GS Hồ Ngọc Đại: Tôi không "chấp" những người không biết gì mà nói!
Nói về những ý kiến tranh luận trên mạng xã hội thời gian qua, GS Hồ Ngọc Đại tâm sự nhiều người chỉ trích ông nhưng có làm được gì đâu? Trường thực nghiệm vẫn tồn tại. Việc lên tiếng trước dư luận chỉ làm mọi chuyện thêm phức tạp. Những người không biết gì mà nói, ông sẽ không “chấp”.
“Tôi là nhà tâm lý học khoa học trẻ em mà người ta nói tôi không hiểu tâm lý. Nhiều người lấy những câu chữ vớ vẩn để phê phán tôi”, ông Đại chia sẻ. Thậm chí, nhiều nhà ngôn ngữ học chính thống cũng chỉ nói những trò chơi chữ nghĩa trong các cuộc thi với nhau, còn điều quan trọng là ngôn ngữ học hàng ngày. Khi 100% học sinh đi học, các em cần được nói và nghe ngôn ngữ của cuộc sống mỗi ngày.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ về sách công nghệ giáo dục ngày 8-9 |
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định trong số tất cả công trình của mình, sách Công nghệ Giáo dục Tiếng Việt lớp 1 do ông chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông. Đó là niềm an ủi vì đã thể hiện được tư tưởng, triết học và tâm lý học.
Học sinh 6 tuổi học sách Công nghệ Giáo dục Tiếng Việt lớp 1 sau một năm, chữ nào chắc chắn chữ đó nên không thể tái mù chữ. Người trưởng thành, hay học sinh cấp hai, cấp ba nếu viết sai thì do thầy, cô dạy sai.
“Có một câu chuyện giáo viên kể lại cho tôi, một bí thư xã nói con ông đang học sách Công nghệ Giáo dục lớp 1. Gần Tết, cháu muốn xin nghỉ học, người cha nói nếu con viết được đơn xin nghỉ, ông sẽ đồng ý. Sau đó, con viết được ngay một lá đơn, người cha mừng quá. Sau khoảng 4-5 tháng, học sinh có thể viết được những điều mình mong muốn”, ông Hồ Ngọc Đại kể.
Chia sẻ về công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: "Tôi làm giáo dục và bắt đầu xây dựng từ nhỏ đến lớn. Tôi là người có ý thức xây dựng lý thuyết về giáo dục. Tôi có bộ sách viết về giáo dục nhất quán từ đầu đến cuối. Năm 1968 khi sang Liên Xô chứng kiến cuộc nổi loạn của sinh viên, những đổi mới thất bại trong giáo dục.
Tôi cho rằng những cái cũ kỹ trong giáo dục chắn chắn thất bại. Một nền giáo dục mới sẽ thành công. Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục chưa từng có, để cho mỗi cá nhân trong xã hội trở thành chính nó, chứ không phải là bản sao của riêng ai".
Cũng theo GS Hồ Ngọc Đại, sứ mạng của giáo dục: "Cần phải cho trẻ em được những thành tựu mới nhất - chưa từng có và thừa hưởng và tận dụng những thành tựu đã có". "Cho nên tôi luôn nói với các cô giáo của tôi và nhiều bậc phụ huynh là phải thua con mới dạy được con. Trẻ con làm gì cũng có lý của nó. Mình phải căn cứ vào lý của nó để có cách dạy hợp lý", ông nói.
"Cuộc đời tôi xong rồi, nhưng tôi muốn đất nước này có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con", giáo sư bày tỏ. Đồng thời ông cũng khẳng định việc xây dựng trường Thực nghiệm là việc làm có ý nghĩa và trách nhiệm nhất mà ông đã làm cho đất nước.
GS. Hồ Ngọc Đại giữa "vòng vây" người xin chữ ký |
Là tiến sĩ tâm lý đầu tiên ở Việt Nam, GS. Hồ Ngọc Đại cho rằng: “Cuộc đời trẻ em rất hay, có sự sống riêng của nó. Phải dùng cái tích cực của cuộc sống để giảng dạy, không thể dùng sự ảo tưởng của người lớn mà áp đặt lên các em.”
Tác giả của Công nghệ giáo dục cho biết: "Tiếng Việt của chúng ta có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Trẻ em ngày xưa 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói hay nhưng vẫn viết sai chính tả. Lớp 10 viết sai, đại học viết sai. Nhưng tôi dạy trẻ con học hết lớp 1 ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, miễn 6 tuổi chỉ cần học với tôi 1 năm sẽ đọc thông, viết thạo. Viết ra đọc được, đọc ra viết được mà không sai chính tả”.
Trò chuyện với người viết bài này, vị giáo sư khả kính cũng cho biết, ông chỉ học ở những người đã nghiên cứu thành công ở mặt lý thuyết và học mỗi người một chút, rồi sử dụng theo cách của mình, chứ không có gì gọi là sáng tạo khoa học cả: “Những người đi trước chỉ đi nửa chừng, còn tôi dấn thêm một bước nữa, đưa vào cuộc sống chứ không còn là lý thuyết nữa".
"Ví dụ mọi người nói “ăn cơm đi” một cách chung chung với trẻ, còn tôi dạy cho trẻ ăn như thế nào, cách cầm đũa, cầm bát ra sao vv… Tôi không giỏi hơn ai cả, chỉ là tôi tuyến tĩnh hóa nó, đơn giản nhất và chắc chắc nhất, còn các vị mô tả bằng một cấu trúc không gian. Vì thế họ nói tôi cực đoan, không cho sáng kiến. Chỉ những người hiểu biết mới thấy được bản chất vấn đề.” – Ông cho hay.
GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định tương lai của Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn, vì đây là công trình mang tính lịch sử chứ không phải là sản phẩm của cá nhân ông. Từ khi triển khai đến nay, ông hài lòng về chất lượng mà nó đạt được.
Với câu hỏi của PV Báo CAND về việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh SGK đăng hình ảnh con dơi, nhưng lại chú thích là “con rơi”, hay bài toán dành cho trẻ kiểu “bàn tay có 5 ngón, chặt một ngón hỏi còn mấy ngón”, mà nhiều người cho là của SGK Côn nghệ giáo dục, GS. Hồ Ngọc Đại vô cùng bức xúc: “Sách của Công nghệ giáo dục không thể có những thứ nhảm nhí và sai sót như vậy!”