Giao trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm có hạn chế được gian lận?

Thứ Hai, 06/05/2019, 08:07
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành quyết định về việc giao nhiệm vụ cho các trường đại học (ĐH) phối hợp với các Sở GD&ĐT để tổ chức thi THPT quốc gia năm 2019.

Điểm thay đổi đáng chú ý nhất trong kỳ thi năm nay là việc chấm thi trắc nghiệm tại 63 cụm thi trên cả nước đều do các trường ĐH chủ trì. Sự điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ tránh được “vết xe đổ” trong bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và mang lại kết quả tin cậy, khách quan và công bằng hơn.

Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng, việc giao chấm thi cho địa phương làm là một sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến tiêu cực như đã xảy ra tại một số địa phương. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh bằng cách giao việc chấm thi cho các trường ĐH chủ trì. Đây là một chủ trương đúng, giúp kết quả của kỳ thi đáng tin cậy hơn. 

Theo TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, Trường ĐH Thủy lợi, đơn vị được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Điện Biên, do khoảng cách địa lý từ Hà Nội lên Điện Biên xa gần 500km nên đây sẽ là một thử thách đối với nhiều cán bộ, giảng viên của trường. Tuy nhiên, nhà trường luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm đối với xã hội. 

Hiện trường đang lên kế hoạch phân công cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm, bao gồm những người đã có nhiều năm làm công tác chấm thi tại trường. Đồng thời, đây cũng là những cán bộ đã được tham gia các đợt tập huấn do Bộ GD&ĐT và nhà trường tổ chức.

Năm 2019, các trường ĐH sẽ chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại 63 cụm thi THPT quốc gia. (Ảnh minh họa)

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho biết: Với trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc chấm thi trắc nghiệm đã có nhiều kinh nghiệm từ thời “3 chung” nên không có bỡ ngỡ và khó khăn gì. Bên cạnh đó, các trường ĐH có tính độc lập cao, không chịu sức ép từ địa phương và không chịu tác động nào trong khi làm nhiệm vụ nên có thể yên tâm đảm bảo sự khách quan, công bằng. 

“Riêng với môn thi tự luận, do có đặc thù nên tất cả phải theo quy định chấm của Bộ GD&ĐT. Chúng ta không nên quá lo lắng việc giao cho địa phương chủ trì chấm thi tự luận vì các trường ĐH vẫn tham gia giám sát. Bên cạnh đó, quy chế thi cũng quy định có cả quy trình chấm thẩm tra nên những bài thi nào có chênh lệch điểm thi sẽ phát hiện ra ngay trong quá trình chấm lại”, PGS Bùi Đức Triệu cho hay.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ: Việc Bộ GD&ĐT giao việc chủ trì chấm thi cho các trường ĐH là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, do cả xã hội đang bức xúc về gian lận điểm thi năm 2018 nên năm nay các trường ĐH nhận nhiệm vụ với tâm lý khá căng thẳng. Tất nhiên, điều này cũng sẽ giúp các trường ĐH vào cuộc với sự thận trọng hơn, cố gắng không để xảy ra sai sót, tiêu cực dù nhỏ nhất. 

Cũng theo PGS Nguyễn Phong Điền, việc quan trọng nhất là khâu giám sát làm phách bài thi, quét bài thi gốc để chấm thì bộ phận cán bộ trường ĐH đều đã thực hiện nên sẽ khó có sự can thiệp từ địa phương. 

Bên cạnh đó, danh sách phân bổ trường ĐH nào phối hợp địa phương nào cũng được Bộ GD&ĐT đưa ra tương đối hợp lý. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở Thanh Hóa, một nơi đông thí sinh nhất nhì cả nước, là phù hợp do nhân lực của Bách khoa rất dồi dào. 

“Do kinh nghiệm chấm thi trắc nghiệm của các trường ĐH được phân công hiện nay chưa đồng đều nên Bộ GD&ĐT cần tăng cường tập huấn kỹ cho tất cả các trường tham gia, đặc biệt là một số trường ĐH chưa có nhiều kinh nghiệm”, ông Điền đề xuất. Đây cũng là kiến nghị của lãnh đạo một số trường ĐH trên địa bàn Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì chấm thi trắc nghiệm năm nay.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Trước mắt, việc giao các trường ĐH chủ trì chấm thi là phù hợp nhằm hạn chế tối đa gian lận như đã từng xảy ra trong năm 2018. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần tính tới các giải pháp theo tinh thần phân cấp cho địa phương, tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH và hiện đại hóa công tác đo lường trong giáo dục. 

Nói cách khác, Bộ GD&ĐT nên có chỉ đạo và đầu tư làm một ngân hàng đề thi đủ lớn, thử nghiệm khoảng 3 - 5 năm đảm bảo ổn định và chuẩn hóa rồi cung cấp cho các địa phương tự tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Còn việc tuyển sinh vào ĐH, tùy các trường có thể lấy kết quả kỳ thi THPT nếu họ tin tưởng, hoặc sử dụng đề thi do cơ quan khảo thí của Bộ cung cấp, hoặc kết hợp tuyển sinh bằng các hình thức khác.

Hùng Quân
.
.
.