Đầu tư 77 triệu USD để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ Tư, 12/04/2017, 18:49
Đó là thông tin được GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đưa ra tại cuộc họp báo công bố dự thảo chương trình GDPT tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại Hà Nội chiều 12-4.


Dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được Thủ tướng phê duyệt danh mục tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 8/4/2015. Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản, đồng thời là chủ dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2020 tại Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh, thành.

Theo Dự thảo, chương trình GDPT mới hướng tới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT. Hệ thống các môn học của chương trình GDPT được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Điểm thay đổi rõ rệt nhất của chương trình GDPT mới so với trước đây là giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Trong đó, giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh trí thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Ở 2 cấp học này sẽ thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; qua đó tinh giản nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.

Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Cấp THPT yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thông tin về chương trình GDPT mới tại buổi họp báo

Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới

Ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

 Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Gồm các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ở lớp 11 và lớp 12, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 

Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Thu Phương-Huyền Thanh
.
.
.