Dư luận bất bình trước vụ "quỳ gối":

Không được đánh mất cương vị của người thầy (!)

Thứ Tư, 07/03/2018, 10:15
Dư luận xã hội, nhất là những người làm nghề giáo đều cảm thấy bị tổn thương, xót xa về câu chuyện cô giáo B.T.C.N. (Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức, Long An) phải quỳ gối suốt 40 phút mới được phụ huynh "bỏ qua" lỗi. Câu chuyện vẫn đang làm các nhà quản lý giáo dục bối rối. Riêng cô N., buộc phải làm điều đó cho phụ huynh hả cơn giận dù trong lòng đắng cay...


Các bên liên quan trong vụ việc đang được các bộ phận có trách nhiệm xác minh, làm rõ đúng sai. Thế nhưng, câu chuyện càng lan xa, điều đọng lại càng sâu sắc, khẩn thiết, đó là ngành Giáo dục đang rất cần phải bổ sung những phần thiếu hụt, khiếm khuyết trong quá trình đào tạo người giáo viên (GV) tương lai; để chấm dứt câu chuyện tương tự lặp lại trong cách xử lý tình huống nghiệp vụ sư phạm mà cô giáo N., đã gặp phải. Nhiều ý kiến của các nhà giáo mà PV Báo CAND có dịp trao đổi đã nhấn mạnh như trên.

Cô giáo sai một, phụ huynh sai mười

Từ vụ việc cho thấy, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới vụ việc trên là do sự tức tối của ông Võ Hoà Thuận, có con bị cô giáo N. phạt quỳ gối do vi phạm kỉ luật của nhà trường. Ông Thuận chỉ đồng ý bỏ qua lỗi cho cô giáo khi cô phải quỳ đủ 40 phút. Thậm chí ông Thuận còn bấm đồng hồ cho thời gian này. Sau vụ bị cô giáo phạt, một số HS lớp 4/3 của Trường Tiểu học Bình Chánh không dám tới lớp, khiến một nhóm PHHS, trong đó có ông Thuận nổi giận và quyết cho cô giáo N. một bài học.

Sáng 6-3, trao đổi với PV Báo CAND, anh T. có con học lớp 4/3, chia sẻ: “Tôi có nghe con gái về kể lại là cô N. phạt cả lớp quỳ, nhưng thấy con vẫn bình thường, không thấy sợ sệt hay có gì ức chế. Mặc dù tôi không tán thành cách phạt của cô N. là bắt các con quỳ như vậy, nhưng tôi cũng phản đối cách hành xử của phụ huynh Võ Hoà Thuận bắt cô N. quỳ như con trẻ, ông làm vậy là không tôn trọng giáo viên”.

Trường Tiểu học Bình Chánh - nơi xảy ra sự việc.

Ông Võ Văn Tuấn, Phó phòng GD-ĐT huyện Bến Lức cũng không giấu được thái độ bức xúc: “35 năm công tác trong ngành, chưa bao giờ tôi gặp vụ việc nào xúc phạm nghề giáo như vậy. Sau khi xảy ra vụ việc, Phòng GD-ĐT huyện đã xuống trường xác minh. Phòng GD đã gặp trực tiếp cô N., thầy Hiệu trưởng và GV chứng kiến vụ việc. Cô N. cũng đã làm bản tường trình. Riêng hành vi của phụ huynh Thuận là quá phản cảm, gây bức xúc cho cả phụ huynh, GV trong trường cũng như trong ngành. Nhìn nhận trong vụ việc đáng tiếc này, nếu người GV sai một thì phụ huynh đã sai mười".

Không được đánh mất cương vị của người thầy

Sau vụ việc xảy ra, lãnh đạo UBND xã Nhật Chánh đã có buổi làm việc, xác minh sự việc. UBND huyện Bến Lức cho biết, ngày 7-3, UBND huyện sau khi họp với các bên sẽ công bố chính thức hình thức xử lý những người liên quan. Vụ việc cũng đã được đánh giá vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người làm nghề, nhất là làm tổn thương danh dự, tới tinh thần của nhiều GV đang trực tiếp làm việc, dạy dỗ HS hằng ngày tại ngôi trường này.

Nhìn nhận về vụ việc trên, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh đã phân tích: 

Phía sau tất cả câu chuyện đắng lòng này, chỉ có thể kết luận một điều rằng, cô N. đã đánh mất đi cương vị của người thầy. Nghề dạy học đòi hỏi rất gắt gao việc củng cố vị thế của người thầy. 

Ngay trong môi trường đào tạo ngành Sư phạm, các giáo sinh tương lai thường được nhắc nhở trên giảng đường rằng, khi ra làm thầy giáo, cô giáo, điều quan trọng nhất trong suốt cuộc đời dạy học, đó là trong mọi lời nói, hành động, tác phong, không bao giờ được phép đánh mất cương vị của người thầy. Phải giữ gìn vị thế người thầy như tròng con người mắt của mình. 

Có giữ được cương vị của người thầy thì trong mắt HS, phụ huynh, người thầy, cô mới được tôn trọng. Người thầy "có uy" thì chỉ cần bằng ánh mắt, bằng lời nói nhỏ nhẹ, là trò đã sợ "xanh mắt". Không cần phải dùng tới phương pháp phản sư phạm mà cô N.,phạm phải.

Qua vụ việc cũng cho thấy, đối với các bậc phụ huynh, với truyền thống "tôn sư trọng đạo", mỗi khi có sự việc bức xúc liên quan đến việc học hành của con mình, hãy bình tĩnh làm việc với nhà trường để tìm ra hướng giải quyết trong tinh thần xây dựng, hiểu biết và có văn hóa. 

Ngoài ra, ông Thuận lại là một Luật gia, một đảng viên mà có cách hành xử như trên thì càng phải lên án, thậm chí cần xem xét, nghiên cứu thêm các điều luật pháp qui định để làm căn cứ xử lý về việc hạ nhục người khác. Lo ngại khác cũng phát sinh sau vụ việc, đó là PHHS, người dân nhìn nhận về người GV ra sao, bản thân cô giáo bị PHHS vào tận trường bắt quỳ gối như vậy, biết bao giờ mới lấy lại được sự tôn trọng, yêu quí từ học trò mà an tâm với việc làm nghề.         

Theo dõi thông tin về vụ việc trên, thầy Lê Tấn Long, GV của một trường THPT tại quận 2, TP Hồ Chí Minh cũng đã có nội dung mail gửi tới PV Báo CAND bày tỏ quan điểm của mình xung quanh vụ việc trên. Thầy Long viết:

"Cô N. sai trong biện pháp giáo dục, chúng tôi thừa nhận. Nhưng hành vi của ông Thuận - một Luật gia mà có cách hành xử rất đáng lên án. Ông lại là một đảng viên thì càng cần phải xử lý nghiêm khắc. 

Qua Báo CAND, chúng tôi đại diện cho một nhóm nhà giáo của trường xin gửi phản hồi này tới ông. Bác Hồ đã nói: "Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề", vì vậy mong ông có những phút tỉnh táo để suy nghĩ lại hành động của chính mình. 

Hành động của ông là đi ngược lại truyền thống "tôn sư trọng đạo" vốn có của dân tộc, và cũng xem như hạ nhục nhân phẩm của các nhà giáo mà một thời thơ ấu, ông cũng đã từng được dạy dỗ. Đó còn là sự bênh vực con cái mù quáng mà ông cần nhìn lại".

Thầy Long cũng có ý kiến đề cập về trách nhiệm của ông Huỳnh Công Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh, rằng: Trong tình huống một đồng nghiệp như cô N. gặp phải, có thể coi là tình huống "khẩn cấp" cần sự hỗ trợ tối đa, nhưng Hiệu trưởng lại bỏ đi dự giờ.

Việc này, theo tôi, Hiệu trưởng cần tự nghiêm khắc nhìn lại trách nhiệm của mình. Việc bỏ đi dự giờ khi GV của mình đang gặp sự cố như vậy là hành động không chấp nhận được! Vì đó là sự buông xuôi, né tránh, để mặc GV vừa qua giai đoạn hậu sản, phải "chịu trận" trước cơn giận dữ của PHHS. 

Là Hiệu trưởng, người chịu trách nhiệm cao nhất ở trường học lúc đó phải giải quyết dứt điểm. Hiệu trưởng bỏ đi như vậy, sao tránh khỏi dư luận đặt câu hỏi, hay ông Hiệu trưởng sợ ở lại cũng sẽ phải quỳ gối?”.

Đối với cô giáo N., ông Long chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy thật xót xa, vừa thương, vừa trách cô. Cùng là những người làm GV, chúng tôi cảm thấy bất lực khi để một cô giáo phải chịu vào cảnh trớ trêu như vậy. Mong cô vượt qua được cú sốc này!"...

Bộ GD& ĐT đề nghị UBND tỉnh Long An có giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo

Ngày 28-2, cô giáo B.T.C.N - Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An bị một số phụ huynh ép phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh ngay tại nhà trường. Sự việc này tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. 

Ngày 6-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký công văn đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục; có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

PV

Huyền Nga
.
.
.