Đừng bị lừa trước lời quảng bá “có cánh” của các “trường quốc tế”

Thứ Ba, 10/09/2019, 09:34
Tại TP HCM, ngay sau khi vụ việc tại Trường Quốc tế Gateway xảy ra, trên cổng thông tin điện tử của mình, Sở GD-ĐT thành phố đã công bố danh sách 21 trường có yếu tố nước ngoài được Sở thẩm định, quản lý.


Sở này cũng vừa công bố tiếp 8 trường có gắn tên “quốc tế” nhưng không nằm trong danh sách 21 trường do Sở GD-ĐT đã rà soát để các phụ huynh phân biệt khi lựa chọn trường cho con.

Danh xưng phải đi đôi với thực chất

Thực chất qua tâm sự chia sẻ từ các bậc phụ huynh có con học trường quốc tế cũng như từ chính một số nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục có yếu tố nước ngoài tại TP HCM đều thừa nhận, khái niệm “quốc tế” thậm chí còn chưa được định hình với ngay cơ quan quản lý giáo dục là Bộ GD-ĐT thì đương nhiên, phụ huynh rất thiếu thông tin khi có nhu cầu tìm trường quốc tế cho con. Và vì thế, lo ngại nhất của các bậc phụ huynh là không phát hiện được việc nhập nhèm giữa danh xưng và thực chất.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế Canada – trường có tên trong danh sách 21 trường được Sở GD-ĐT TP HCM công bố, chia sẻ: 

“Tôi có ý tưởng làm nhà đầu tư về lĩnh vực giáo dục xuất phát từ khi tôi muốn tìm cho con mình một môi trường học tập ít gò bó hơn. Khi ấy cách đây 10 năm, tôi đã gõ cửa nhiều trường trưng bảng trường “quốc tế” nhưng thực chất chỉ là trường tư thục. 

Gần đây sau khi xảy ra vụ Gateway, nhiều PHHS cho con học tại trường “quốc tế” còn bị tai tiếng tốn tiền chỉ vì cái mác “quốc tế”. Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh như vậy nên tôi vô cùng hiểu. Thứ nhất là các bậc cha mẹ đều rất thiếu thông tin. 

Học sinh trường Quốc tế Canada tại quận 7, TP HCM. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Đặc biệt, khi các trường có danh xưng “quốc tế” xảy ra sự cố (như trường Newton liên kết với trường GWIS, hay trường Gateway để xảy ra việc học sinh tử vong) thì phản ứng của cơ quan chức năng cũng tránh né, phủi trách nhiệm. 

Làm giáo dục theo tôi trước hết là không thể chỉ dựa vào quảng bá quá được, vì sản phẩm của nó là con người. Sản phẩm về giáo dục là con người nên nó khác biệt với mọi loại sản phẩm khác. Nó cần thời gian chứng minh”.

Chị Lê Thị Thu Hằng, một phụ huynh ngụ tại quận Gò Vấp, đang có 2 con theo học tại Trường Quốc tế Việt Úc cho biết: 

“Tôi mơ ước cho con theo học trường có giáo dục mô hình của nước ngoài. Vì vậy, lúc đầu, tôi cũng cứ thấy trường nào có chữ “quốc tế” là tôi lao vào. Chỉ với mục tiêu cho con thoát khỏi sự chật chội vì trường công sĩ số áp lực chứ cũng không phải là đưa con vào trường quốc tế để trở thành... thần đồng! Nhưng bản thân tôi thời gian đầu cũng đã vô cùng sốc khi cho con học một thời gian mới phát hiện là không phải là quốc tế thực sự mà là “quốc tế ba rọi”. Chạy vòng vòng chuyển cho con tới mấy trường, rốt cục tôi chọn Trường Quốc tế Việt Úc”.

Theo lời bà Oanh, có giai đoạn bà quyết định đưa con vào trường có đầu tư hoàn toàn 100% vốn đầu tư nước ngoài, một trường “quốc tế”... xịn, danh tiếng của Anh. Nhưng sau một thời gian, thấy không dạy tiếng Việt cho con mình, với lại trường chỉ nhận không quá 10% là HS Việt Nam, lo nguy cơ con mình “mất gốc” tiếng mẹ đẻ, bà đã phải đóng thêm tiền phụ đạo môn tiếng Việt cho con. Tuy nhiên, rốt cục là vợ chồng bà cùng đồng lòng tự “làm trường” cho con mình học. Từ đó mà hệ thống Trường Quốc tế Canada ra đời tại khu vực TP HCM.      

Bàn về cái gọi là “trường quốc tế”, bà Oanh cho rằng, trước hết phải khẳng định ngay là không có cái gọi là trường học theo chuẩn quốc tế mà chỉ có chương trình, cấu trúc, dịch vụ giáo dục tại nơi phụ huynh xin cho con vào học được theo chuẩn của mô hình giáo dục của nước: Anh, Pháp, Mỹ, Úc… 

Tại hệ thống Trường Quốc tế Canada mà bà Oanh đầu tư, chương trình của Canada đã được đưa vào áp dụng. Trong đó, tiếng Anh và Pháp là hai ngôn ngữ chính của nhà trường. Trong qui định học trên 30 tiêu chí, có một tiêu chí được Canada chấp thuận và được coi là môn học chính thức đó là HS phải có chứng chỉ tiếng Việt. HS theo học tại Trường Quốc tế Canada trong 30 tín chỉ để lấy bằng tú tài của Canada vẫn có 1 tín chỉ yêu cầu là phải có tiếng mẹ đẻ. 

Thứ hai, khi xây dựng chương trình cho HS, nhà trường nhận thấy nảy sinh nhu cầu của phụ huynh HS cần một chương trình học song ngữ. Theo đó, HS thông thạo thêm một ngôn ngữ khác và thông thạo như tiếng mẹ đẻ thì người ta gọi là chương trình song ngữ. Đương nhiên, đưa vào chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT Việt Nam cộng với chương trình của nước sở tại. 

“Sản phẩm của giáo dục như là một quá trình trưởng thành phát triển cả thể chất, tâm lý của một con người, do vậy, đào tạo, giáo dục thì khi thu hoạch quả chín mới biết mà đánh giá được chất lượng. Do đó, xin cho con vào học trường quốc tế mà các bậc phụ huynh đang quan tâm càng không nên bị quảng bá lừa phỉnh”, bà Oanh nói thêm.

Nhập khẩu cả chương trình và đào tạo

Ông Nguyễn Hoài Chương, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM phân tích, trước đây, việc phân biệt "trường quốc tế" dựa vào 2 yếu tố là chương trình và người học. Trong đó chương trình phải là chương trình quốc tế. Người học đa dạng, đa quốc gia, đa quốc tịch. Tuy nhiên bây giờ tên gọi "trường quốc tế" này đang bị "lạm dụng", có yếu tố làm hấp dẫn phụ huynh và người học, đồng thời các trường cũng đưa ra mức thu rất cao; phụ huynh thì ngộ nhận rằng chính con họ đang học “trường quốc tế” thực thụ nên không ngại đầu tư.

Để quản lý, Sở GD-ĐT TP HCM gom lại cả trường tư thục và đầu tư của nước ngoài thành các trường "có yếu tố nước ngoài". Nhiều trường trong số này sử dụng phần lớn chương trình, giáo viên nước ngoài cũng như phương pháp giảng dạy của đối tác nước ngoài; hoặc chương trình do những tổ chức giáo dục được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới kiểm định. Bằng cấp của HS nhận được ngoài bằng THPT của Việt Nam, có thể thêm một bằng nếu là song bằng.

Chia sẻ về vấn đề chữ tín với phụ huynh HS trong môi trường đầu tư trường học có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, bà Oanh nói: 

“Bằng cấp tương đương chính thức chứ không phải trường cấp cho HS; phù hợp với Việt Nam và nước bản xứ. Tôi nghĩ, đã gọi là “quốc tế” trước hết cần đạt chuẩn mực như vậy. Tôi không ham chữ “quốc tế”. Thà gọi là “trường đạt chuẩn Canada” còn có uy tín với phụ huynh hơn là gắn chữ “quốc tế” vào. 

Tổn thất của Gateway cũng làm cho các trường có yếu tố nước ngoài hiện nay đang rà soát, kiểm tra toàn bộ qui trình hoạt động. Nhập khẩu chương trình và còn phải đào tạo được một đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn giảng dạy như mô hình nước sở tại mới đạt yêu cầu. 

Chúng tôi là nhà đầu tư vào trường có yếu tố nước ngoài cũng xin được đề xuất, nếu như Bộ GD-ĐT công nhận “trường quốc tế” hay khái niệm “trường song ngữ” thì cần phải đưa ra tiêu chí cụ thể, phải đạt những tiêu chuẩn gì chứ không phải để nhiều trường tư thục quảng cáo rùm beng bằng nhiều lời “có cánh” như hiện nay. 

Nếu hoạt động, dịch vụ không đúng như cam kết với HS thì phụ huynh HS có quyền đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hành vi “treo đầu dê bán thịt chó” theo quy định pháp luật”.

Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.