Giáo viên phổ thông nói gì về phương án thi trắc nghiệm môn Lịch sử?

Thứ Năm, 15/09/2016, 08:56
Theo Dự thảo đổi mới thi THPT quốc gia, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tổng hợp một số môn thi thành bài tổ hợp trắc nghiệm. Trong đó, có hai bài thi tự chọn theo hình thức trắc nghiệm là Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Như vậy, môn Lịch sử sẽ được gộp cùng hai môn khác trong tổng thời gian thi 60 phút. Sự thay đổi này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ chính các giáo viên đã và đang giảng dạy môn Lịch sử trong các trường phổ thông.

Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Trần Huy Đoàn, nguyên giáo viên môn Lịch sử Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng: Việc áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn Sử là không phù hợp với mục tiêu đào tạo mà chính Bộ GD&ĐT đang đề xuất là phát triển năng lực của học sinh, đúng như tinh thần của Nghị quyết TW 29 đã đề ra.

Thực tế cho thấy, thi trắc nghiệm mới chỉ đánh giá được năng lực hiểu, biết chứ không đánh giá được khả năng vận dụng của học sinh - điều mà thi tự luận có thể giải quyết rất tốt.

“Tôi cảm giác rằng, dường như Bộ GD&ĐT có phần hơi vội vàng khi đưa ra phương án này khi chưa có sự tham khảo ý kiến của các cấp chuyên môn, nhất là Hội Khoa học Lịch sử. Trước đây, Hội cũng đã từng phản đối việc thi trắc nghiệm đối với môn Lịch sử” - thầy Đoàn cho biết. Cũng theo thầy Đoàn, cách thi sẽ quyết định việc dạy và học.

Đang có những ý kiến trái chiều xung quanh việc thi trắc nghiệm môn Lịch sử.

Nếu Bộ GD&ĐT vẫn kiên quyết áp dụng thi trắc nghiệm với môn Sử, các thầy, cô và học sinh cũng sẽ có cách học để thi đối phó và kết quả thi chắc chắn sẽ không thấp đi nhưng như thế là đi ngược lại với mục tiêu đào tạo. Do đó, thầy Đoàn khẳng định, Lịch sử dứt khoát phải thi tự luận.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng bày tỏ quan điểm, với cách thức thi trắc nghiệm 100% nội dung các môn thi (trừ Văn) như trong Dự thảo, Bộ GD&ĐT đã đi ngược với tiêu chí mà mình đang hướng tới trong việc dạy và học là “đánh giá năng lực” và “phát triển năng lực” đặc biệt là với môn Sử. Theo thầy Hiếu, từ một môn tự luận 180 phút trở thành 1 hợp phần trắc nghiệm 20 câu làm trong 30 phút.

Chưa thi nhưng 1 điều chắc chắn xảy ra nếu môn Sử thi trắc nghiệm là học sinh sẽ ngày càng ít chọn thi Sử hơn. Và nếu chỉ học để thi thì ra khỏi phòng thi, các em sẽ quên ngay những kiến thức vừa làm.

“Nguyên tắc vàng của khoa học Lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt vốn có của nó, để rút ra bài học kinh nghiệm, để yêu đất nước và có lòng tự tôn dân tộc nhiều hơn. Chủ quyền dân tộc thiêng liêng của chúng ta hiện, đã và đang bị đe dọa 1 cách nghiêm trọng.

Hơn lúc nào hết, những kiến thức và bài học lịch sử của cha ông cần được “hâm nóng” bằng môn Sử một cách đầy đủ với quan điểm, chính kiến, thái độ và trách nhiệm của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, kiến thức sử không thể được học và thi theo kiểu võ đoán, may rủi.

Chỉ có thể là hình thức thi tự luận với cấu trúc hợp lý, lưu lượng kiến thức vừa đủ, cùng thời gian làm bài phù hợp mới có thể đánh giá đầy đủ, đa diện và chính xác tư duy, trí tuệ của học sinh”- thầy Hiếu khẳng định.

Thầy Hiếu cho biết, Bộ GD&ĐT muốn thấy rõ về thực trạng và hệ lụy trước mắt của Dự thảo này thì xin hãy “vi hành” về các trường THPT, trực tiếp gặp gỡ các thầy cô giáo và học sinh lớp 12 sẽ rõ.

“Tôi bảo lưu quan điểm là phản đối hình thức thi trắc nghiệm 100% với môn Sử. Nếu có sự “thỏa hiệp” để chọn ra phương án tối ưu, tôi đề xuất tỉ lệ: Tự luận 70% và trắc nghiệm 30%. Có như vậy mới có thể phân hóa và đánh giá chính xác năng lực của học sinh ở nhiều cấp độ” - thầy Hiếu bày tỏ quan điểm.

Thầy Nguyễn Vũ, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Quốc học Huế lại đồng tình với phương án thi trắc nghiệm, kể cả môn Lịch sử mà Bộ GD&ĐT đang dự thảo với điều kiện là khâu ra đề thi chuẩn hóa.

Theo thầy Vũ, phương pháp thi trắc nghiệm đã được các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến áp dụng hàng chục năm nay. Phương pháp này chiếm ưu thế áp đảo đối với các cuộc thi khảo sát, đánh giá các kiến thức và kỹ năng cơ bản của học sinh trên diện rộng như thi THPT quốc gia.

Trong đó, với khoảng 30 câu hỏi trắc nghiệm sẽ đòi hỏi kiến thức của học sinh phải bao quát hơn so với dăm, ba câu hỏi của đề thi tự luận như cách thi chúng ta vẫn đang làm. Tất nhiên, cái khó nhất của thi trắc nghiệm là khâu ra đề thi.

“Nếu đề thi chuẩn hóa, có tính phân loại cao, khâu tổ chức thi tốt thì theo tôi thi trắc nghiệm sẽ là một giải pháp tối ưu. Chúng ta nên mạnh dạn đổi mới để tiệm cận với các nước phát triển” - thầy Vũ cho biết.

Liên quan đến đề xuất của một số giáo viên về phương án 70% tự luận và 30% thi trắc nghiệm đối với môn Lịch sử, thầy Vũ cho rằng: “Đã đổi mới là phải mạnh dạn và dứt khoát, không nên nửa nạc nửa mỡ.

Chúng ta đã đi sau các nước có nền giáo dục phát triển khá xa rồi, không nên chậm trễ để tụt về phía sau thêm nữa. Mặt khác, việc đan xem cả thi tự luận lẫn trắc nghiệm sẽ ảnh hưởng, thậm chí là mâu thuẫn trong phương pháp dạy và học”...

Huyền Thanh
.
.
.