Giảm điểm ưu tiên khu vực có giải quyết được bất cập trong xét tuyển đại học?

Thứ Hai, 26/02/2018, 09:00
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2018 là việc điều chỉnh chính sách cộng điểm ưu tiên. Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ giảm một nửa điểm ưu tiên giữa các khu vực so với quy định hiện hành.

Sự điều chỉnh này được xem là một trong những giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong các mùa tuyển sinh năm trước. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, cần thận trọng trước khi điều chỉnh, thay vào đó, các trường hãy chủ động đa dạng các phương thức tuyển sinh thì mới có thể đẩy lùi triệt để bất cập.

Tại khoản 5 Điều 7 về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2018 quy định, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (thay vì chênh lệch như hiện nay là 0,5 điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.

Như vậy, điểm ưu tiên khu vực cao nhất sẽ là 0,75 điểm dành cho thí sinh khu vực 1. Điểm ưu tiên cho thí sinh khu vực 2 nông thôn, khu vực 2 lần lượt là 0,5 và 0,25 điểm; tức  giảm một nửa so với quy định hiện hành. Theo các chuyên gia giáo dục, việc giảm khoảng cách điểm ưu tiên giữa các khu vực từ 0,5 xuống 0,25 là phù hợp và có thể khắc phục những bất cập trong mùa tuyển sinh năm trước.

Đơn cử như việc học sinh đạt 30 điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 do không được cộng điểm ưu tiên. Hay như việc cùng một trường THPT tại Hà Nội nhưng đóng trên hai địa bàn khác nhau nên học sinh lại được hưởng điểm ưu tiên khu vực khác nhau dẫn đến kết quả trúng, trượt khác nhau.

Để giải quyết tận gốc các bất cập, các trường cần chủ động cải cách việc tuyển sinh đại học.

Đặc biệt, theo thống kê của một số trường ĐH có nhóm ngành hot như ngành bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội, trong  số 501 thí sinh trúng tuyển vào Y đa khoa của trường năm 2017, không có thí sinh nào đến từ lớp chuyên sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, ngôi trường nổi tiếng cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia và quốc tế vì các thí sinh này “thua” các học sinh khác do không có điểm ưu tiên khu vực.

TS. Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương rút ngắn khoảng cách ưu tiên giữa các khu vực như Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong dự thảo về chính sách điểm cộng ưu tiên trong tuyển sinh đại học.

Theo ông Lâm, nếu tuyển sinh vào đại học mà vẫn còn hiện tượng học trò được cộng quá nhiều điểm ưu tiên thì sẽ tạo ra sự mất công bằng đối với các thí sinh không được cộng điểm.

Còn theo TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Tây (Hà Nội): Thực tế cho thấy, có quá nhiều khó khăn để các đối tượng khu vực vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận việc học đại học.

Chính sách cộng điểm theo khu vực và diện ưu tiên đầu tiên ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này của xã hội. Điều đáng nói là Việt Nam không phải là nơi duy nhất có những chính sách này. Ngay tại nước Mỹ, các sắc dân thiểu số cũng vẫn có chính sách hỗ trợ để tiếp cận các bậc đại học dễ dàng hơn.

Tuy vậy, bất cập cộng điểm nảy sinh trong mùa tuyển sinh 2017 khi ở những ngành hot như Công an, Y khoa, học sinh khu vực 3 (thuộc các quận nội thành tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng) không thể được nhập học khi mà điểm chuẩn đã lên mức từ 29,75 đến 30,25. “Chính sách cộng điểm ưu tiên vẫn là cần thiết. Và việc làm sao để không tước đi cơ hội học tập tại những ngành hot của các thí sinh giỏi khu vực 3 cũng là điều cần thiết.

Để giải quyết được vấn đề trên, ngoài việc rút ngắn khoảng cách điểm ưu tiên giữa các khu vực, đối với các ngành hot, các trường cũng nên dành 50% chỉ tiêu đầu tiên cho những thí sinh có điểm cao nhất (không cộng điểm ưu tiên), 50% còn lại dành cho những thí sinh chưa đạt điểm chuẩn được phép cộng điểm ưu tiên để thi đấu với nhau”, ông Minh đề xuất.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT lại cho rằng: Cần thận trọng với việc giảm điểm ưu tiên. Lý do là những bất cập trong chính sách cộng điểm ưu tiên trong mùa tuyển sinh năm 2017 mới chỉ là hiện tượng, chưa đủ bao quát đó là bản chất.

Theo ông Khuyến, để có những thông số khoa học, đáng tin cậy, cần có khảo sát diện rộng về vấn đề này bởi việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo học sinh.

Phân tích sâu hơn về hiện tượng thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt nguyện vọng 1 ở những ngành hot trong mùa tuyển sinh năm 2017, ông Khuyến cho rằng, nguyên nhân không hẳn là do điểm ưu tiên mà chủ yếu là ở phương thức tuyển sinh của các trường chưa linh hoạt, hợp lý.

“Thực tế cho thấy, nếu tuyển sinh chỉ dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì chỉ phù hợp với trường tốp giữa hoặc tốp dưới. Còn đối với trường tốp trên hoặc các ngành hot, ngành năng khiếu thì không phù hợp. Trong trường hợp này, các trường nên tổ chức thi 2 lần. Vòng 1 sơ tuyển vẫn cộng điểm ưu tiên (vòng này có thể tuyển gấp đôi chỉ tiêu ); vòng 2 tuyển để lấy theo chỉ tiêu thì không cộng điểm ưu tiên. Đề thi vòng 2 này do trường quyết định. Nếu làm theo cách thức đó, chắc chắn sẽ không còn chuyện thí sinh 30 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 như đã từng xảy ra”, ông Khuyến đặt vấn đề.

 Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, cũng nêu quan điểm: Muốn khắc phục vẹn toàn những mâu thuẫn, bất cập như đã xảy ra trong các mùa tuyển sinh trước, chỉ có cách là các trường phải chủ động cải cách cách thức thi tuyển sinh đại học.

Ngoài việc xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia, cũng nên kết hợp tổ chức thi tuyển thông qua hồ sơ, phỏng vấn, viết bài luận hoặc thông qua kỳ khảo sát đánh giá năng lực.

Khi đó, sẽ không còn sự ưu tiên vùng miền nữa nhưng trường ĐH vẫn có thể căn cứ vào hồ sơ, vào bài luận, phỏng vấn mà có sự “ưu ái” nhất định đối với những học sinh vượt qua được nghịch cảnh và có khát vọng mãnh liệt muốn vươn lên trong học tập, cuộc sống, có lòng yêu nghề.

Huyền Thanh
.
.
.