Giáo dục khó thu hút vốn ODA, nhiều dự án chậm tiến độ

Thứ Tư, 11/11/2015, 09:44
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong giai đoạn 2004-2014, Việt Nam đã thu hút được tổng số vốn ODA hơn 2,157 tỷ USD cho giáo dục, trong đó vốn vay chiếm khoảng 71,9%, vốn không hoàn lại chiếm khoảng 14,5% và 13,6% vốn đối ứng. Số vốn đầu tư vào giáo dục hiện nay rất khiêm tốn so với các lĩnh vực khác, và tốc độ giải ngân cũng rất chậm.

Trong giai đoạn này, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo thực hiện 26 dự án, gồm 10 dự án viện trợ không hoàn lại và 16 dự án vốn vay ưu đãi, với tổng kinh phí được phê duyệt là 1,925 tỷ USD, trong đó có 1,39 tỷ USD vốn vay. 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cũng quản lý 12 dự án thuộc lĩnh vực dạy nghề, gồm 6 dự án sử dụng vốn không hoàn lại và 6 dự án sử dụng vốn vay với tổng mức đầu tư ước tính đạt 232,27 triệu USD. 

Nhìn qua con số có thể thấy so với các lĩnh vực khác, số lượng dự án và tỉ lệ vốn ODA đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT còn khiêm tốn, chỉ khoảng 80 dự án cho cả giai đoạn 10 năm với tổng số vốn ký kết chiếm khoảng 3,5% tổng số vốn ODA của cả nước. Số vốn đầu tư đã ít, tốc độ giải ngân cũng rất chậm, nhiều dự án không đạt yêu cầu. 

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lũy kế giải ngân các dự án ODA đang thực hiện của giai đoạn này đạt khoảng 41,31% số vốn ký kết, thấp hơn so với tỉ lệ giải ngân trung bình của cả nước (khoảng 47%). Nhiều dự án, nhất là các dự án cung cấp trang thiết bị thí nghiệm, thực hành phục vụ cho công tác dạy và học có tỉ lệ giải ngân thấp, không đạt yêu cầu do khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai, thực hiện đấu thầu (năng lực nhà thầu yếu kém, thậm chí tại một số khu vực đặc biệt khó khăn còn không tìm được nhà thầu đáp ứng yêu cầu đề ra, dẫn tới không thể giải ngân dự án).

Việc quản lý dự án ODA thời gian qua cũng được Ủy ban đánh giá là còn nhiều bất cập. Thông tin về ODA chưa thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản, làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và gây khó khăn cho công tác dự báo, hoạch định, điều chỉnh chính sách thu hút vốn, khiến số vốn đầu tư đã thấp lại càng thấp. 

Việc thành lập quá nhiều ban quản lý dự án cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương, nhưng lại chưa quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, dẫn tới trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; làm gia tăng bộ máy và chi phí quản lý. Việc này thậm chí còn tạo nên tâm lý thụ động, trông chờ của các chủ dự án và ban quản lý dự án thành phần, kiểu “cha chung không ai khóc”. 

Cần phải chủ động hơn trong thu hút vốn đầu tư vào giáo dục thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách.

Một số cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án thành phần chưa quan tâm chỉ đạo sát sao đối với ban quản lý dự án, dẫn đến vướng mắc tại dự án thành phần không được giải quyết một cách kịp thời, dứt điểm. Báo cáo cũng đánh giá năng lực thực hiện dự án của các ban quản lý, nhất là các ban quản lý của địa phương còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp. 

Đội ngũ của các ban này chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm hoặc làm hợp đồng, kinh nghiệm thực hiện dự án còn ít, nhất là về  xây dựng và đấu thầu; trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc… ảnh hưởng lớn đến khả năng phối hợp quản lý dự án, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và triển khai các hoạt động của dự án.

Đáng chú ý nhất là việc chậm tiến độ, mặc dù các dự án đều có kế hoạch, lộ trình, phân kỳ thực hiện cụ thể, dẫn đến tình trạng phổ biến là phải gia hạn thực hiện. Một số dự án lớn chậm tiến độ có thể kể đến như dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc; dự án xây dựng Trường Đại học Việt - Đức, hay dự án xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (từng bị đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt), và không loại trừ khả năng hủy bỏ khoản vay cho dự án. 

Nguyên nhân của việc này là do phạm vi triển khai các dự án rộng, nhất là đối với các dự án giáo dục phổ thông, và được thực hiện chủ yếu tại các địa phương khó khăn, năng lực thực hiện, cơ sở thụ hưởng còn hạn chế dẫn đến chậm trễ triển khai.

Quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, thường từ 4 đến 5 năm mới hoàn thành được thủ tục, dẫn đến thực tế trớ trêu là khi được phê duyệt và đưa vào thực hiện thì một số nội dung của dự án đã lạc hậu, đặc biệt là các dự án hỗ trợ thiết bị, công nghệ, dẫn đến phải điều chỉnh. 

Đáng nói ở chỗ là quy trình điều chỉnh cũng rườm rà nên có những dự án sau khi được phép điều chỉnh thì cũng hết thời hạn thực hiện, phải xin gia hạn. Vậy nhưng, thủ tục gia hạn dự án về phía Việt Nam cũng lại không… đơn giản, gần như phải xây dựng một dự án mới.

Tính bền vững, hiệu quả của các dự án rất thấp khi nhiều địa phương còn chậm trễ đưa trang thiết bị, đồ dùng dạy học vào sử dụng, công tác vận hành, bảo quản, duy tu, bảo dưỡng các công trình, trang thiết bị được đầu tư còn chưa tốt do nhiều nơi chưa bố trí được kinh phí hằng năm,…

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng dự báo, do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên vốn ODA sẽ giảm; lĩnh vực GD&ĐT lại chưa phải là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong sử dụng vốn ODA, trong khi tính hiệu quả của các dự án khó quan sát và đánh giá hơn so với các lĩnh vực khác nên ít thu hút được sự quan tâm của các nhà tài trợ. Nhiều địa phương hiện có tâm lý trông chờ vào ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục. Trong bối cảnh ngân sách như hiện nay, đầu tư vào lĩnh vực này thời gian tới sẽ rất khó khăn.

Vũ Hân
.
.
.