Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2015: Nghiêm túc, an toàn, ít sự cố
Theo Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, có 1.005.654 thí sinh (TS) đăng ký, trong đó có 28% TS đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và 72% TS sử dụng kết quả thi xét Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ). Điều này đã khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi quốc gia trong việc phân luồng TS, giảm hồ sơ ảo.
Với việc ra đề thi theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện, việc luyện thi tràn lan như những năm trước đây đã giảm rõ rệt và đề thi đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho TS khi làm bài thi.
Việc soạn thảo và sao in, vận chuyển đề thi đến các phòng thi được thực hiện tuyệt đối an toàn, bí mật. Theo đánh giá ban đầu của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của kỳ thi: Có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đảm bảo các TS có đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm được để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và các câu hỏi ở mức độ nâng cao phân loại học sinh giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi.
Kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc tại cả 2 loại cụm thi. Hiện tượng gian lận trong thi cử đã được hạn chế, các trường hợp vi phạm kỷ luật trường thi đã được các cụm thi giải quyết theo đúng quy chế...
Với sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban ATGTQG, Bộ GTVT, Bộ Y tế và ngành Điện lực, mặc dù trong những ngày diễn ra kỳ thi, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt xảy ra ở các vùng miền nhưng việc cấp điện cho các điểm thi đã được đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì, không xảy ra ách tắc giao thông, đảm bảo thuận lợi cho TS đến trường thi an toàn, an ninh các điểm thi duy trì tốt.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi ĐH Thủy Lợi Hà Nội. |
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến một số “sự cố” xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại cuộc họp báo như việc rò rỉ đề thi môn Ngoại ngữ trên Facebook, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm địn chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định: Ngay sau khi có thông tin, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an để tìm hiểu, điều tra về tài khoản Facebook trên. Thông tin ban đầu cho thấy, tài khoản này được thành lập từ 2013 và mới chỉ 4 lần post thông tin, trong đó lần post thông tin gần nhất cũng từ năm 2013. Đây là tài khoản đã bị hacker... Hiện bên Công an đang điều tra làm rõ.
Liên quan đến câu hỏi, Bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi an toàn, nghiêm túc nhưng ở các cụm thi địa phương so Sở GD&ĐT chủ trì, đơn cử như trường THPT Như Thanh (Thanh Hóa) rất lộn xộn, phao thi bày bán tràn lan, ông Mai Văn Trinh khẳng định: Thành phần tham gia, quy trình coi thi giữa các cụm thi do Sở GD&ĐT và các trường ĐH chủ trì đều giống nhau, chỉ khác nhau về địa điểm thi. Trong đó, tại cụm thi ở Thanh Hóa mà các cơ quan báo chí phản ánh, phao thi xuất hiện ở ngoài cổng thi và diễn ra sau khi TS kết thúc môn thi chứ không phải nằm trong khu vực thi.
Mặt khác, tỷ lệ vi phạm ở các cụm thi ĐH cao hơn các cụm do Sở GD&ĐT chủ trì chủ yếu là do áp lực của các TS vào ĐH cao hơn các TS chỉ có nguyện vọng tốt nghiệp nên nhiều TS tìm mọi cách để gian lận.
Liên quan đến cách ra đề thi và việc ở môn Lịch sử, có những điểm thi chỉ có 1 TS dự thi, đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: Đối với đề thi, các nhà chuyên môn, giáo viên, học sinh có đánh giá khác nhau. Chúng ta không thể so sánh giữa đề thi của năm nay với 2014 bởi mục đích khác nhau. Bởi đây là kỳ thi có “mục tiêu kép”. Còn việc phòng thi có 1 TS, xuất phát từ việc chúng ta đổi mới cách thi các môn tự chọn. Việc các em chọn môn thi hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, sở trường, đam mê nghề nghiệp... Do đó chắc chắn sẽ có sự phân hóa không đều giữa các môn.
Kết thúc cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi có nhiều đổi mới từ khâu tổ chức thi, ra đề thi cho đến phương thức xét tuyển vào các trường ĐH. Do vậy, những gì còn thiếu sót, chưa hoàn thiện, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện để việc tổ chức kỳ thi trong các năm sau sẽ được tốt hơn.