Đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015:

Khoảng 60% thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả tốt nghiệp để xét vào đại học

Thứ Bảy, 16/05/2015, 08:02
Thay vì phải thi ĐH bằng mọi giá, thí sinh dường như đã biết lượng sức mình hơn trong việc xác định mục tiêu là tốt nghiệp hay ĐH để tránh lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội...

Thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội dựa trên dữ liệu của các phòng GD&ĐT và trường THPT gửi về, tính đến ngày 15/5, tổng số học sinh (HS) đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội năm 2015 là gần 84 nghìn. Trong số này, có gần 12 nghìn HS nộp hồ sơ đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Các HS này sẽ dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì. Số còn lại đăng ký dự thi với đồng thời hai mục đích: Vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh ĐH, CĐ, địa điểm dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

Thí sinh dự thi đại học năm 2014.

Con số thống kê từ một số địa phương khác cũng cho thấy một vài bất ngờ, như số TS đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương chỉ nhằm xét tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới khá lớn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đơn cử như ở Cao Bằng, tổng số TS dự kỳ thi THPT quốc gia là 5.998, thì có tới gần một nửa dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Tại Lai Châu, số liệu thống kê cũng cho thấy, có tới 1.894/3.124 TS (gần 60%) đăng ký dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì.

Nghệ An có 12.000 TS đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, trên tổng số gần 37.000 TS, chiếm xấp xỉ 1/3. Tuy nhiên, cũng tại các tỉnh này, cũng có những trường chuyên, trường chất lượng cao như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) hay Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu, Nghệ An); Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh)... có tới gần 100% học sinh lớp 12 của trường đăng ký dự thi ĐH.

Trong số các TS có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng đã có sự phân hóa rõ nét trong khối thi. Đơn cử như tại Hà Nội, Nghệ An, TS có xu hướng chọn các môn tự nhiên để phù hợp với tổ hợp môn thi của các trường ĐH khối A, A1 chiếm vai trò áp đảo, TS dự thi các ngành xã hội (khối C) chiếm tỷ lệ ít hơn. Tuy nhiên, ngược với các tỉnh, TP lớn, TS tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lại có xu hướng chọn các môn xã hội.

Đại diện Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết, môn xã hội được HS lựa chọn nhiều hơn môn tự nhiên. Cụ thể, có tới 3.962 TS đăng ký dự thi môn Địa lý (trên 63%), 3.262 TS chọn thi môn Lịch sử (trên 52%). Tương tự, tại Cao Bằng, TS đăng ký thi môn Địa lý chiếm gần 73%, Lịch sử khoảng 52%, Vật lý khoảng 19%, Hóa học khoảng 25%, thấp nhất là Ngoại ngữ chỉ khoảng 8%... Điều này cho thấy việc định hướng nghề nghiệp tương lai đã được TS nghiên cứu kỹ càng. Đại đa số TS chọn môn thi theo đúng khối thi và ngành học tương lai mà mình đã chọn.

Cam kết đảm bảo công bằng giữa các cụm thi

Việc tại một số địa phương, số TS đăng ký dự thi THPT quốc gia tại các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì chiếm tỷ lệ áp đảo so với các cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì khiến nhiều người đặt dấu hỏi: Liệu có hay không tình trạng TS có học lực yếu, trung bình đang “né” các cụm thi do ĐH chủ trì bởi công tác coi thi tại đây sẽ nghiêm hơn tại các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì?

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định: Tất cả các cụm thi trong cả nước, kể cả các cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì đều được tổ chức trong một khuôn khổ của một quy chế và cùng một quy trình kỹ thuật giống nhau, đều có sự tham gia của các trường ĐH, các Sở GD&ĐT đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đây là những giải pháp hướng tới đảm bảo khách quan, công bằng cho tất cả TS ở các cụm thi.

Thực tế cho thấy, hiện đại đa số các địa phương đều đã thỏa thuận với các trường ĐH chủ trì để chấm bài tại các hội đồng thi chỉ để xét tốt nghiệp. Đây hoàn toàn là sự chủ động thể hiện sự nghiêm túc cũng như quyết tâm của các địa phương trong việc đảm bảo tính công bằng, khách quan của kỳ thi.

Cũng theo chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, đúng là dư luận xã hội hiện vẫn còn những băn khoăn về tính nghiêm túc của các kỳ thi trước đây do sở GD&ĐT chủ trì. Bộ đã lường trước vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi tại tỉnh, Bộ không phân biệt TS cụm thi nào, các TS đều cùng làm một đề thi. Trong đó, riêng đối với các cụm thi tại tỉnh, Bộ sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi.

Huyền Thanh
.
.
.