Giáo dục Việt Nam có thực sự vượt Mỹ, Australia?

Thứ Sáu, 15/05/2015, 07:00
Theo tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 12/76 quốc gia trong bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng giáo dục Toán và Khoa học, vượt qua cả Mỹ, Australia. Đây thực sự là một tin vui cho ngành Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục “khó tính” lại cho rằng, khách quan mà nói, kết quả xếp hạng này chưa đánh giá được tổng thể nền giáo dục Việt Nam.

Theo OECD,  bảng xếp hạng trên được dựa trên kết quả kiểm tra tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy có sự tương quan giữa giáo dục và phát triển kinh tế. Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Anh chỉ đứng thứ 20, trong khi Mỹ xếp ở vị trí 28. Trong đó, tiêu chí xếp hạng dựa trên điểm Toán và Khoa học của các học sinh ở độ tuổi 15 tại các nước và vùng lãnh thổ, không phân biệt các nước phát triển và đang phát triển trong đánh giá.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh Hà Nội cho biết: Khi đánh giá chất lượng giáo dục phải tổng thể và bao quát nhiều góc độ, như chất lượng giảng dạy, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm... Trong khi đó, tại bảng xếp hạng này, OECD chỉ dựa vào hai căn cứ là điểm Toán và Khoa học của học sinh ở độ tuổi 15. Điều này chưa bao quát được hết nền giáo dục của một nước.

Học sinh Việt Nam luôn đứng thứ hạng cao trong các cuộc thi quốc tế về khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa

Cũng theo phân tích của PGS Văn Như Cương, tại các nước trên thế giới việc đi thi chỉ là thi, không qua ôn luyện tại các trường, trung tâm. Còn ở Việt Nam đã đi thi phải ôn luyện. Ví dụ: Để vào đội tuyển thi Olympic quốc tế, học sinh phải qua các kỳ thi chọn lọc và được ôn luyện từ cấp trường lên đến Trung ương. Như vậy, kết quả này rõ ràng cũng chưa đánh giá được chất lượng giáo dục Việt Nam bởi mới chỉ nhìn nhận được một khía cạnh mà chưa bao quát được hết chất lượng nền giáo dục Việt Nam. Hiện nhiều sinh viên của chúng ta ra trường không xin được việc làm và đại bộ phận những sinh viên ra trường có việc làm đều phải đào tạo lại. Ngoài ra, học sinh các nước trên thế giới rất tự tin, còn học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài vẫn còn rụt rè. Một phần nguyên nhân là do giáo dục, chưa tạo được cho học sinh, sinh viên tư thế làm chủ, tự tin và những kỹ năng khác. 

“Chúng ta chỉ nên xem đây là một tin vui nhằm động viên tinh thần hơn là quá thỏa mãn, tự hào về nó. Nếu Việt Nam tin tuyệt đối vào những điều này, đổi mới giáo dục làm gì nữa? Đã xếp tận hạng đấy, chẳng cần đổi mới giáo dục chỉ tốn tiền, mà cứ từ từ tiến lên thôi"- PGS Cương bày tỏ quan điểm.

Thầy Nguyễn Thế Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cũng cho rằng: Bản thân ông rất phấn khởi trước thông tin này. Bởi theo thầy Đại thì từ lâu dân tộc Việt Nam đã được đánh giá là dân tộc có tư chất thông minh. Bằng chứng là tại nhiều kỳ thi quốc tế về các môn khoa học tự nhiên, các đội tuyển của Việt Nam thường được xếp thứ hạng cao. Bên cạnh đó, với các môn thể thao cần sự khéo léo, trí tuệ chúng ta cũng rất thành công.

Tuy nhiên, thầy Đại cũng bày tỏ sự thận trọng khi cho rằng, kết quả đánh giá này chỉ mới căn cứ vào một số tiêu chí nên nó chưa thể phản ánh được đầy đủ, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Do vậy, chúng ta chỉ nên coi đây là kết quả của một cuộc “chơi” trí tuệ, không nên ngộ nhận, đạt kỳ vọng và đầu tư quá mức cần thiết cho một cuộc chơi. Trước mắt, giáo dục Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục đổi mới.

Huyền Thanh
.
.
.