Hà Nội khó đạt đích ‘10 trường công lập chất lượng cao’

Thứ Tư, 20/05/2015, 10:08
Dù đã có nhiều cố gắng nhưng kế hoạch có ít nhất 10 trường công lập được công nhận là trường chất lượng cao mà HĐND TP Hà Nội đề ra rất khó hoàn thành trong năm học này. Thực tế cho thấy, nhiều trường, nhiều cán bộ quản lý vẫn còn khá “bỡ ngỡ” trước khái niệm “trường chất lượng cao”.

Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức khảo sát việc thực hiện mục tiêu xây dựng và công nhận trường mầm non, tiểu học, trung học chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đoàn đã khảo sát tại 5 trường: Mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm), Tiểu học Tiền Phong (huyện Gia Lâm), THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), Mầm non đô thị Sài Đồng (quận Long Biên).

UBND TP đã công nhận 4 trường đạt chất lượng cao, trong đó có 2 trường công lập (Trường mầm non 20-10, quận Hoàn Kiếm; Trường mầm non đô thị Sài Đồng, quận Long Biên); phê duyệt thí điểm chất lượng cao tại 10 trường công lập.

Đoàn khảo sát nhận thấy, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục chất lượng cao và đang thực hiện thí điểm chất lượng cao khang trang, hiện đại; tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn cao; chương trình giảng dạy khá toàn diện; phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới... Phụ huynh học sinh ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động của nhà trường và cùng tham gia vào quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tuy nhiên, qua khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong đó có việc UBND TP Hà Nội mới chỉ đưa 10/18 trường đã thực hiện thí điểm trước khi ban hành Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND vào danh sách tiếp tục thực hiện thí điểm năm học 2014-2015, 8 trường còn lại “bỏ trống”, không có hướng dẫn cụ thể, không phê duyệt đề án... dẫn đến các trường này lúng túng trong triển khai thực hiện, thậm chí có nơi phát sinh đơn thư khiếu kiện.

Bên cạnh đó, chất lượng báo cáo đề án phát triển trường chất lượng cao còn hạn chế, nhiều trường chưa chỉ ra được lộ trình và cơ chế tài chính dẫn đến tính khả thi chưa cao. Đơn cử: Đề án của Trường Mầm non đô thị Sài Đồng - quận Long Biên, mới chỉ có phần thu chưa có dự toán chi; Đề án trường Mầm non 20-10 quận Hoàn Kiếm, trong dự toán thu có cả nguồn hỗ trợ kinh phí thường xuyên từ ngân sách, chưa thực hiện đúng việc trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Một số tiêu chí như tỷ lệ giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố khó đạt được (theo quy định phải đạt 40% nhưng đến nay Trường THCS Nam Từ Liêm mới đạt 26%, Trường THPT Phan Huy Chú đạt 35%), chưa triển khai dạy và học một số môn khoa học cơ bản bằng song ngữ (chưa có giáo trình và giáo viên), việc tổ chức giao lưu quốc tế cho giáo viên và học sinh... còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, các trường mầm non chuyển từ công lập bình thường sang công lập chất lượng cao, mặc dù ở khu vực trung tâm, thuận lợi trong tuyển sinh và phụ huynh có khả năng chi trả nhưng thu nhập của toàn trường năm đầu thực hiện chất lượng cao vẫn thấp hơn so với trường công lập bình thường vì phải giảm số lượng học sinh để phù hợp với tiêu chí trường chất lượng cao. Ví dụ: Trường Mầm non 20-10 quận Hoàn Kiếm, số học sinh năm học trước khi xây dựng chất lượng cao gần 900 học sinh khi chuyển sang chất lượng cao còn 568 học sinh...

Từ thực tiễn đó, Ban Văn hóa - Xã hội nhận định, tiến độ xây dựng trường chất lượng cao ở một số trường đang thực hiện thí điểm có thể phải kéo dài qua năm học 2014-2015 do đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản. Như vậy, kế hoạch “đến hết năm 2015 có ít nhất 10 trường công lập được công nhận là trường chất lượng lượng cao” khó thực hiện được vì tính đến thời điểm tháng 4/2015 mới có 2 trường mầm non công lập đạt chất lượng cao.

N.Yến
.
.
.