là giảm áp lực, an toàn, công bằng, khách quan, tạo được niềm tin trong xã hội.