Điểm yếu là chúng ta đào tạo ra cử nhân không có tinh thần khởi nghiệp

Chủ Nhật, 11/09/2016, 08:25
Năm học mới đã bắt đầu với ngổn ngang nhiều trăn trở liên quan đến chất lượng giáo dục nước nhà, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học. Tại cuộc họp báo trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ ra rằng “báo động nhất vẫn là chất lượng giáo dục đại học”.

Ở đây có câu chuyện về chất lượng giảng viên đại học, có câu chuyện về sự bùng nổ ngành đào tạo, trường đại học làm mất cán cân thăng bằng giữa cung – cầu thị trường lao động, tình trạng hàng vạn cử nhân thất nghiệp khi ra trường, câu chuyện tự chủ tuyển sinh, tự chủ đại học…

Tất cả những mối trăn trở này đã được Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ với PV Báo CAND tại chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này.

PV: Năm học mới 2016 - 2017, ngành giáo dục đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp căn bản để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà. Tuy nhiên, theo thầy, đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng, trước hết phải bắt đầu từ đâu?

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Tôi tâm niệm đổi mới giáo dục trước tiên là phải đổi mới người thầy. Người thầy phải là một huấn luyện viên, một hướng dẫn viên và là một hình mẫu cho học trò.

Từ thời xưa, dân tộc ta đã có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Người thầy luôn được tôn trọng, nhưng hiện nay, hình ảnh người thầy dần bị phai mờ, có đôi lúc bị “xem thường”. Đồng thời, trong một thời gian dài, nghề giáo không còn được trân trọng nhiều như trước đây, tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” hay căn bệnh thành tích để có được tỷ lệ học sinh giỏi, thi đậu cao phần nào đã góp phần vào việc “hạ thấp” vị thế của người thầy trong xã hội Việt Nam.

Để định hình lại vai trò của người thầy trong xã hội ta, trước hết phải gắn việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người thầy. Tôi cho rằng, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài, thu hút nguồn chất xám từ bên ngoài để ngày một nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

PV: Trong kỳ xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay, lần đầu tiên nhiều trường đại học khá danh tiếng cũng “ế” chỉ tiêu. Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng, đấy cũng là một dịp để các trường phải nhìn lại mình. Nhưng phía sau đó còn là câu chuyện tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vô tội vạ, không bám vào thị trường lao động. Nói về chất lượng giáo dục đại học, thầy trăn trở nhất điều gì?

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ:  Điều tôi trăn trở nhất là giáo dục đại học của ta hiện nay không theo kịp với năng lực hiện có của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại. Chương trình đào tạo, trình độ đội ngũ, các kỹ năng “cứng” và “mềm” còn chênh lệch quá lớn so với nền giáo dục nhiều nước trên thế giới. Giáo dục và đào tạo không theo kịp, chưa nói là có thể đi trước, so với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong đời sống. Thế nên, các sản phẩm trong đời sống thường nhật ở nước ta vẫn là thành quả từ các nền giáo dục khác trên thế giới, phần nhiều chưa phải là của Việt Nam để có thể khuyến khích hay tạo động lực nội tại cho việc phát triển thực chất của giáo dục đại học nước nhà.

Hiện nay, chưa có sự thống nhất quản lý toàn bộ các trường đại học, cao đẳng (trừ các trường thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh) về một mối, trên một thang chất lượng chung, xuyên suốt toàn quốc. Mạng lưới chủ quản của các bộ, ngành và các tỉnh, thành đơn lẻ tạo manh mún làm chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng không giống ai nên rất khó để có thể so sánh với khu vực hay thế giới.

Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ.

Thêm nữa, chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng và nghiên cứu. Một phần lý do khách quan là đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là vừa và nhỏ nên chưa đủ tài lực và động lực để chủ động gắn kết với hoạt động của các trường. Cuối cùng với mức học phí thấp cùng mức độ đào tạo đại trà như hiện nay, chúng ta khó đòi hỏi chất lượng đào tạo cao được.

PV: Để bắt đầu sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, Bộ sẽ tính đến chuyện phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Việc xếp hạng, phân tầng đại học, thầy sẽ cảnh báo điều gì? Vì sao nhiều trường đại học vẫn không mặn mà với chủ trương “phân tầng, xếp hạng”? Và khi đó, các trường ngoài công lập vốn đã khó khăn sẽ nằm ở đâu trong hệ thống phân tầng?

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Việc phân tầng và xếp hạng các trường đại học là việc làm tất yếu, trước sau cũng phải làm. Để thực hiện tốt việc này, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan cần phải xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện của đất nước, trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm định giáo dục phải là đơn vị độc lập, không trực thuộc các cơ quan quản lý hay điều hành hoạt động giáo dục.

Chúng ta cũng có thể mời các cơ quan kiểm định quốc tế có uy tín thực hiện việc kiểm định các trường đại học Việt Nam ở giai đoạn đầu, để đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Nếu không sẽ tạo nên tình trạng mất đoàn kết giữa đại học quốc gia với đại học vùng, giữa các đại học vùng với các đại học “địa phương”, giữa trường đại học đa ngành với ngành với trường đơn ngành.

Một thực tế cho thấy, khi xếp hạng và phân tầng đại học, các trường đại học dân lập và tư thục sẽ chịu thiệt thòi nhất và có nhiều trường sẽ không có mặt trong tốp nào cả vì các lý do sau:

Nhiều trường đại học ngoài công lập được thành lập trong khoảng 10 năm trở lại đây đã không hưởng ứng đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà Nước. Các trường công lập được Nhà nước đầu tư một nguồn lực rất lớn bao gồm đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính, trong khi đó các trường tư thục xây dựng và phát triển phải phục thuộc tất cả vào học phí của sinh viên và đồng thời, còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Ở nhiều địa phương, giáo dục đại học ngoài công lập được hiểu là chốt xử lý thêm cho phần thừa mà giáo dục đại học công lập không đáp ứng nổi. Chính vì chủ trương “xã hội hóa” giáo dục bị hiểu sai đi như thế nên nhiều cơ quan, ban, ngành địa phương không tạo điều kiện cho các đại học ngoài công lập phát triển. Đây là một nghịch lý so với nhiều nước phát triển trên thế giới, nơi các trường đại học mạnh nhất đều là các trường tư, hay thậm chí nhiều nước còn tạo cơ chế pháp lý “tư” cho các trường vốn là công lâu năm của họ.

PV: Câu chuyện về “tự chủ” trong giáo dục đại học nên được hiểu và được thực hiện như thế nào, thưa thầy?

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Tự chủ đại học hiện nay đa phần được hiểu là “tự chủ tài chính”, vì vậy nhiều người xem đây chỉ là vấn đề của trường công vì hầu hết các trường dân lập hay tư thục đều đã tương đối tự chủ trong các quyết định về tài chính của mình. Từ đúng của “tự chủ đại học” chính là “tự trị đại học”, nghĩa là tạo ra một môi trường học thuật không bị bất cứ ràng buộc nào từ bên ngoài; là nơi cung cấp những dữ liệu, thông tin cho người học để làm nền tảng phát triển lâu dài; là nơi sáng tạo khoa học và công nghệ; là nơi phát triển các giá trị nhân văn trong tất cả các mảng khác nhau. Do đó, không nên hiểu hạn hẹp là tự chủ đại học là Nhà nước không cung cấp kinh phí nữa.

Và tự chủ đại học hay tự trị đại học hoàn toàn không có nghĩa là các trường đại học có quyền tự do hoàn toàn, mà mọi hoạt động phải luôn trong giới hạn, trong khuôn khổ luật pháp của Nhà nước và trong phạm vi của các quy chế của các bộ hay đơn vị trực tiếp quản lý.

PV: Hiện nay, tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn chưa kết thúc và chúng ta đang loay hoay giữa chỉ tiêu tuyển sinh - nhu cầu xã hội. Thang đo nào sẽ giúp giải quyết được việc khủng hoảng cử nhân thất nghiệp? Để thu hẹp khoảng cách cung - cầu giữa đào tạo và thị trường lao động, việc rà soát nhu cầu thị trường nên được tiến hành theo quy trình như thế nào, thưa thầy?

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2016 được dự báo là một năm “đầy thử thách” của nền kinh tế thế giới, trong đó tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu - nhất là trong giới trẻ, có xu hướng gia tăng. Ở nước ta, việc khủng hoảng cử nhân thất nghiệp, theo tôi do các nguyên nhân chính trong một vòng tròn luẩn quẩn sau:

Doanh nghiệp thiếu nhân lực chất lượng và hoạt động kém với tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến phá sản ngày càng nhiều, sa thải thêm nhiều nhân viên. Đào tạo đại học và đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên sinh viên tốt nghiệp còn thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

Do không có thước đo chung hay xếp hạng rõ ràng về chất lượng đào tạo, năng lực đội ngũ, thành quả nghiên cứu nên nhiều trường thực sự chẳng có gì đổi mới trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục là chọn lựa đầu tiên của các thí sinh. Để thu hẹp khoảng cách cung cầu giữa đào tạo - thị trường lao động, chúng ta nên thực hiện các giải pháp sau:

Doanh nghiệp và các trường đại học phải có sự gắn kết chặt chẽ thông qua các hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và tuyển dụng. Doanh nghiệp nên tham gia vào việc góp ý chương trình và nội dung đào tạo, đầu tư cho nhà trường đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp và hợp tác trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Đào tạo ra những cử nhân có năng lực khởi nghiệp và phải là những công dân mang tính toàn cầu, để có thể vẫn tự phát triển được dù trong điều kiện kinh tế quốc gia hay thế giới thế nào. Hãy thử nhìn nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ cũng đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp trầm trọng và lối ra vẫn luôn là những cuộc cách mạng công nghệ mới, những làn sóng di chuyển các ngành nghề và trong nội bộ từng ngành nghề, được khơi nguồn chính bởi tinh thần khởi nghiệp và khuynh hướng tiếp cận toàn cầu hóa của chính các công dân họ. Điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là vẫn đang đào tạo ra những cử nhân với thói quen đi xin việc, làm công ăn lương, không có tinh thần khởi nghiệp.

PV: Theo thầy, vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục, giữa hệ thống trường đại học công - tư hiện nay đã được khắc phục hay chưa? Rất nhiều trường đại học dân lập đang đứng trước bờ vực phá sản, bị xóa sổ. Vậy có cách gì để cứu vãn tình hình này không, thưa thầy?

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ: Hệ thống đại học công lập và ngoài công lập luôn tồn tại sự bất bình đẳng do thực tế khách quan là một bên ra đời trước hàng chục năm và luôn được Nhà nước đầu tư nguồn lực tương đối đầy đủ, với một bên sinh sau đẻ muộn, phải tự lo toàn bộ và phải nộp thuế cho Nhà nước.

Vừa qua Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương và chính sách nhằm xóa bỏ ngăn cách này nhưng cũng chỉ mới có hiệu quả phần nào thôi. Chính vì thế mà có một khuynh hướng hiện nay là nhiều trường ngoài công lập phải bán cho các tập đoàn kinh tế lớn để tồn tại, một số khác thì đang chờ phá sản. Điều này chắc chắn đi ngược lại với mô hình các trường tư nổi tiếng ở những nước phát triển, theo hướng “không vì mục đích lợi nhuận” và càng chẳng phản ánh nguyện vọng ban đầu của Đảng và Nhà nước trong việc đưa ra chủ trương “xã hội hóa giáo dục”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn thầy!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.