Hội phụ huynh cần có tâm và làm đúng chức trách

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:36
Sự kiện một phụ huynh quận 1, TP Hồ Chí Minh phản đối khoản đóng góp đầu năm cho lớp học của con, đồng thời gửi thư tới Văn phòng Chính phủ đề nghị xoá bỏ Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh (gọi chung: Hội Phụ huynh-HPH) đã gây nên nhiều tranh cãi.

Qua ý kiến phân tích từ một số Nhà giáo, Chuyên gia tâm huyết với ngành, cho thấy, việc HPH đang bị "tai tiếng" là Hội "tận thu", có nguyên nhân rất lớn từ việc điều hành, phối hợp giữa Ban Giám hiệu nhà trường với HPH. Đặc biệt, cái tâm và cái tầm của người đứng đầu mỗi trường học - Hiệu trưởng nhà trường giữ một vai trò vô cùng quan trọng.

Không xoá, cần chấn chỉnh đi đúng hướng

Đó là ý kiến của bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh chia sẻ về việc này. Theo bà Khánh, mục đích ra đời của HPH là không xấu, và cần thiết. Bà đã nhiều năm tham gia vào HPH của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và định thấy: HPH thực sự là nơi để phụ huynh và học sinh (HS) được bày tỏ quyền lợi học tập, đóng góp ý kiến cho nhà trường về chương trình giảng dạy, cường độ học tập, chế độ chăm sóc sức khoẻ cho HS. Hội cũng là nơi để phản ánh với nhà trường về việc không đồng ý với cách dạy, cách quản lý của nhà trường, cách cư xử của giáo viên với HS, phát hiện chương trình giảng dạy quá sức hoặc thực sự chưa hợp lý.

HPH trên thực tế qui tụ được nhiều người giỏi, nhiều người là Nhà giáo ưu tú, am hiểu về giáo dục, tâm lý học sinh. Nếu tận dụng được những cái hay này của HPH thì rất đáng để duy trì. Tuy nhiên, cũng theo bà Khánh, thời gian qua HPH hoạt động thường tập trung những người có điều kiện kinh tế nhất của một lớp học và chỉ quan tâm vấn đề đóng các khoản tiền cho lớp và sao nhãng vấn đề khác. Nhưng nếu chỉ vì lý do hoạt động sai chức năng này mà xoá bỏ HPH thì không nên.

Bà Khánh cho rằng, nếu xoá HPH, sẽ làm mất đi "tiếng nói" của đại đa số phụ huynh trong một ngôi trường. Theo đó cần qui định lại, HPH được quyền làm cái gì, tham gia cái gì theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), để hoạt động đúng vai trò, đúng quyền hạn. Nên có một chế tài, chấn chỉnh những việc làm chưa đúng của HPH. Khai thác được những mặt mạnh của HPH, qua đó phục vụ cho mục đích chung là bảo đảm quyền lợi học sinh, chất lượng cho giảng dạy trong nhà trường.      

Hội phụ huynh không thể xoá bỏ nhưng cần được hướng dẫn hoạt động đúng chức năng, đúng điều lệ.

Hiệu trưởng có tâm, Hội Phụ huynh sẽ đi đúng hướng

Là một cán bộ có nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh, Bà Lê Thị Hồng Liên, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh chia sẻ khá nhiều tâm tư xoay quanh vấn đề có nên xoá bỏ HPH đang bị "tai tiếng" là "Hội tận thu" hay không.

Bà Liên cho rằng: HPH thời gian sau này có nơi hoạt động sai mục đích. Hội chưa làm đúng chức trách, điều lệ đặt ra, đó là phải nói lên nguyện vọng của 99% các bậc cha mẹ HS. Để bị tai tiếng như hiện nay cũng một phần vì một số các Hiệu trưởng nhà trường chưa tự vận động, tự suy nghĩ tìm tòi cách làm hay, khắc phục khó khăn để trường hoạt động tốt mà đã để phiền lòng tới PHHS.

Bà Liên phân tích, do HPH hoạt động không đúng hướng, nên mới hình thành nên quan niệm trong cha mẹ HS hiện nay là Hội ra đời chỉ để thu tiền. Do tình hình chung, phải thông cảm với các trường là còn nhiều khó khăn, nhưng theo bà Liên, cũng phải nói thẳng 1 điều là "nhiều Ban Giám hiệu Nhà trường đã tận dụng, đã "làm quá" trong việc sử dụng HPH để thu tiền đóng góp.

HPH phải đứng về đại đa số PHHS trong trường, nhưng hoạt động của Hội thực chất hiện nay mới nói được khoảng 30% tiếng nói của số PH trong 1 lớp nên tất yếu không được sự đồng thuận của PHHS. Hoạt động của HPH thực sự chưa nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, chưa kể là có HPH còn lạm dụng để tìm cách gần gũi ban giám hiệu, phục vụ cho mục đích riêng của mình. 

Nguyên Phó Giám đốc Hồng Liên chia sẻ, bà từng là Hiệu trưởng của một trường đầu tiên của TP Hồ Chí Minh trang bị máy vi tính và cũng là trường đầu tiên của thành phố lắp máy lạnh cho các lớp học. Khi ấy bà đã bị Ban Giám sát-HĐND TP “kết tội” đã "tư sản hoá trường học". Tuy nhiên, sau khi đoàn giám sát của HĐND TP xuống khảo sát đã quyết định cho trường tiếp tục làm, với 2 lý do: HS được học máy lạnh nhưng phụ huynh không phải đóng góp.

"Vì bản thân tôi đi xin tiền của các công ty du lịch, tài trợ của Việt kiều để trang bị máy lạnh cho toàn bộ các lớp học. Thứ nữa, phí vận hành máy lạnh mỗi tháng các em chỉ phải đóng là 10.000đ/tháng/em. Số tiền này khi ấy mua được 1 tô phở".

Theo bà Liên, bà đưa ra ví dụ như trên để muốn nói rằng, vai trò của người hiệu trưởng nhà trường vô cùng quan trọng, khi làm đúng, PHHS tất yếu đồng thuận, không kêu ca!

Và cũng phân tích dí dỏm: "Nếu Hiệu trưởng cứ mãi sung sướng quá, cứ ngồi đợi PHHS đóng góp mãi thì sẽ không ổn! Phải nghĩ ra cách làm thế nào đừng phiền lòng phụ huynh. Nếu cứ thụ động, bỏ mặc cho HPH tự vận động, tự làm và làm sai, rồi cứ "tặc lưỡi", không nói gì, sẽ tạo nên sự hiểu lầm trong PHHS. Không thể đưa ra câu nói tuỳ lòng phụ huynh, không nên kêu gọi đóng góp theo hình thức "cào bằng", vì bản thân mỗi HS thấy tủi thân, về nhà xin cha mẹ khoản tiền đóng như các bạn nhà giàu hơn.

Cha mẹ lo cho con nên sẽ cố đóng góp. Như vậy, về phía ngành giáo dục, nhà giáo bị mang tiếng, còn HPH rơi vào cảnh hoạt động vượt chức năng, quyền hạn. Theo tôi, người hiệu trưởng nếu chịu khó tìm tòi, làm việc có cái tâm, cái tầm thì HPH sẽ đi đúng hướng, không có chuyện gì ầm ĩ xảy ra".

Huyền Nga
.
.
.