“Giáo dục sớm” - Chìa khóa quan trọng cho tương lai của trẻ
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ “giáo dục sớm” trẻ em từ 0 đến 6 tuổi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐVN), cho thấy việc giáo dục trẻ những năm đầu đời là vô cùng quan trọng, góp phần quyết định tương lai cuộc đời của trẻ, nhằm thực hiện các quyền cơ bản của trẻ, góp phần tạo ra những công dân ưu tú, đảm bảo công bằng xã hội…
Nắm bắt “giai đoạn vàng”
Tại hội thảo khoa học toàn quốc “Giáo dục sớm phát triển năng lực trẻ em trong những năm đầu đời – Lý luận và thực tiễn” do Trung ương Hội GDCSSKCĐVN phối hợp cùng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) vừa tổ chức, nhiều kết quả nghiên cứu về “giáo dục sớm” đã được chia sẻ, công bố.
Giáo dục sớm giúp khơi dậy trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ. Ảnh minh họa: CTV. |
Theo Nhà giáo nhân dân, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐVN, Viện trưởng IPD, phát triển trẻ thơ toàn diện trong những năm đầu đời quyết định tương lai cả cuộc đời, bởi đây là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển cả thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, cũng như văn hóa, nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời. Sự phát triển toàn diện của trẻ thơ được bắt đầu từ khi còn là thai nhi cho đến 8 tháng tuổi, nhất là trong 3 năm đầu đời, đây là “giai đoạn vàng”, “cửa sổ cơ hội” của mỗi người.
“Ở giai đoạn này, trẻ rất dễ bị tổn thương, trừ phi có sự chăm sóc, giáo dục, tương tác tốt, phù hợp về thể chất và tinh thần, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, với hy vọng tạo ra những công dân ưu tú với thể lực cường tráng, trí tuệ vượt trội thông minh, có những tính cách, phẩm chất đạo đức và các kỹ năng sống phù hợp nhằm nâng cao tiềm lực, tầm vóc con người, góp phần bảo vệ sức khỏe, cải tạo giống nòi, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ.
Cũng theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, não bộ là cơ quan phát triển nhanh và mạnh nhất trong những năm đầu đời. Những gì trẻ có thể học được diễn ra trong 3 năm đầu. Khi não của trẻ không nhận được sự chăm sóc cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển đầu đời nhạy cảm và có nhịp độ nhanh, thì về sau, sẽ cần nhiều nỗ lực để giúp não của trẻ có thể phát triển đúng tốc độ, mà không đạt được kết quả tối ưu.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, cần thống nhất các yếu tố tác động đến sự phát triển của trẻ những năm đầu đời, đó là: Sức khỏe và dinh dưỡng, tương tác và kích thích, giáo dục sớm và an toàn, bảo vệ; trong đó giáo dục sớm sẽ giúp nâng cao kết quả học tập của trẻ, giảm tỉ lệ trẻ lưu ban. Hiện hầu hết các nước trên thế giới đều có những chương trình, chính sách đầu tư ưu tiên cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi.
Từ góc độ “giáo dục sớm” phát triển cảm xúc – xã hội cho trẻ khi sơ sinh đến khi 3 tuổi, TS.BS Phạm Thị Mai Chi, Phó Viện trưởng Viện IPD đã chỉ ra một nghiên cứu thú vị, đó là “cảm xúc của cha mẹ, đặc biệt là của người mẹ từ khi có thai ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách của trẻ sau này”.
Cha mẹ nào cũng mong muốn con khỏe mạnh, thông minh, do đó cha mẹ cần tận dụng “giai đoạn mẫn cảm” nhất của bộ não, giai đoạn các “cửa sổ cơ hội” để dành sự quan tâm giáo dục và chăm sóc một cách tốt nhất cho trẻ, thông qua cử chỉ vuốt ve, ôm ấp, mỉm cười, nói chuyện âu yếm với trẻ bằng các ngữ điệu khác nhau, khuyến khích trẻ phát âm. Cha mẹ nên hát ru con bằng những làn điệu dân ca, ca dao. Qua đó, trẻ sẽ cảm nhận được tấm lòng yêu thương của cha mẹ, học được cách cư xử trong cuộc sống. Khi trẻ được kề chạm với cha mẹ mình, trẻ sẽ có cảm giác yên tâm, an toàn, tin cậy.
Xây dựng môi trường giáo dục tràn đầy yêu thương
TS. Nguyễn Trọng Hậu, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, không phải yếu tố di truyền mà chính môi trường sống của gia đình, sự giáo dục sớm và hoạt động của trẻ mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển của trẻ. Giáo dục sớm không phải để tạo cho con trẻ trở thành thiên tài, mà chủ yếu giúp cho cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của giáo dục sớm, từ đó biết nuôi dạy con và có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giáo dục, giúp con cái mình có nền tảng phát triển vững chắc về thể chất và trí tuệ, nhân cách một cách phù hợp.
Theo TS. Nguyễn Trọng Hậu, phương pháp giáo dục sớm phù hợp với trẻ chính là: Xây dựng một môi trường giáo dục văn hóa tràn đầy tình yêu thương giữa cha mẹ và trẻ; khơi dậy sự quan sát, tìm tòi khám phá, tưởng tượng, sáng tạo của con trẻ; xác định một lộ trình phát triển hợp lý, lựa chọn cách thức kích hoạt phù hợp, giúp trẻ đạt kết quả tốt nhất; phối hợp tác động nhiều giác quan của trẻ để phát triển trí tuệ trên nền tảng đam mê, hứng thú cho trẻ…
Nghiên cứu của PGS.TS Trần Thành Nam và Ths. Nguyễn Viết Hiền, Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chỉ rõ thực trạng vấn đề “thai giáo” ở Việt Nam, các bà mẹ khi mang bầu thường quan tâm đến thông tin liên quan đến sự phát triển của thai kỳ, dinh dưỡng và sự vận động của người mẹ, mà chưa chú trọng nhiều đến giáo dục thai nhi. Từ đó, PGS Trần Thành Nam đề xuất cần vận dụng một số biện pháp “thai giáo” như: thai giáo ngôn ngữ, thai giáo âm nhạc, thai giáo vận động, thai giáo dinh dưỡng, nhằm phát triển tốt nhất cho thai nhi. Nói cách khác, “thai giáo” chính là phương pháp đem lại sự phát triển vượt trội cho thai nhi…