Hồi chuông cảnh báo về tư cách người thầy trong các trường dân tộc nội trú

Thứ Ba, 18/12/2018, 19:22
Từ sự việc Hiệu trưởng một trường dân tộc nội trú bị tố cáo có hành vi xâm hại đối với học sinh nam tại Thanh Sơn, Phú Thọ, nhiều ý kiến cho rằng, dù là hiện tượng cá biệt nhưng qua câu chuyện này cũng là hồi chuông cảnh báo về đạo đức của thầy cô giáo trong các trường dân tộc nội trú.

Bên cạnh đó, câu chuyện đáng buồn này cũng góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, của phụ huynh về việc xâm hại không chỉ xảy ra đối với học sinh nữ mà còn là vấn đề của cả học sinh nam.

Với môi trường nội trú, rất cần sự gương mẫu của các thầy cô

Tại hội nghị tổng kết 10 trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008-2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại Yên Bái ngày 18-12, nhắc lại sự việc hiệu trưởng bị tố cáo xâm hại học sinh gây chấn động dư luận những ngày qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Mặc dù đây chỉ là tình huống cá biệt song câu chuyện này cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của các thầy, cô giáo trong trường phổ thông dân tộc nội trú.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng: Đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trường này hết sức quan trọng, ngoài việc đánh giá theo chuẩn chung về nghề nghiệp đạo đức, lối sống, các thầy cô trường phổ thông dân tộc nội trú còn có yêu cầu khác. Do đặc thù khi vào học trong trường nội trú, học sinh còn nhỏ nên bản thân các em và và gia đình đều coi các thầy cô như cha mẹ, chăm sóc, giáo dưỡng học sinh như cha mẹ trong gia đình nên các trường nội trú phải có trách nhiệm đảm bảo cho học sinh được an toàn, được yêu thương như chính trong gia đình mình.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu dự Hội nghị

“Nếu như không chuẩn hoá đội ngũ, không rèn luyện thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, sẽ dẫn đến một số giáo viên không đáp ứng yêu cầu về chuẩn mực đạo đức từ nhận thức đến hành động như đã xảy ra tại Phú Thọ vừa rồi. Mặc dù phòng, chống, giới thiệu giáo dục giới tính cho học sinh là cần thiết nhưng về phía nhà trường, sự gương mẫu của các thầy cô vẫn là quan trọng”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, với trách nhiệm của cơ quan quản lý, một mặt phải đặc biệt quan tâm để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô yên tâm công tác; nhưng mặt khác phải thường xuyên nhắc nhở, có biện pháp, chế tài để nâng cao trách nhiệm của thầy, cô giáo trong việc tu dưỡng đạo đức, lối sống hành vi ứng xử trong nhà trường.

 “Dù gái hay trai cũng phải bảo vệ thân thể của mình”

Chia sẻ với phóng viên về câu chuyện này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Qua sự việc đau lòng và đáng tiếc này, người lớn chúng ta cần phải chú ý đến hai điều. 

Thứ nhất, đó là cần phải nhìn nhận lại việc giáo dục ý thức, quyền trẻ em để các em học sinh biết tự bảo vệ mình. Hiện nay, vấn đề tăng cường nhận thức về quyền trẻ em và giáo dục giới tính trong các nhà trường vẫn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mực, kể cả các thành phố lớn. 

Thứ hai là không chỉ nhà trường mà bản thân phụ huynh cũng phải tuyên truyền, giáo dục nhằm khích lệ được học sinh nói ra những điều các em băn khoăn dù đúng hay không đúng. Đặc biệt, phải nói cho các em biết, dù trai hay gái cũng cần bảo vệ thân thể của mình, dù là ai xâm phạm, cũng hãy lên tiếng.

TS. Nguyễn Hồng Vinh, Viện Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh cũng nêu quan điểm: Trước đây nhiều người không nghĩ rằng học sinh nam cũng bị lạm dụng tình dục đồng giới. Đây cũng là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh khi cho rằng “con trai thì chẳng bị làm sao” và thường có tâm lý chủ quan, không hỗ trợ con trong việc phòng tránh.

Cũng theo TS Nguyễn Hồng Vinh, một việc không kém phần quan trọng khác là phải trang bị kiến thức và kỹ năng để giúp các em học sinh nhận diện được đâu là hành vi xâm hại. Đồng thời, cũng phải chỉ rõ cho học sinh “địa chỉ tin cậy” để khi có chuyện bất thường xảy ra, các em còn biết cần báo cho ai, có thể chia sẻ cho ai.

“Địa chỉ” ở đây có thể là các đường dây nóng trong trường học đối với học sinh khu vực thành thị. Riêng đối với các trường nội trú, do học sinh sinh hoạt tại trường 24/24 giờ nên có thể bố trí một người phụ trách riêng về vấn đề này, nếu không thể trực tiếp thì có thể tổ chức bằng hình thức cho học sinh viết giấy gửi hòm thư hoặc gửi thư điện tử.

Huyền Thanh
.
.
.