Để học sinh hứng thú hơn với môn giáo dục thể chất

Thứ Năm, 07/03/2019, 07:38

Với mục tiêu phát triển thế hệ trẻ toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, “diện mạo” môn giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông (GPDT) mới đã được thay đổi so với chương trình hiện hành.


Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để môn học này thực sự hiệu quả trong trường học, góp phần nâng cao tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam, ngoài việc đổi mới chương trình, còn hai “nút thắt” khác cần tiếp tục được tháo gỡ là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Học sinh được tự chọn môn thể dục, thể thao yêu thích từ lớp 1

Môn giáo dục thể chất trong chương trình GDPT mới được thiết kế theo hướng tăng thời lượng hơn so với chương trình hiện hành. Bên cạnh đó, ngoài phần kiến thức, kỹ năng cơ bản thì học sinh được tự chọn môn thể dục, thể thao yêu thích ngay từ lớp 1. Đặc biệt, việc kiểm tra, đánh giá cũng được thay đổi theo tinh thần đánh giá học sinh qua sự nỗ lực của chính các em chứ không phải là kết quả, thành tích. Thời lượng dành cho môn giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Nội dung giáo dục thể chất cũng được chia thành hai giai đoạn.

Sẽ tăng cường thời lượng các môn thể thao tự chọn cho học sinh trong chương trình GDPT mới. (Ảnh minh họa).

Ở giáo dục cơ bản, môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao.

Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.Ví dụ ở bậc tiểu học, nội dung vận động cơ bản với các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, tư thế và kỹ năng vận động chiếm 65% thời lượng. Còn ở cấp THPT, nội dung trên không còn. Thay vào đó, các môn thể thao tự chọn chiếm 90% thời lượng, thời gian còn lại dành cho đánh giá cuối kỳ, cuối năm học...

Theo ban soạn thảo chương trình, với môn giáo dục thể chất trong chương trình GDPT mới, học sinh được lấy làm trung tâm, giáo viên được yêu cầu vận dụng linh hoạt phương pháp như trực quan, sử dụng lời nói, tập luyện, sửa sai, trò chơi, thi đấu, trình diễn. Đồng thời, giáo viên cũng được hướng dẫn áp dụng cách sử dụng nguyên tắc đối xử cá biệt, phù hợp với sức khỏe của học sinh. Đặc biệt, môn giáo dục thể chất cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.

Tháo gỡ “nút thắt” về sân tập và đội ngũ giáo viên

Mặc dù cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được xem là hai trong ba yếu tố then chốt quyết định chất lượng môn giáo dục thể chất trong nhà trường. Tuy nhiên, hiện tại cả hai yếu tố này đều vừa thiếu, vừa yếu. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, về cơ sở vật chất, cả nước hiện có khoảng 80% trường học phổ thông thiếu nhà tập, 99,6% số trường thiếu bể bơi, 85% số trường thiếu sân tập thể dục.

Về đội ngũ giáo viên, toàn quốc có 76.856 giáo viên, trong đó chỉ có khoảng 56.932 giáo viên chuyên trách, chiếm 74%; số còn lại là giáo viên kiêm nhiệm. Trong đó, riêng cấp Tiểu học có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách về giáo dục thể chất (chỉ từ 1 - 2 người, phần lớn là 1 người); khoảng 80% số trường còn lại do giáo viên kiêm nhiệm dạy nên chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ths. Đinh Đức Thiện, chuyên viên Giáo dục thể chất, Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 413 giáo viên được đào tạo giáo dục thể chất chính quy, trong đó, có 88 giáo viên/155 trường tiểu học, 96 giáo viên/135 trường THCS và 129 giáo viên/38 trường THPT. Theo ông Thiện, việc thiếu giáo viên giáo dục thể chất trên thực tế đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giờ học và cũng chính là nguyên nhân khiến học sinh không có hứng thú, thậm chí sợ môn học này.

TS Nguyễn Gắng, Trưởng khoa Giáo dục thể chất, ĐH Huế cũng cho rằng: Ngoài đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho đào tạo cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sân tập, nhà tập, bể bơi, thiết bị dạy học đặc biệt... Từ đó, việc lựa chọn nội dung các môn học trong chương trình đào tạo ở nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

“Hiện nay trong TP. Huế rất nhiều trường tiểu học và THCS không có khuôn viên. Vì không có sân chơi, học sinh muốn tập thể dục, chơi thể thao phải ra công viên tìm chỗ. Tôi cho rằng, nếu nút thắt về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên không được giải quyết thì dù chương trình môn giáo dục thể chất mới có ưu việt đến mấy cũng khó có thể mang lại kết quả cao”-TS Nguyễn Gắng nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.
.