“Góc sẻ chia” làm ấm lòng sinh viên nghèo

Thứ Tư, 18/07/2018, 09:35
Được thành lập từ cách nay tròn 1 năm, Góc sẻ chia của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là nơi tiếp sức cho sinh viên khó khăn vượt qua những tháng ngày eo hẹp tài chính.

Được quản lý bởi Trung tâm Dịch vụ sinh viên của trường, Góc sẻ chia cung cấp các nhu yếu phẩm hằng ngày, từ mì gói, gạo, sữa, nước uống đến quần áo, giày dép… 

Tất cả thực phẩm hay nhu yếu phẩm cần thiết ở đây đều miễn phí. Sinh viên nghèo hoặc đang trong giai đoạn khó khăn về tài chính đều có thể đến khu thư viện tự học của sinh viên để nhận được sự hỗ trợ từ Góc sẻ chia.

Trong khuôn viên chừng 70m² của khu tầng hầm, Góc sẻ chia tồn tại như một “siêu thị mini” miễn phí. Các kệ bày nhu yếu phẩm và thực phẩm được sắp xếp gọn gàng, quy củ, dễ tìm kiếm. 

Không những vậy, Góc sẻ chia còn có cả tủ lạnh, bình nấu nước sôi để sinh viên tự phục vụ mì gói hay pha sữa nóng tại chỗ. “Mình đến đây mới là lần thứ hai thôi nhưng cảm thấy chỗ này rất tốt. Nghe nhiều bạn nói về Góc sẻ chia nên mình cũng muốn thử. Mỗi khi không tiền thì vào đây ăn, đỡ hơn rất nhiều ”, bạn Nguyễn Quốc Thái, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật chia sẻ.

Phát cơm miễn phí cho sinh viên vào mỗi thứ năm hằng tuần (ảnh của fanpage Góc sẻ chia UTE).

Tìm hiểu về nguồn căn ra đời của “siêu thị mini” miễn phí này, chúng tôi được biết xuất phát từ tấm lòng của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường. 

Ông Dũng cho biết ông biết thực tế nhiều sinh viên gặp khó khăn khi học tập xa nhà, đến cuối tháng thường đối mặt với tình trạng “viêm màng túi”. Từ tấm lòng và ý tưởng của lãnh đạo nhà trường, Góc sẻ chia ra đời và tồn tại tròn 1 năm, thực hiện đúng sứ mệnh sẻ chia của nó với các bạn sinh viên trong trường…

“Có một vài bạn nhận được hỗ trợ từ Góc sẻ chia, khi ra trường cũng quay lại cảm ơn chúng tôi, còn đặc biệt tặng vòng tay cho nữa. Nhận được món quà đó tôi thật sự bất ngờ. Không nghĩ những đóng góp nhỏ bé của mình lại có thể tác động đến tình cảm của các bạn nhiều như vậy. Rất cảm động”, chị Đoàn Đăng Huỳnh, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ sinh viên cho biết.

Từ thời gian đầu thành lập, Góc sẻ chia duy trì hoạt động của mình bằng sự đóng góp của các Mạnh thường quân cũng như các giảng viên trong trường. Không chỉ đóng góp bằng hiện vật, nhiều Mạnh thường quân còn “mạnh tay” chi một số tiền lớn vì… “thương các bạn sinh viên nghèo quá”. 

Có nhiều Mạnh thường quân âm thầm đóng góp cho Góc sẻ chia, thông qua dịch vụ chuyển khoản của ngân hàng mà không để lại tên. Nhiều sự hỗ trợ hiện vật còn đến từ các bạn sinh viên, những người từng thụ hưởng phúc lợi từ Góc sẻ chia hay cả những bạn chỉ vì đồng cảm mà tìm đến. Nhiều sinh viên trong và ngoài trường còn góp sức bằng cách đăng ký tham gia làm tình nguyện viên, cộng tác viên hỗ trợ cho hoạt động của Góc sẻ chia.

Vào thứ năm hằng tuần, Góc sẻ chia còn tổ chức phát cơm miễn phí cho các bạn sinh viên trong trường. Tuy số lượng suất cơm còn hạn chế so với thực tế số sinh viên nghèo đó chính là món quà tinh thần, động viên rất lớn đối với nhiều sinh viên đang trong hoàn cảnh khó khăn.

Góc trải nghiệm thực tế ảo do Samsung tài trợ.

Góc sẻ chia không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ thức ăn, quần áo mà còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm gánh bớt nỗi lo “cơm - áo - gạo - tiền” của sinh viên như gian cắt tóc, sửa laptop,… 

Các hoạt động này được tổ chức dưới hình thức cửa hàng, là một cách giúp sinh viên có được việc làm, giảm bớt rủi ro bị… lừa khi tìm việc bên ngoài cũng như có được một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Chính ý nghĩa nhân văn và cách làm phù hợp đó mà ngay cả dịp hè, Góc chia sẻ vẫn duy trì hoạt động và vẫn có sinh viên nghèo tìm đến. Điều quan trọng hơn hết – theo bộc bạch của nhiều sinh viên khi đến đây chính là họ cảm nhận thêm giá trị của chữ “tâm” mà những người thầy, Mạnh thường quân, các anh chị sinh viên đi trước,… dành cho. 

“Phải thực sự yêu thương, quý trọng cuộc sống này thì trong con người ta mới hình thành, nuôi dưỡng và biến tình cảm tốt đẹp của cá nhân mình thành một cái gì đó cụ thể, thiết thực để chia sẻ, giúp ích cho cộng đồng”, một sinh viên nghèo tâm đắc.

Hồng Nhi
.
.
.