Học sinh hoang mang, giáo viên lo lắng về đề thi minh họa năm 2018
- Sẽ không công bố đề thi minh họa thi THPT quốc gia năm 2018
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức lên tiếng về những sai sót trong đề thi minh họa
Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, phương thức tổ chức các môn thi, bài thi của Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017; nội dung thi năm 2018 nằm trong chương trình lớp 12 và lớp 11, năm 2019 bao gồm cả chương trình trung học phổ thông như Bộ GD&ĐT đã thông báo từ năm 2016. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành công văn hướng dẫn dạy học và ôn tập theo đúng định hướng nêu trên.
Các nhà trườngvà học sinhsử dụng tài liệu hướng dẫn này kết hợp với các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo và đề thi chính thức của Kỳ thi THPTQG năm 2017 làm tài liệu tham khảo đểdạy học và ôn tập trong năm học 2017-2018; không cần có thêm đề thi minh hoạ mới.
Như vậy, ngoài việc sẽ không công bố đề thi minh họa thi THPT quốc gia 2018, thông báo này cũng chưa giải đáp được vấn đề mà nhiều học sinh và giáo viên các trường THPT đang băn khoăn hiện nay, đó là chương trình lớp 11 trong đề thi năm 2018 sẽ có tỷ lệ bao nhiêu, yêu cầu kiến thức lớp 11 như thế nào, chủ yếu tập trung vào phần kiến thức nhận biết, thông hiểu hay vận dụng, nâng cao...
Việc không công bố đề thi minh họa năm 2018 đang “gây khó” cho cả giáo viên và học sinh. Ảnh minh họa. |
Em Vũ Hải Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa thi THPT quốc gia năm 2018, em thấy rất hoang mang. Đối với một số môn Khoa học tự nhiên, việc thi theo hình thức trắc nghiệm đã được thực hiện nhiều năm nay, định dạng đề thi đã tương đối ổn định nên học sinh sẽ không quá lo lắng.
Tuy vậy, với một số môn học mới được thi theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2017 như Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân... nếu không có đề thi minh họa, chúng em sẽ rất khó hình dung đề thi sẽ giống và khác năm 2017 như thế nào, nhất là khi trong đề thi năm nay sẽ có thêm phần kiến thức lớp 11. Việc học toàn bộ kiến thức lớp 11 sẽ là rất nặng nề, khó khăn với chúng em khi mà kỳ thi THPT sẽ có tới 8 môn thi bắt buộc và tự chọn”.
Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng. Cô Bùi Minh Trang, giáo viên môn Giáo dục công dân, trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: Năm 2017, lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi THPT quốc gia với hình thức trắc nghiệm, cả giáo viên lẫn học sinh đều cảm thấy vô cùng áp lực và lo lắng. Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa (2 lần) thì cả giáo viên và học sinh mới có thể hình dung, từ đó đã nhanh chóng có định hướng ôn tập phù hợp và kết quả là điểm thi môn Giáo dục công dân nhìn chung rất khả quan.
“Năm nay, khi đề thi THPT quốc gia sẽ có thêm phần kiến thức lớp 11, tức là có điều chỉnh so với năm 2017 song Bộ lại thông báo sẽ không công bố đề thi minh họa. Phải chăng là Bộ đang “làm khó” cả thầy cô và các học sinh?”, cô Trang đặt câu hỏi.
Thầy Trần Hải Thắng, giáo viên môn Sinh học trường Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Nếu Bộ chỉ ban hành một hướng dẫn chung chung thì chẳng khác gì “đánh đố” cả giáo viên và học sinh. Trong khi đó, nếu yêu cầu các em ôn tập cả chương trình lớp 11 thì quá nặng, mà tự ý ôn trọng tâm phần này, bỏ phần kia cũng không được vì sẽ rất mạo hiểm cho các em bởi kết quả của kỳ thi này còn được dùng để xét tuyển vào các trường đại học.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Nguyện vọng của đông đảo giáo viên và học sinh trong nhà trường là mong muốn Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa để có thể dễ hình dung, từ đó có định hướng ôn tập tốt. Bộ cũng không cần phải công bố đề minh họa 2 lần như năm 2017 mà chỉ cần công bố một lần.
Nếu trong trường hợp, Bộ vẫn không công bố đề thi minh họa thì cũng cần có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ phần kiến thức của lớp 11 là bao nhiêu, yêu cầu mức độ kiến thức như thế nào, đặc biệt là một số môn mới đưa vào thi trắc nghiệm từ năm 2017 như Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân... để giáo viên và học sinh có thể định lượng và chủ động hơn trong việc ôn tập.
Đặc biệt, khi ra đề thi Bộ phải bám chặt vào hướng dẫn để tránh tình trạng hướng dẫn một đường, ra đề thi một nẻo.
“Bộ GD&ĐT nên tiếp tục công bố đề thi minh họa cho đến hết năm 2019 vì theo hướng dẫn vừa công bố, đề thi năm 2019 sẽ bao gồm cả kiến thức lớp 10, 11 và 12, tức là tiếp tục có điều chỉnh nội dung kiến thức so với năm 2017 và 2018. Sau khi đã công bố đề thi minh họa liên tục đủ 3 năm, từ năm 2020, khi đề thi đã ổn định với phần kiến thức trải đều ở cả cấp học THPT và học sinh đã được làm quen với định dạng đề thi, Bộ có thể không cần phải công bố đề thi minh họa nữa”, ông Bình đề xuất.