Thiếu người đứng lớp, hơn 200 giáo viên vẫn bị cắt hợp đồng

Thứ Bảy, 24/10/2015, 07:43
Vừa qua, dư luận ở Hà Tĩnh xôn xao việc 214 giáo viên hợp đồng trên địa bàn đã bị các cơ quan chức năng của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh thông báo chấm dứt hợp đồng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngay trước thềm năm học mới 2015-2016.

Sau khi ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Công văn số 4101/UBND-NC1 về việc “yêu cầu xử lý số giáo viên dôi dư, hợp đồng”, các cơ quan chức năng liên quan của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh như Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội… đã tổ chức họp và thống nhất việc chấm dứt hợp đồng đối với 214 giáo viên trên địa bàn. Số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng chủ yếu dạy ở các khối tiểu học, mầm non và trung học cơ sở.

Trong số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở thị xã Kỳ Anh có 72 người, trong đó có 35 giáo viên tiểu học, 36 giáo viên trung học cơ sở và 1 giáo viên mầm non. Huyện Kỳ Anh có 142 người, trong đó có 68 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên mầm non và 73 giáo viên trung học cơ sở.

Được biết, Hà Tĩnh lấy lý do số giáo viên trên bị cắt hợp đồng là do trước đây họ được tuyển vào ngành Giáo dục không thông qua các hình thức xét tuyển và thi tuyển công chức, viên chức theo quy định. Nếu xét như vậy là hoàn toàn không thỏa đáng đối với 214 giáo viên nói trên, bởi trước đây do thiếu về đội ngũ giáo viên nên UBND huyện Kỳ Anh (giờ tách thêm thị xã Kỳ Anh) đã ký hợp đồng tuyển dụng số giáo viên trên. Trong một thời gian dài, chính số giáo viên hợp đồng này đã cống hiến rất nhiều cho ngành Giáo dục của huyện Kỳ Anh.

“Vì sao suốt thời gian dài, huyện Kỳ Anh, hay tỉnh Hà Tĩnh không tổ chức thi công chức, viên chức vào ngành Giáo dục? Trong khi đó, tất cả mọi người đều có bằng cấp đầy đủ, và huyện lại đang thiếu nhiều giáo viên. Nếu sai thì huyện sai chứ giáo viên không có lỗi trong việc này. Đang yên đang lành giờ nói bị cho thôi dạy thì giáo viên biết đi đâu về đâu”, một giáo viên tâm sự vậy.

Ông Đinh Sỹ Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Anh cho biết, huyện và ngành đã họp bàn thông báo nội dung chấm dứt hợp đồng đối với 142 giáo viên trên địa bàn. Trong số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng có nhiều người đã đứng lớp trên 10 năm. Ngay sau khi có thông báo của lãnh đạo ngành Giáo dục về việc chấm dứt hợp đồng, nhiều giáo viên trên địa bàn Hà Tĩnh đã ra tận Hà Nội gặp lãnh đạo Bộ Nội vụ để gửi đơn nhờ can thiệp giúp đỡ, giải quyết cho họ tiếp tục được dạy học. Sau đó Bộ Nội vụ có thông báo sẽ vào làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để tìm hướng giải quyết cho 214 giáo viên nói trên.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh là đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Được biết, mặc dù thông báo chấm dứt hợp đồng với hơn 200 giáo viên, song hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh vẫn đang thiếu rất nhiều giáo viên, chẳng hạn như huyện Kỳ Anh còn thiếu đến 72 chỉ tiêu giáo viên. Sắp tới, việc xét tuyển chỉ tiêu vào ngành Giáo dục, huyện sẽ có ưu tiên cho những giáo viên có kinh nghiệm, từng giảng dạy tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. 

Hà Nội kiểm điểm các hiệu trưởng chấm dứt hợp đồng gần 200 giáo viên mầm non sai luật

UBND TP Hà Nội vừa gửi văn bản báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chấm dứt hợp đồng với gần 200 giáo viên mầm non của huyện Sóc Sơn. Theo đó, huyện Sóc Sơn đã tổ chức tuyển dụng số giáo viên mầm non theo biên chế được giao theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc ký kết các hợp đồng đối với người lao động, một số hiệu trưởng trường mầm non công lập tự chủ tại huyện chưa thực hiện nghiêm hướng dẫn ký kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Vì vậy, UBND TP Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm với hiệu trưởng các trường mầm non công lập tự chủ vì chưa thực hiện nghiêm túc việc ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Trước đó, 184 giáo viên mầm non thi trượt viên chức tại huyện Sóc Sơn đã bị yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động, không được trả lương từ quý III-2015 sau gần 3 năm giảng dạy. (NY)

Sông Lam
.
.
.