Chuyên gia nói gì về kỳ thi THPT quốc gia?

Chủ Nhật, 16/07/2017, 08:52
Có những người còn đề xuất bỏ thi tốt nghiệp để tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước. Cần phải làm gì để kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 hiệu quả hơn?

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã kết thúc với nhiều nhận định khác nhau. Người lạc quan thì cho rằng, kỳ thi đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Trong khi đó, vẫn có những người chưa thực sự yên tâm về kết quả của kỳ thi khi cho rằng, chưa đạt được cả mục tiêu công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học khi điểm thi năm nay quá cao, đặc biệt là số lượng điểm 10 đã lên đến hơn 4.200.

Có những người còn đề xuất bỏ thi tốt nghiệp để tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước. Cần phải làm gì để kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 hiệu quả hơn? Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ trao đổi thẳng thắn với TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban hỗ trợ tuyển sinh Hiệp hội các trường đại học -  cao đẳng Việt Nam về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017?

TS. Lê Viết Khuyến: Kỳ thi này xã hội quen gọi là kỳ thi “hai trong một”. Tuy nhiên, gọi như thế là không chính xác. Tên gọi chính thức và chính xác là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Lý do từ năm 2016 đến nay không có kỳ thi tuyển sinh vào đại học (ĐH) mà chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, căn cứ theo điều 34 của Luật Giáo dục ĐH, cho phép các trường tự quyết định phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Trong đó, việc xét tuyển có thể dựa trên kỳ thi THPT quốc gia hoặc xét kết quả học tập qua học bạ. Tức là ở đây, đã tách ra thành hai công việc. Công việc vừa rồi Bộ GD&ĐT và các địa phương đã hoàn thành là tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Công việc tiếp theo là tuyển sinh ĐH, việc này tùy thuộc vào các trường, Bộ GD&ĐT chỉ có vai trò hỗ trợ chứ không làm thay các trường ĐH.

TS Lê Viết Khuyến.

PV: Thưa ông, với một kỳ thi THPT quốc gia mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của hầu hết các địa phương đều đạt gần 100%, liệu kỳ thi có đạt mục tiêu hay không?

TS Lê Viết Khuyến: Vấn đề ở chỗ là đề thi ra như thế nào để kết quả tốt nghiệp THPT phù hợp, phản ánh đúng tình hình thực tế. Khi làm chương trình giáo dục cho từng môn học, Bộ GD&ĐT bao giờ cũng ban hành chuẩn đầu ra cho môn học đó.

Về nguyên tắc, để đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra, tất cả các môn học đều phải đánh giá, thông qua việc tổ chức thi và đạt 5 điểm trở lên theo thang điểm 10 mới đạt yêu cầu. Điều này đòi hỏi, độ khó của đề thi giữa các năm phải tương đương như nhau.

Từ đó, xuất hiện kỳ thi tiêu chuẩn và đề thi tiêu chuẩn, thường được ra dưới hình thức trắc nghiệm khách quan. Kỳ thi THPT năm 2017 được gọi là kỳ thi tiêu chuẩn. Vậy đề thi đã đạt được tiêu chuẩn hay chưa?

Để nhìn nhận đề thi có đạt tiêu chuẩn hay không, phải dựa vào phổ điểm. Phổ điểm dạng hình chuông úp xuống, đều cả 2 bên thể hiện tính chuẩn mực của đề thi và là dấu hiệu chỉ ra đó là đề thi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhìn qua phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2017 cho thấy, phổ điểm hầu hết các môn thi đều không đạt đối xứng, thậm chí là méo mó.

Đơn cử như môn Giáo dục công dân, đỉnh phổ điểm lệch hẳn về bên phải, trong khi đó, môn Tiếng Anh lại lệch về bên trái. Từ đó cho thấy, mặc dù bộ phận làm đề thi năm nay đã rất nỗ lực, cố gắng song để đề thi đạt tiêu chuẩn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa và đề thi phải được thử nghiệm trên số lượng học sinh lớn hơn bởi nếu đề thi thực sự chuẩn hóa, sẽ không xảy ra tình trạng gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.

PV: Theo ông, với một kỳ thi tiêu chuẩn và đề thi chuẩn hóa, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hợp lý sẽ nằm ở mức bao nhiêu phần trăm?

TS. Lê Viết Khuyến: Tỷ lệ tốt nghiệp của kỳ thi tiêu chuẩn với đề thi thực sự chuẩn hóa là có khoảng 70-80% thí sinh đạt chuẩn. Đây cũng là tỷ lệ phổ biến tại các nước áp dụng đề thi chuẩn hóa. Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi với kết quả đó, các em sẽ có thêm động lực học tập để vượt qua kỳ thi.

PV: Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể “kéo” tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vốn được xem là “ảo” từ nhiều năm nay về đúng với tình hình thực tế, nếu như chúng ta tổ chức được kỳ thi tiêu chuẩn với đề thi chuẩn hóa, thưa ông?

TS Lê Viết Khuyến: Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Vấn đề là chúng ta có thực sự muốn làm hay không vì bệnh thành tích đã ăn sâu, bám rễ quá lâu rồi.

PV: Không chỉ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao, việc xuất hiện quá nhiều điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua cũng đã khiến không ít người tỏ ra hoài nghi về kết quả của kỳ thi. Theo ông, lo ngại trên là có cơ sở?

TS Lê Viết Khuyến: Do năm nay phương thức thi thay đổi, việc thi trắc nghiệm theo đề thi tiêu chuẩn nên số lượng điểm 10 tăng lên cũng là dễ hiểu.

Với gần 6 triệu bài thi và chỉ có khoảng hơn 4.000 điểm 10 như năm nay cũng không phải là một tỷ lệ quá cao. Điều này không phải là dị thường mà chỉ là khác thường một chút. Với đề thi chuẩn hóa, phổ điểm phân bố theo hình chuông, tỷ lệ điểm tuyệt đối sẽ cao lên.

Ở các nước thi trắc nghiệm cũng thế, số lượng điểm 10 cao hơn so với thi tự luận. Tuy vậy, trong trường hợp nếu số lượng điểm 10 tăng lên quá đột biến thì cũng có nghĩa là đề thi vẫn chưa thực sự chuẩn hóa.

PV: Ông nghĩ sao khi nhìn vào số lượng điểm 10 năm nay, một số người cho rằng, chất lượng giáo dục đột ngột thay đổi chỉ sau một năm là phi thực tế và hoàn toàn... ảo?

TS Lê Viết Khuyến: So sánh như thế là khập khiễng vì thước đo của hai kỳ thi là khác nhau. Khách quan mà nói, hiện chưa thể đưa ra được kết luận chính xác, rõ ràng về kỳ thi năm nay vì một số yếu tố kỹ thuật chưa đạt được, phổ điểm một số môn cũng chưa thể hiện được là đề thi tiêu chuẩn.

Tuy vậy, việc nhìn vào điểm số để hoài nghi chất lượng của kỳ thi cũng là điều không nên. Tất nhiên, nếu nói một cách công bằng, hình thức thi nào cũng có những ưu điểm và hạn chế song thi trắc nghiệm phù hợp với kỳ thi có số lượng thí sinh đông như thi THPT quốc gia, còn thi với số lượng ít và đòi hỏi chất lượng cao như học sinh giỏi, không ai thi theo trắc nghiệm.

PV: Trước kết quả gần như tuyệt đối của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, nhiều ý kiến cho rằng thi mà gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp thì bỏ thi luôn đi cho đỡ tốn kém. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

TS Lê Viết Khuyến: Thực tế có một số nước đã bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Thay vì tổ chức thi, họ đánh giá kết quả học sinh sau 12 năm học, căn cứ vào bảng điểm.

Để làm được điều này, mức độ đánh giá của các trường là phải giống nhau, tương đương nhau, tức là toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông đã được kiểm định, gắn chặt với chuẩn đầu ra, hoàn toàn không có chuyện trường này đánh giá lỏng còn trường kia đánh giá chặt.

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thả lỏng hoàn toàn cho các trường thì các địa phương sẽ đua nhau giữ thành tích, chắc chắn sẽ gây rối loạn và bất ổn. Do vậy, nếu muốn bỏ thi tốt nghiệp thì buộc phải có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa chất lượng bám chặt vào chuẩn đầu ra.

Trong khi đó, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của chúng ta hiện đang mới làm ở bậc đại học, phổ thông chưa biết đến bao giờ. Do vậy, giải pháp tối ưu hơn cả là nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia bằng cách tiếp tục hoàn thiện đề thi đạt được mức độ chuẩn hóa thực sự. Bởi khi đề thi chuẩn hóa thì hoàn toàn có thể yên tâm vào kết quả thực chất của kỳ thi.

PV: Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2020, thi tốt nghiệp sẽ do các trường tự xét. Theo ông, điều nay liệu có khả thi?

TS. Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng, ý tưởng này có phần hoang đường. Thử hỏi, chỉ còn hơn 2 năm nữa là đã đến năm 2020, với thời gian ngắn như thế làm sao Bộ GD&ĐT hình thành được hệ thống kiểm định giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa chất lượng và dẹp bỏ được bệnh thành tích vốn ăn sâu nhiều năm trong giáo dục Việt Nam. Nếu chưa làm được những chuyện đó thì khoan vội nói đến chuyện bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

PV: Theo ông, việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm nay để xét tuyển ĐH có đạt được mục tiêu hay không?

TS. Lê Viết Khuyến: Có thể đạt được mục tiêu xét tuyển ĐH đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới.

Với các trường top đầu, có thể chưa đạt được mục tiêu nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ để lựa chọn học sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình. Việc này không ai cấm các trường.

Những trường đẳng cấp nên có 2 đợt xét tuyển. Sơ tuyển là lấy kết quả thi THPT quốc gia, sau đó chọn ra số lượng cần đủ để tổ chức thêm kỳ thi phụ. Ở các nước phát triển hiện nay đều làm như thế.

Do vậy, các trường top đầu, có thương hiệu cũng nên xét tuyển theo hướng này để đảm bảo chất lượng đầu vào xứng đáng với thương hiệu và sứ mệnh của mình.

PV: Để tránh tình trạng “trường ăn không hết, trường lần chẳng ra” trong bức tranh tuyển sinh ĐH  hiện nay, theo ông, ngành Giáo dục cần phải làm gì?

TS. Lê Viết Khuyến: Muốn đảm bảo yêu cầu trên, Bộ GD&ĐT phải áp dụng một loạt các chính sách. Thứ nhất, tiến tới xây dựng đề thi tiêu chuẩn thực sự, phổ điểm các môn thi phân hóa chuẩn để đảm bảo kết quả tin cậy.

Thứ hai, để đảm bảo công bằng, khâu quản lý giám sát thi tại các địa phương phải chặt chẽ hơn bằng cách tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cũng như sự giám sát xã hội, đặc biệt là báo chí.

Thứ ba, Bộ phải định ra điểm sàn chỉ cho các trường top trên, trường đẳng cấp như các nước tiên tiến đang làm bởi thực tế tại Việt Nam có hệ thống các trường trọng điểm quốc gia, song các trường này vẫn “tận thu” tuyển sinh cả hệ cao đẳng, trung cấp một cách lộn xộn, vơ vét, tuyển sinh lấn sân sang thí sinh của các trường top dưới.

Thứ tư, phải điều tra tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm một cách công khai, thường xuyên. Trường nào tuyển sinh ít, tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp phải giảm chỉ tiêu đầu vào.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.