Buông lỏng công tác tuyển dụng, "quan huyện" xét tuyển vô tội vạ
Quyết định trao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương trong tuyển dụng cán bộ, công chức của UBND tỉnh Đắk Lắk đã “tạo điều kiện” thuận lợi cho các “quan huyện” thả cửa ký hợp đồng xét tuyển lao động, dẫn đến hệ lụy vô cùng lớn khi hàng trăm giáo viên có nguy cơ bị mất việc làm.
- Hơn 500 giáo viên bất ngờ nghe tin sắp mất việc
- Tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk
* Chưa có đơn tố cáo tiêu cực!
Liên quan đến vụ việc hơn 500 giáo viên bất ngờ nhận tin sắp mất việc, sáng 12-3, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với khoảng 200 giáo viên hệ THCS, Tiểu học và Mẫu giáo trên địa bàn huyện.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng nay UBND huyện đã có thông báo về việc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng đối với 208 giáo viên theo công văn 323 của UBND huyện thông báo hôm 9-3”, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện trả lời báo chí sang 12-3 |
Cũng theo bà Trinh, việc UBND huyện ban hành Công văn 323 là thực hiện theo đề án đã được Sở Nội vụ tỉnh thẩm định. Theo đó, trong số 578 giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện thì có 208 giáo viên không có trong vị trí xét tuyển nên buộc phải chấm dứt hợp đồng. 370 giáo viên còn lại sẽ được thi tuyển để lấy 83 chỉ tiêu. Như vậy, ngoài 208 giáo viên không có vị trí xét tuyển, sau đợt thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2017, thì sẽ có thêm 287 giáo viên phải chấm dứt hợp đồng do không có chỉ tiêu, tức có tổng cộng 495 giáo viên phải chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới.
“Trước tình hình hiện tại, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các hợp đồng, tính toán xét tuyển từ nay đến năm 2021 để thay thế vào vị trí những giáo viên nghỉ hưu. Ngoài ra, huyện vẫn tính toán nhiều phương án khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giáo viên”, bà Trinh khẳng định.
Khi được phóng viên hỏi về thông tin cho rằng, có tiêu cực trong việc huyện đã hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên, bà Trinh khẳng định hiện huyện chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực: “Chúng tôi không khẳng định có hay không, nhưng đến nay huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư tố cáo tiêu cực trong vụ việc này. Nếu phát hiện có tiêu cực nhất định chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra xử lý những cá nhân tập thể vi phạm”, bà Trinh nói.
* Buông lỏng công tác quyển dụng
Có thể nói, một trong những nguyên nhân chính đẩy hàng trăm giáo viên vào hoàn cảnh “dở khóc, dở cười” như trên xuất phát từ quyết định “thả cửa” trong tuyển dụng của UBND tỉnh Đắk Lắk khi giao quyền cho các địa phương tự quyết trong việc xét tuyển cán bộ, công chức.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk trước đó, trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng thừa giáo viên nêu trên thuộc trách nhiệm của ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011-2016, hiện làm Phó trưởng Ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021).
Theo đó, trong thời gian ông Kỷ làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, huyện này đã tuyển dụng thừa trên 500 giáo viên, bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ của mình, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục ký tuyển dụng 109 giáo viên, nhân viên dù biết trước đó đã dư thừa rất nhiều.
Khi được hỏi vào thời điểm tuyển dụng, huyện thực sự có cần số lượng giáo viên nhiều đến như vậy hay không?. Trả lời câu hỏi này, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời điểm tuyển dụng diễn ra trong một thời gian rất dài, tùy vào từng thời điểm. “Vào những thời điểm tuyển dụng, số lượng học sinh trên địa bàn huyện rất nhiều dẫn đến thiếu giáo viên trầm trọng. Sau nhiều năm, số lượng học sinh giảm lại, số lớp co lại theo sắp xếp tại Quy định 39. Ngoài ra, theo nhu cầu sử dụng giáo viên của từng trường, trường đề xuất lên Phòng Giáo dục rồi từ phòng giáo dục đề xuất lên Phòng Nội vụ mới lên UBND huyện chứ UBND huyện không tự quyết, tự đưa ra con số tuyển dụng được”, bà Trinh thông tin.
Tuy nhiên, khi được hỏi về hướng xử lý những cán bộ, tập thể liên quan đến việc sai phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức tại huyện Krông Pắk, bà Trinh cho biết thêm, các cơ quan thẩm quyền cũng đã có những thanh tra, kiểm tra. “Những cá nhân, tập thể nào vi phạm thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Giờ không thể nói lỗi cho ai, lỗi của cá nhân nào được”, bà Trinh nói.
Vợ chồng anh Tâm buồn bã trao đổi với phóng viên |
* Nhận giấy khen xong là mất việc!
Dẫn theo hai đứa con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi đến trước trụ sở UBND huyện sáng 12-3, vợ chồng anh Nguyễn Huy Tâm (37 tuổi) và chị Trần Thị Nga (32 tuổi, cùng dạy tại Trường THCS Vụ Bổn) mếu máo cho biết, đầu năm 2009, cả hai vợ chồng anh chị đều được ký hợp đồng nằm trong diện chỉ tiêu biên chế. Về nhận công tác tại trường được 7 năm thì bất ngờ đầu năm 2016, cả hai đều nhận được tin chấm dứt hợp đồng.
“Gắn bó với trường nhiều năm, niềm vui chưa trọn khi mới nhận Giấy khen “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2015-2016” của Chủ tịch UBND huyện thì sau đó không lâu đã phải nhận Quyết định Chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1-1-2016. Việc huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đồng nghĩa với việc phải thất nghiệp. Vợ phải sang tận tỉnh Gia Lai làm thuê nương rẫy cho người thân, còn tôi ở nhà chăn nuôi chắt góp nuôi hai con nhỏ ăn học”, anh Tâm buồn bã nói.
Cùng chung tâm trạng, anh Hồ Tất Thắng (giáo viên dạy môn địa lý tại trường THCS Ea Yiêng) chia sẻ: “Tôi đứng trên bục giảng từ năm 2010 đến nay, được tuyển dụng với hình thức hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, tôi cố bám trụ với nghề với hy vọng ổn định cuộc sống và góp phần trong sự nghiệp trồng người.
Trong những năm qua, tôi vẫn quyết tâm phấn đấu vì đó là sự nghiệp cao cả và luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ được công nhận là giáo viên chính thức. Dù đã có chỉ đạo tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng nhưng chúng tôi vẫn rất hoang mang và tha thiết mong các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng trăm giáo viên”.
Hàng trăm giáo viên bày tỏ bức xúc trước việc chấm dứt hợp đồng của UBND huyện |
UBND tỉnh Đắk Lắk có Công văn hỏa tốc! Để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động theo quy định của pháp luật và ổn định trật tự trên địa bàn huyện Krông Pắk nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, tối 11-3, UBND tỉnh đã có Công văn hỏa tốc gửi UBND huyện yêu cầu UBND huyện Krông Pắk khẩn trương: Báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh việc xét tuyển bổ sung đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí làm việc để tuyển dụng (việc đề xuất phải gắn với việc rà soát thực hiện lộ trình tinh giảm biên chế, bảo đảm giải quyết quyền lợi của người lao động trên cơ sở quy định của pháp luật). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Phối hợp với Sở Nội vụ để chuẩn xác số liệu; tổng hợp, phân loại hợp đồng lao động theo từng nhóm để dự kiến biện pháp giải quyết phù hợp với quy định và thực tiễn; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động để có giải pháp phù hợp, giải quyết căn cơ các vấn đề nhằm ổn định tình hình địa phương. Đồng thời, không để các thế lực thù địch lợi dụng làm phức tạp tình hình, gây mất trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng vụ việc để kích động gây rối. |