Công bố đề thi mẫu kỳ thi THPT quốc gia 2015:

Học sinh không cần 'kéo' đến các lò luyện thi

Thứ Tư, 08/04/2015, 06:26
Bộ GD&ĐT vừa chính thức giới thiệu đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, có 13 mẫu đề thi minh họa cho 8 môn thi bắt buộc và tự chọn đã được Bộ GD&ĐT công bố kèm theo đáp án để giáo viên và học sinh tham khảo.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đề thi mẫu đã phân hóa được thí sinh có học lực giỏi, khá, trung bình, phù hợp với cả hai mục tiêu của kỳ thi “hai trong một” là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, ở từng môn thi cụ thể vẫn còn nhiều ý kiến phân vân về mức độ khó, dễ cũng như tính hợp lý của đề thi.

Nhận xét chung về xu hướng ra đề thi THPT quốc gia năm 2015, GS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Đề thi minh họa năm nay không khác nhiều so với cấu trúc đề thi năm ngoái nên đa phần giáo viên và học sinh Trường Lương Thế Vinh không có gì băn khoăn, thắc mắc. Với đề thi minh họa, Bộ GD&ĐT đã đạt được hai yêu cầu, đó là để xét tốt nghiệp và xét vào các trường ĐH, CĐ.

Đồng quan điểm này, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đinh Tiên Hoàng cũng khẳng định: Đề thi minh họa một số môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý năm nay được Bộ GD&ĐT đổi mới theo hướng  phát triển tư duy của học sinh. Như vậy, học sinh sẽ giảm bớt khó khăn trong quá trình ôn tập cũng như vận dụng các kiến thức vào bài thi. Quan trọng hơn, với cách ra đề thi bám sát chương trình THPT, đặc biệt là lớp 12 như thế này, học sinh hoàn toàn có thể ôn tập tại trường, không cần phải kéo nhau đến các lò luyện thi như trước.

Chia sẻ cụ thể hơn với PV Báo Công an nhân dân về đề thi minh họa môn Toán,  GS. Văn Như Cương cho biết: Riêng môn Toán có gần 60% những câu hỏi cơ bản, còn lại khoảng 40% câu hỏi nâng cao. Những câu hỏi nâng cao đã phân hóa được học sinh khá, giỏi, trung bình. Ngoài ra, đề môn Toán có những câu hỏi một điểm, để đạt được một điểm trọn vẹn đòi hỏi học sinh phải nỗ lực. "Theo tôi với đề thi minh họa Bộ GD&ĐT vừa công bố, học sinh muốn kiếm được điểm tuyệt đối là không dễ"- thầy Cương nhận định.

Nội dung thi tốt nghiệp chủ yếu nằm trong chương trình học, sẽ giảm áp lực thi cử.

Thầy Nguyễn Xuân Tuấn, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng: Đề thi môn Toán năm nay tương đối giống với đề thi đại học năm 2014, do đó để kiếm được dù 5 đến 6 điểm sẽ là điều rất khó khăn cho các học sinh có học lực trung bình, chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp. Do đó, “Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh đề thi môn Toán theo hướng có khoảng 55% kiến thức lớp 12 và ở mức độ tương đương đề thi tốt nghiệp THPT mọi năm để tạo cơ hội cho học sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có nhiều cơ hội hơn trong việc xét tốt nghiệp” - thầy Tuấn đề xuất.

Nhận xét về đề thi các môn tự nhiên còn lại như Vật lý, Hóa học, Sinh học, thầy Nguyễn Lê Hùng, giảng viên Khoa Răng-Hàm-Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Đề thi các môn tự nhiên năm nay nhìn chung có sự phân hóa rõ về trình độ học sinh. Tuy nhiên, đạt điểm 5, 6 thì dễ nhưng để đạt được điểm tuyệt đối thì rất khó vì lượng câu hỏi khó và rất khó có xu hướng tăng lên so với đề thi các năm trước. Đơn cử như ở đề thi môn Hóa có một số câu hỏi (câu 21, 25, 43 và 49) còn khó hơn cả đề thi khối B kỳ thi đại học năm 2014. Đề thi môn Sinh học và Vật lý nhìn chung “nhẹ nhàng” hơn đề Hóa song nhiều câu hỏi về lý thuyết, liên hệ thực tiễn hơi nhiều và còn trùng lặp về ý tưởng. Bên cạnh đó, khối lượng câu hỏi quá dài (50 câu) e rằng học sinh sẽ khó giải quyết được hết trong thời gian 90 phút.

Ở các môn xã hội như Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, đại đa số các giáo viên đều cho rằng, bên cạnh việc đáp ứng được tiêu chí phân loại học sinh thì đề thi năm nay có xu hướng hay hơn, mở hơn, sát với thực tiễn hơn.

Cô Nguyễn Hồng Vinh, giảng viên Khoa Sử, Trường ĐH Vinh (Nghệ An) nhận xét: Đề thi môn Sử năm nay bên cạnh những câu hỏi chủ yếu xoay quanh kiến thức cơ bản như “Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với thành công của Đại hội thành lập Đảng CSVN năm 1930” hay “sự khác biệt giữa chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ của Mỹ tại Việt Nam”... thì đã xuất hiện thêm những câu hỏi mở, yêu cầu học sinh phải có kiến thức tổng hợp và hiểu biết về thực tế như “nêu bản chất và biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa và tác động đến Việt Nam”. Tương tự, ở đề thi môn Địa lý, bên cạnh các câu hỏi thuần túy kiến thức đã có sự xen kẽ các câu hỏi có mối liên hệ chặt chẽ với thực tiễn như “Hãy nêu hậu quả và các biện pháp chống lũ ở nước ta”.  

Nhận xét về môn Ngữ văn, cô giáo Phan Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) cho biết: Đề thi minh họa môn Ngữ văn giống với cấu trúc đề thi năm ngoái, tuy nhiên, điểm ở các câu có thay đổi. Như năm ngoái các câu sẽ có điểm lần lượt là 2-3-5, nhưng năm nay điểm các câu lần lượt 3-3-4. Do đó, thí sinh cần chú ý để phân bố thời gian và làm bài hợp lý. Ngoài ra, trong đề có thêm câu hỏi mở như ở phần viết bài tự luận (4 điểm) với yêu cầu “Không có công việc nào là nhỏ nhoi, thấp kém, chỉ là con người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc đó mà thôi. Em hãy viết suy nghĩ của mình về ý kiến trên”.

Theo cô Hiền, với câu hỏi mở như thế này, yêu cầu phải vận dụng những kiến thức từ thực tế nên nhiều học sinh không cần ôn luyện nhiều vẫn có thể ghi điểm ở câu hỏi này. Riêng đề thi môn Ngoại ngữ, năm nay học sinh được tự chọn 1 trong 6 thứ tiếng là Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung, Nhật nên Bộ GD&ĐT cũng đã công bố 6 đề thi mẫu cho 6 thứ tiếng. Theo đánh giá của giáo viên và học sinh, đề thi năm nay tương đối phù hợp vì có thể phân loại mức độ học sinh, trong đó 80% là trắc nghiệm và chỉ có 20% là viết. Học sinh chỉ cần trả lời hết 80% câu hỏi ở phần trắc nghiệm là đã có thể đạt điểm tốt nghiệp.

Huyền Thanh
.
.
.