Đào tạo từ xa ngày càng giảm sút

Thứ Bảy, 22/04/2017, 10:02
Phương thức đào tạo từ xa tại Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức khi mà quy mô tuyển sinh ngày càng giảm sút, quy trình quản lý chất lượng chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng đào tạo của loại hình này chưa được xã hội thừa nhận.

Ngày 21-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, phương thức đào tạo từ xa (ĐTTX) tại Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức khi mà quy mô tuyển sinh ngày càng giảm sút, quy trình quản lý chất lượng chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng đào tạo của loại hình này chưa được xã hội thừa nhận.

Muốn xã hội tin tưởng và thừa nhận, các cơ sở ĐTTX cần phải tự nâng cao chất lượng. Ảnh minh họa.

PGS.TS Lê Văn Thanh-nguyên Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, Trưởng nhóm chuyên gia khảo sát về ĐTTX cho biết: Hầu hết, các trường ĐH có quy mô lớn nhất thế giới đều là những trường ĐH phát triển mạnh về ĐTTX, có số sinh viên chiếm đa số như ĐH Indira Gandhi (Ấn Độ) với quy mô hơn 3,5 triệu sinh viên; ĐH Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) với quy mô 1,95 triệu sinh viên; ĐH Mở Allama Iqbal Islamabad (Pakistan) với 1,8 triệu sinh viên...

Nhiều nước trên thế giới đã và đang coi ĐTTX là công cụ hữu hiệu để phục vụ việc học tập suốt đời và phát triển đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Thế nhưng, tại Việt Nam, hình thức ĐTTX đang đứng trước những thách thức rất nghiêm trọng.

Mặc dù chương trình ĐTTX được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993, song đến nay, cả nước mới có 21 trường ĐH tiến hành các chương trình ĐTTX và hiện chỉ có 17 trường ĐH tuyển sinh được người học.

Đáng lưu ý, trong 3 năm trở lại đây, quy mô tuyển sinh ĐTTX ngày càng giảm sút. Nếu như năm 2012, cả nước có 17 trường ĐH đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh ĐTTX với tổng số 68.020 chỉ tiêu, quy mô 161.047 sinh viên, chiếm khoảng  6% tổng số sinh viên ĐH, CĐ thì đến tháng 10-2016 giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên.

PGS.TS Lê Văn Thanh cho rằng: Hiện nay, công tác tuyển sinh hệ ĐTTX ngày càng khó khăn, một phần do nguồn tuyển sinh của hệ đào tạo này chủ yếu là những người đã có việc làm, cơ bản đã hoàn thành phổ cập chương trình ĐH, CĐ muốn học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn không cần lấy bằng cấp. Không chỉ thế, việc nhiều trường ĐH được thành lập mới đã tạo cơ hội cho người học nhiều sự lựa chọn hơn, làm giảm thị phần đối với ĐTTX...

Bên cạnh đó,  nhiều trường có ĐTTX chưa đầu tư công sức, tài chính để sản xuất học liệu và phát triển công nghệ, dẫn tới việc tổ chức dạy tập trung tại các địa phương thông qua các trung tâm đào tạo, tạo ra sự biến tướng của loại hình đào tạo này.

Thậm chí, không ít trường đã coi ĐTTX như là việc làm thêm để tăng nguồn thu; quy trình quản lý và đảm bảo chất lượng còn lỏng lẻo, dẫn tới việc xã hội chưa thực sự yên tâm về chất lượng đào tạo cũng như bằng cấp của loại hình này. Ngoài ra, người sử dụng lao động không tuyển dụng những người có bằng ĐTTX cũng đang trở thành rào cản khiến nhiều người học không còn mặn mà với loại hình đào tạo này...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Hình thức ĐTTX là một trong những xu thế phát triển hiện đại, phương thức giáo dục phổ biến, có tính thời đại, phương thức này giúp người học có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo đang diễn ra mạnh mẽ, đây sẽ là bước “đi tắt để đón đầu”  nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức, kỹ năng thích ứng và hội nhập vào thế giới đang bước tiến mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc mở rộng cần phải đi đôi, phải gắn liền với việc kiểm soát chất lượng. Bởi phát triển mà không kiểm soát được chất lượng thì sẽ vô cùng nguy hiểm vì sản phẩm đào tạo ra sẽ không được xã hội thừa nhận.

Người đứng đầu ngành giáo dục-đào tạo cho rằng: Cần phải đa dạng hóa các hình thức ĐTTX không chỉ riêng ở bậc ĐH mà còn ở nhiều bậc học khác. Thực tiễn cho thấy, hình thức ĐTTX kết hợp với hình thức đào tạo truyền thống sẽ tạo nên hiệu quả tốt nhất cho người học. Người học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi trên máy tính cá nhân và các thiết bị di động thông minh có kết nối Internet. Nếu không có quan điểm rõ ràng về phương thức đào tạo, chương trình đào tạo thì xã hội sẽ chưa thật tin tưởng.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để nâng cao chất lượng mô hình ĐTTX, trước hết các cơ sở đào tạo cần phải nhanh chóng nghiên cứu để tiến tới đa dạng hình thức ĐTTX. Bên cạnh đó, muốn cung cấp các dịch vụ được mọi người tin tưởng thì các cơ sở đào tạo cũng cần nhìn lại chính mình, phải tự nâng cao chất lượng từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, công nghệ, học liệu, chương trình đào tạo và đặc biệt là khâu kiểm định chất lượng.

Bộ GD&ĐT luôn thống nhất quan điểm đẩy mạnh phát triển hình thức ĐTTX nhưng  phải đảm bảo chất lượng; phải kiểm soát đầu ra, tạo thị trường lành mạnh, bình đẳng công khai trong đào tạo.

“Cửa” vào đại học sẽ hẹp hơn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến hết ngày 20-4, thời điểm kết thúc đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH) năm 2017, cả nước có gần 860 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH là hơn 643 nghìn, chiếm khoảng gần 75%.

Hiện đã có hơn 620 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi được nhập lên hệ thống, đạt hơn 96%, trong đó nguyện vọng 1 là 620 nghìn, nguyện vọng 2 là 537 nghìn, nguyện vọng 3 là 433 nghìn, nguyện vọng 4 là 312 nghìn, nguyện vọng 5 là 214 nghìn và các nguyện vọng còn lại là 368 nghìn. Như vậy, số lượng thí sinh xét tuyển ĐH năm nay là 643 nghìn, cao hơn khoảng 43 nghìn so với 600 nghìn thí sinh của năm 2016.

Trong khi đó, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH trên cả nước và các trường CĐ sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý năm 2017 là khoảng gần 392 nghìn, giảm khoảng 20% so với năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc, “cửa” vào ĐH năm 2017 sẽ hẹp hơn so với 2016 vì tỷ lệ chọi cao hơn. (H.T.)

Huyền Thanh
.
.
.