Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo bắt đầu từ nâng chuẩn giáo viên

Thứ Ba, 04/09/2018, 18:40
Ngày 5-9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Đây là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo. 


Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ về những mục tiêu, kì vọng trong năm học mới; cũng như những khó khăn, thách thức và giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

PV: Thưa Bộ trưởng, trước ngày khai giảng, mưa lũ đã khiến ngành Giáo dục một số địa phương thiệt hại nặng nề. Bộ trưởng có thể cho biết ngành Giáo dục đã có biện pháp gì để các địa phương đảm bảo mọi học sinh đều được đến trường trong năm học mới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm nay, nhiều địa phương khu vực phía Bắc, bắc miền Trung, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mưa lũ rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học. 

Trong các đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường, trong đó có Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) mà tôi đến thăm gần như bị phá hủy hết, từ chỗ ở, chỗ học, sách vở, thiết bị... 

Tôi rất cảm động trước hình ảnh các thầy cô với sự giúp đỡ của lực lượng quân đội, an ninh ở khu vực rất cố gắng, quyết tâm sửa sang, khôi phục lại cảnh quan nhà trường để kịp năm học mới. 

Với các điểm trường bị thiệt hại nặng nề tại các địa phương khác, tôi cũng đã phân công các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT làm việc với các địa phương, động viên thầy cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn, cố gắng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

PV: Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm đã được đề ra từ 2 năm trước. Phụ huynh và xã hội rất quan tâm nhiệm vụ nào sẽ được ưu tiên thực hiện trong năm học này, Bộ trưởng có thể chia sẻ?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hàng năm, ngành Giáo dục bám sát vào nhiệm vụ của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và Nghị quyết 44 của Chính phủ, tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp. 

Một số nhiệm vụ cần tập trung trong năm học này, trước hết là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến đại học một cách khoa học, hợp lý trong bố trí giáo viên cũng như cơ sở vật chất, tránh tình trạng làm cơ học. 

Về phát triển đội ngũ, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong năm học 2018-2019, chúng tôi vẫn tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, chúng tôi đã ban hành Thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng sau khi lấy ý kiến góp ý của đông đảo các thầy cô giáo. 

Bước đầu, sau khi ban hành, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục đã rất quan tâm theo hướng tự soi, tự sửa để tự học, tự phát triển. Ngành sẽ có chương trình bồi dưỡng, hỗ trợ họ. 

Năm học mới, căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, căn cứ vào các chuẩn giáo viên và hiệu trưởng Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ này, chú trọng kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp. 

Một nhiệm vụ cũng sẽ được quan tâm trong năm học này là tiếp tục chỉ đạo các địa phương kiên cố hóa trường lớp, cơ sở vật chất chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bởi chương trình dù rất tốt, giáo viên dù được bồi dưỡng, nhưng điều kiện để thực hiện chương trình, đặc biệt với cấp tiểu học không đủ 2 buổi/ngày thì thời lượng để thầy cô truyền tải, tổ chức dạy học sẽ rất khó khăn. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung thực hiện nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh theo hướng không chỉ giáo dục trong nhà trường mà còn ngoài nhà trường; để làm sao Đề án mà trước kia là 2020, giờ trình Chính phủ điều chỉnh lại là Đề án 2080, theo hướng thiết thực, hiệu quả. 

Với giáo dục đại học, nhiệm vụ chúng tôi sẽ tập trung thực hiện trong năm học này là đẩy mạnh tự chủ. 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ sau 3 năm cho thấy kết quả tốt. Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng và đã trình Chính phủ Nghị định về tự chủ đại học để nhờ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng.

PV: Một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học này là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020. Đến thời điểm này, theo Bộ trưởng còn có những khó khăn gì có thể làm ảnh hưởng đến lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những nhiệm vụ rất trọng tâm đã được ngành Giáo dục thực hiện công phu, bài bản từ năm 2015. Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục sau một thời gian xây dựng và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sẽ sớm được ban hành đảm bảo chất lượng. 

Tuy nhiên, 2 điều kiện rất quan trọng để triển khai chương trình là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp vẫn là vấn đề cần phải quan tâm. Chương trình có tốt đến mấy nhưng người thực hiện là đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu cũng khó thành công. 

Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy, đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển mình. Nếu giáo viên không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao. 

Về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là với lớp 1 phải đảm bảo dạy và học được 2 buổi/ngày mới giảm tải được. Nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa đảm bảo 2 buổi/ngày. Đây cũng là một khó khăn.

Ảnh minh họa: Nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới giáo dục trong năm học 2018-2019.

PV: Ngành Giáo dục đưa ra giải pháp gì để giải quyết khó khăn này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trên thực tế, 2 điều kiện là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất Bộ GD&ĐT đều không quyết định trực tiếp được. Về giáo viên, Bộ GD&ĐT phải làm việc với Bộ Nội vụ. 

Hiện nay như tôi đã nêu, tình trạng thiếu thừa giáo viên chưa được giải quyết, cộng thêm chế độ đãi ngộ với giáo viên còn hạn chế nên động lực để các thầy cô đổi mới rất khó khăn. Điều này Chính phủ cũng biết và chúng ta sẽ phải đợi trong Đề án cải cách chính sách tiền lương tới đây. 

Về cơ sở vật chất, phần nhiều phụ thuộc vào Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ GD&ĐT đang cùng các bộ liên quan tìm phương án giải quyết, tuy nhiên theo phân cấp, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất lại là các địa phương, nên rất cần cả sự đồng thuận và vào cuộc của các địa phương. 

Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ trong thời gian Quốc hội cho phép nhưng quan trọng phải đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện chương trình hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất trường lớp. Tinh thần chung là phải làm chắc chắn. Tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo địa phương cùng đồng hành với Bộ GD&ĐT và các bộ ngành có liên quan triển khai chương trình này. 

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, theo đó phân công trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Chỉ khi tất cả làm tốt phân công một cách đồng bộ, nhịp nhàng chương trình mới thành công được.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Phương-Huyền Thanh (ghi)
.
.
.